Theo Thầy

30/08/2021Hoa Tigôn, LS.STuổi trẻ và ơn gọi
Thế giới hôm nay đang mong chờ những người thánh hiến phản ảnh cụ thể cách thức hành động của Đức Giêsu, và tình yêu mà Người dành cho nhân loại không phân biệt và hạn chế.

                                        

Khi Đức Giêsu còn tại thế, Người đã kêu gọi một số môn đệ đến và ở lại với Người, để Người dạy dỗ và sai đi (Mc 3.13-19). Trước khi về trời Đức Giêsu đã truyền dạy ông hãy đi khắp tứ phương thiên hạ để rao giảng Tin Mừng và làm phép rửa cho muôn dân (Mt 28,19). Ngay sau khi Giáo Hội còn sơ khai, Chúa Thánh Thần đã tác động và mời gọi nhiều người tín hữu nam nữ hiến dâng đời mình để phụng thờ Thiên Chúa và được sai đi để tiếp nối sứ mạng mà Đức Giêsu đã ủy thác. Thật vậy, đời sống thánh hiến luôn được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trở thành một sứ vụ. Các người thánh hiến càng để mình đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu thì Người càng hiện diện trong dòng lịch sử vì phần rỗi mọi người. Họ  luôn cởi mở trước các nhu cầu của thế giới và hướng đến một tương lai tươi sáng trong niềm hy vọng phục sinh, sẵn sàng theo gương Đức Giêsu , Đấng đến giữa chúng ta để chúng ta được sống và sống dồi dào. ( Ga 10,10)

1. Dâng hiến là bước theo Đức Giêsu.

Đời sống dâng hiến, những con người được mệnh danh là một Sequela Christi, bước theo vết chân Đức Kitô, làm sao chúng ta có thể trở nên dấu chỉ bằng sự hiện diện bây giờ và luôn mãi trong đời sống và văn hóa nhân loại; Làm sao chúng ta có thể là một Kitô khác bằng sự hiện diện sống động trong môi trường và trong thời đại này với đầy dẫy những bóng tối và huyền nhiệm. Như các môn đệ trên đường Emau, chúng ta phải có Chúa làm bạn đồng hành và Người ban Thần Khí cho chúng ta. Chỉ mình Người đang hiện diện giữa chúng ta mới có thể giúp chúng ta thấu hiểu và thi hành lời Người. Người soi lòng mở trí và sưởi ấm cõi lòng giúp chúng ta đi trên con đường Người đã đi, sống và hành động như Người đã sống và hành động (Xuất phát lại từ Đức Kitô số 2).

Thế giới hôm nay đang mong chờ những người thánh hiến phản ảnh cụ thể cách thức hành động của Đức Giêsu, và tình yêu mà Người dành cho nhân loại không phân biệt và hạn chế. Thế giới muốn kinh nghiệm điều mà thánh Phaolô đã khẳng định “ Hiện nay tôi còn sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào con Thiên Chúa, Đấng đẽ yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,10).

Để có thể trở thành một Sequela Christi, tiên vàn người tu sĩ cần phải có sự dấn thân mới trong đời sống thiêng liêng, bằng cách xuất phát lại từ Đức Kitô qua việc gắn bó với Tin Mừng và sống linh đạo hiệp thông theo một cách thức duy nhất. Đức Kitô phải trở thành trung tâm đời sống người tu sĩ và phải biết thực hành mục vụ cùng giáo huấn về sự thánh thiện cách chuyên sâu.

Một khi muốn theo sát Đức Kitô và phản ảnh chính xác dung mạo của Người. Người sống đời thánh hiến cần đặt đời sống thiêng thiêng lên hàng đầu, cần đến một sự tái sinh thiêng liêng, luôn mở lòng và ngoan ngoãn với hoạt động của Chúa Thánh Thần, một hoạt động luôn có tính mới mẻ và sáng tạo “ vì Chúa Thánh Thần chính là linh hồn và linh hoạt viên của đời sống thiêng liêng Kitô giáo” (Xuất phát lại từ Đức Kitô số 20)

Đời sống thánh hiến phải trở nên sự hiện diện của tình yêu Đức Kitô giữa lòng nhân loại hôm nay. Người tu sĩ không ngừng tìm kiếm và kết hợp với Đức Kitô trong đức tin và tỏa sáng hình ảnh của Người qua sứ mạng. Thế giới hôm nay cần một lối sống chứng tá ngôn sứ vì “họ tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và họ có tin vào các thầy dạy là vì các thầy dạy ấy là những chứng nhân” ( Chân phước Gioan Phaolô II), nhằm khẳng định vị thế tối thượng của Thiên Chúa và cuộc sống vĩnh cửu, biểu lộ qua việc bước theo và trở nên giống Đức Kitô  trinh khiết, khó nghèo và vâng phục, Đấng đã hiến thân trọn vẹn vì vinh quang Thiên Chúa và vì tình yêu đối với anh chị em (Xuất phát  lại từ Đức Kitô  số 8).

