Thập Giá ơi!

27/03/2024nulasanvnSUY TƯ
Đứng trước một xã hội hiện đại, với những áp lực và lo lắng về sự thành công, Thập giá trở thành biểu tượng đưa chúng ta trở lại với những giá trị tinh thần, hướng chúng ta có cái nhìn về thực tại trời cao.

THẬP GIÁ ƠI!

   Trong sứ vụ cứu thế của mình, Chúa Giêsu đã nói, đã làm và đã thực hiện tất cả những gì lời các ngôn sứ đã tiên báo về Ngài. Với cương vị là Con Một, Ngài đã thi hành mọi sự theo thánh ý Chúa Cha. Từ một Thiên Chúa mà “nhờ Người muôn vật được tạo thành”, Đấng mà trời đất, muôn vật không chứa nổi, thì nay khi đến thời đến buổi Ngài đã tự hủy mình ra không mà trở thành một con người, hạ sinh nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Chúa Giêsu đã chu toàn sứ vụ cứu thế của mình cách hoàn hảo, nhưng với một con đường mà chỉ trong đức tin, chúng ta mới có thể hiểu được, đó là con đường thập giá. Thật đúng như lời Ngài đã nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20).       Vậy tại sao Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người lại không có chỗ tựa đầu? Đây là một vấn nạn đặt ra cho mỗi người chúng ta. Phải chăng con người từ chối Ngài? Ngài không ưa thích, hay vì không có chỗ nào xứng đáng hay có thể chứa nổi Ngài? Nếu không ưa thích vậy tại sao Ngài xuống thế? Không xứng đáng sao Ngài gục đầu trên Thánh giá? THẬP GIÁ CHÚA KITÔ – đó là khí cụ mà Con Một Thiên Chúa đã tự nguyện chọn để làm phương thế cứu độ, qua đó ban sự sống đời đời cho nhân loại. Chính từ Thập giá mà tình yêu đi đến tận cùng của nó và trở thành nguồn sống của toàn thể nhân loại.

   Thập giá là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Đế quốc La Mã cổ đại dùng Thập giá làm cực hình ghê rợn nhất dành cho những kẻ trọng tội. Người Do Thái xem Thập giá là điều sỉ nhục và thất bạiNgười Hy Lạp lại coi Thập giá như là sự phi lý, điên rồ. Quả thực, Thập giá là một nghịch lý đối với tư tưởng nhân loại, nhưng lại chính là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người, là nguồn mạch nuôi dưỡng đức tin cho các tín hữu và là ơn cứu độ cho mỗi chúng ta. Thập giá chính là khí cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cứu độ, như lời Thánh Augustinô miêu tả: “Đấng Cao Cả đã bị lăng nhục để loài người được tôn vinh, và Đấng Toàn Năng đã bị đóng đinh để con người được giải thoát”. Chính Đức Giêsu Kitô đã hiến tế chính mình trên Thập giá hầu chuộc tội cho nhân loại khỏi chết và bồi hoàn lại sự công chính thánh thiện cho muôn người. Như thế, trong kế hoạch của Thiên Chúa, Thập giá bao gồm cả cái chết của Đấng Cứu Thế và cuộc siêu tôn của Người bên hữu Chúa Cha, là phương thế giải thoát mang lại sự sống vĩnh cửu cho nhân loại.

    Trong kinh tiền tụng lễ suy tôn Thánh giá có viết: “Xưa vì cây trái cấm loài người phải tử vong, nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời; xưa ma quỷ chiến thắng nhờ cây trái cấm, nay thảm bại vì cây thập giá Đức Giêsu”. Chúng ta không thể hiểu hết được mầu nhiệm Thập giá Thiên Chúa dùng để cứu độ nhân loại, nhưng qua câu nói trên, chúng ta biết được kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã nằm trong ý định ngàn đời của Ngài. Từ khi sáng tạo, và với biến cố sa ngã của Ađam – Evà đã cho chúng