2. Dâng hiến - Bước Theo  Đức Kitô  qua các lời khuyên Tin Mừng.

Qua các lời khuyên phúc âm, Đức Kitô mời gọi một số người chia sẻ kinh nghiệm của Người trong tư cách con người khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Các lời khuyên đó đòi hỏi và biểu lộ nguyện ước được hoàn toàn nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô . Khi sống vâng phục, người tu sĩ thực hành theo gương Đức Kitô  khi đến trần gian là thi hành ý của Cha. Khiết tịnh là diễn tả một con tim dâng hiến không chia sẻ cho Thiên Chúa, và khó nghèo là không sở hữu của cải riêng và chọn Thiên Chúa là của cải duy nhất – chân thật của đời mình.

  • Sự khiết tịnh: Có thể nói đức khiết tịnh là đức yêu thương vì nó có nguồn gốc là Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu lý tưởng , tình yêu mẫu mực và tình yêu bao la. Người khiết tịnh là người hiểu được giá trị tuyệt vời của tình yêu nơi Thiên Chúa, nên hiến trọn đời mình cả xác hồn cho tình yêu ấy và quyết tâm dâng hiến một con tim không chia sẻ nhằm phản ánh tình yêu vô biên đang nối kết giữa Ba Ngôi Thiên Chúa trong chiều sâu nhiệm mầu của đời sống Ba Ngôi. Tình yêu Ngôi Lời nhập thể làm chứng đến hy sinh mạng sống, tình yêu được đổ đầy vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần ( Rm 5,5). Đấng đang thúc đẩy chúng ta  với trọn tình thương Thiên Chúa và anh em.

Nếu bản chất của đức khiết tịnh là tình yêu mà tình yêu thì phải trọn vẹn, yêu cả xác hồn và cả con người nên khiết tịnh bao gồm tất cả mọi khía cạnh của con người: tâm lý, thể lý, tình cảm, tình dục, cho nên sẽ không phải là khiết tịnh nếu chỉ cố giữ mình trong sạch trong lãnh vực cảm xúc- cụ thể như giữ mình đồng trinh, giữ ngũ quan. Đức khiết tịnh cũng bao gồm chiều kích cá nhân và chiều kích cộng đoàn.

Đức khiết tịnh của tu sĩ nhờ có sự khác biệt là không cần sự trung gian của tình yêu loài người mới hiểu được tình yêu Thiên Chúa, nên mang tính cách siêu việt và cánh chung. Nó cho con người thấy trước được tình trạng chung kết của mọi người như thế nào. Và vì đức khiết tịnh là cho đi mạng sống, là tình yêu dâng hiến nhưng không như một tấm gương trước mắt mọi người, nên đức khiết tịnh của tu sĩ còn có tính tông đồ, nó tỏ cho mọi người thấy tình yêu phong phú bao la vô biên của Thiên Chúa.

  • Sự khó nghèo: Nếu căn tính đời tu là hoàn toàn hiến thân để sống Phúc Âm một cách trọn vẹn và triệt để thì Chúa Giêsu chính là gương mẫu về nhân đức nghèo. Thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Phi-lip- phê chương 2 câu 5-8 cho chúng ta thấy Đức Giêsu sống nghèo như thế nào “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập tự”.

Người tu sĩ thực hành nhân đức khó nghèo là bước theo Đức Kitô, là bước lại trong thời đại ngày nay những bước mà Đức Kitô đã đi trong thời đại ngày xưa của Người trong một cuộc hành trình hiện sinh của cái nghèo  về sở hữu và cái nghèo hiện hữu. Nghèo về sở hữu là không có hoặc ít tiền bạc, của cải, địa vị… Nghèo trong hiện hữu là chẳng những không có mà còn không ham muốn bất cứ điều gì. Có cái nghèo thuộc về bản thân và có cái nghèo thuộc cộng đoàn. Cả hai cái nghèo đều muốn cho bản thân và cộng đoàn trở nên tốt hơn. Sống nghèo như vậy vì người ta nhắm đến khía cạnh làm chứng vì lợi ích tông đồ giúp con người ngày nay nhìn vào lối sống ấy mà nhận biết Đức Kitô  và qua đó nhận biết Thiên Chúa.

         Vậy cái nghèo theo đúng ý Đức Kitô, cái nghèo mà người tu sĩ nguyện sống theo không chỉ là cái nghèo trong sở hữu mà còn phải là cái nghèo trong hiện hữu, không phải chỉ là cái nghèo trong vật chất mà còn phải là cái nghèo tinh thần, không phải chỉ là cái nghèo vì lợi ích bản thân, mà còn phải là cái nghèo vì lợi ích cộng đoàn, vì mục đích làm chứng mang tính tông đồ.

- Sự vâng phục: Thánh Phaolô trình bày Đức Giêsu Kitô là Đấng đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá (Pl 2,8). Sự vâng phục của Đức Kitô không phải chỉ là một nhân đức trong số các nhân đức, mà trong suốt cuộc đời của Người, khi thì Người nhấn mạnh đến nhân đức này khi thì người nhấn mạnh đến nhân đức khác. Sự vâng phục của Đức Giêsu Kitô có liên hệ đến chính sự hiện hữu của Người như là con Thiên Chúa làm người. Đó chính là lý do khiến Người nhập thể và nhập thế là để thi hành ý của Cha. Sự hiện diện của Người ở trần gian là chính chương trình của Cha và cả đời Người là để thực hiện ý Cha. Người sống đời thánh hiến bước theo Đức Giêsu Kitô cũng chính là tiếp tục thực hiện ý Cha trong trần gian này. Đó chính là mục đích và ơn gọi của người sống đời dâng hiến trên đường nên thánh.

Đức vâng phục trong đời tu không phải là một phương thế để tập sống khổ hạnh, không phải là một nhân đức để trau dồi và cũng không phải là một lý do để bề trên dựa vào đó buộc các bề dưới làm theo lệnh của mình. Đức vâng phục trong đời tu cũng không phải chỉ để tạo ra một trật tự chung hay để thực hiện được một chương trình chính trị là điều mà những tổ chức xã hội và chính trị nhắm đến bằng cách dựa vào luật pháp bắt người dân phải tuân theo. Đức vâng phục đời tu mang chiều kích thánh thiêng, nó nằm trên bình diện trực tiếp giữa Thiên Chúa và con người. Người tu sĩ khấn vâng phục phải ý thức mình được tham dự vào chính sự vâng phục và sứ mạng của Đức Kitô giữa trần gian “Ta đến để làm theo ý Cha đẽ sai Ta” (Dt 10, 7-9)

Đức vâng phục của người tu sĩ phải được thực hiện trong cộng đoàn bởi vì cả cộng đoàn cũng như cá nhân đều phải là sự hiện diện của Chúa và tiếp tục sứ mạng của Người giữa trần gian. Bề trên và bề dưới đều phải vâng phục ý Chúa, cả hai đều phải lắng nghe và thực thi ý Người. Đây là điểm độc đáo của đời tu, làm cho cộng đoàn tu khác với những nhóm khác. Đức vâng phục đời tu không như tính vâng phục trong các cơ chế xã hội, không phải chỉ nhằm giúp cho một tổ chức tập thể có được trật tự, điều hành tốt, sản xuất tốt. Mục tiêu của Đức vâng phục  là để hoàn thành sứ mạng loan báo và thực hiện nước trời. Đức vâng phục ấy nằm trên bình diện đức tin và chân lý, được thể hiện trong tình thương, công lý và tự do. Do đó đức vâng phục phải thấm nhuần toàn thể con người, chi phối mọi tương quan của con người với Chúa và với tha nhân.

3. Dâng hiến – được thánh hiến cho sứ mạng.

Bước theo Chúa Giêsu Kitô – Người con yêu dấu mà Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến trần gian ( Ga 10,36), những người Thiên Chúa mời gọi theo Người cũng được thánh hiến và sai đến trần gian để tiếp bước chân Người trong sứ mạng cứu độ nhân trần. Điều này được áp dụng cho tất cả các Kitô hữu nói chung, nhưng nó được áp dụng cách đặc biệt cho những ai được mời gọi theo  sát Chúa Kitô trong đời sống dâng hiến và chọn Người làm gia nghiệp đời mình. Khi tuyên khấn ba lời khuyên phúc âm, người tu sĩ cam kết dâng hiến toàn thân cho sứ mạng theo đặc sủng của dòng dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Do đó chính đời sống thánh hiến trở thành một sứ mạng như cả cuộc đời Chúa Giêsu là một sứ mạng.

Trước khi thi hành sứ mạng bằng những công việc bề ngoài, sứ mạng cốt ở việc làm cho chính Chúa Kitô hiện diện bằng chứng tá bản thân. Một khi càng để mình đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, người tu sĩ càng làm cho Người hiên diện cách sống động trong  môi trường hiện tại. Người thánh hiến phải ý thức cao độ rằng mình được sai đi do chính sự thánh hiến và phải thi hành sứ mạng theo đặc sủng của dòng và nhân danh dòng. Tất cả bản thân, sứ mạng hay bất cứ hoạt động nào đều qui về Chúa Kitô và nhằm làm cho “Người hiện diện,  Người là Đấng vừa được thánh hiến cho vinh quang của Cha, vừa được sai đến với thế gian nhằm cứu độ nhân loại” (tông huấn ĐSTH số 72).

Khi đề cập đến sứ mạng giáo dục, tông huấn Đời Sống Thánh Hiến cũng cho thấy Giáo Hội vẫn luôn xác tín rằng “ Giáo dục là yếu tố chính yếu trong sứ mạng giáo dục của Giáo hội” ( tông huấn ĐSTH số 96), trong đó Chúa Thánh Thần là thầy dạy nội tâm, Đấng dò thấu lòng người cũng là Đấng thấu suốt chuyển động trong lịch sử. Toàn thể Giáo Hội được Chúa Thánh Thần linh hoạt và cùng với Người chu toàn sứ mạng giáo dục.

Người thánh hiến được mời gọi vào sứ mạng giáo dục luôn giữ một vai trò đặc biệt, họ tham dự vào sứ mạng giáo dục để làm chứng về giá trị nước trời, và đào luyện con người một cách hài hòa giữa thần thiêng và trần thế, giữa Tin Mừng và văn hóa, giữa đức tin và cuộc sống nhờ thấm nhuần tinh thần phúc âm, nhờ hưởng gia tài phong phú của những truyền thống giáo dục theo đặc sủng của dòng. Nơi đây người trẻ được lớn lên về mặt nhân bản, được tiến triển về tinh thần đức tin cùng với sự phát triển văn hóa và kinh nghiệm sống, giúp người trẻ hưởng một nền giáo dục toàn diện. Thật vậy qua thừa tác vụ giáo dục, rất nhiếu nhà giáo dục đã đạt tới đức mến toàn hảo nhờ thi hành sứ mạng trong tinh thần đức tin và lòng nhiệt thành, nhờ tấm lòng yêu mến và đời sống tận tụy luôn sống cho Chúa và cho người trẻ.

Kết:

Bước theo Chúa Kitô trong đời sống dâng hiến, người tu sĩ mang trong mình sứ mạng mang tính ngôn sứ. Tính ngôn sứ này được xem là tham dự vào chức vụ ngôn sứ của Chúa Kitô mà Thánh Thần đã ban cho toàn thể nhân loại. Tính ngôn sứ luôn gắn liền với đời sống dâng hiến bởi vì người sống đời thánh hiến luôn được thúc bách bước theo Chúa Kitô (Sequela Chriti) đến cùng qua việc tuyên khấn các lời khuyên phúc âm, qua việc dấn thân thi hành sứ mạng đặc thù của người ngôn sứ theo đặc sủng của dòng. Công đồng Vat II công nhận đời tu có phận sự làm dấu chỉ, dấu chỉ có tính ngôn sứ về vị thế trổi vượt của Thiên Chúa và của những giá trị tin mừng trong đời sống dâng hiến.

Quả thật, người sống đời dâng hiến bước theo Chúa Kitô là sống nên một với Người, là bước lại những bước chân Người đã đi khi xưa trong thế giới hôm nay, là trở nên dồng hình đồng dạng với người trong tinh thần và hành động, là tham dự vào sứ mạng của Người nơi trần gian trong việc cứu rỗi các linh hồn.

 

 Hoa Tigon, LS.S

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2024. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật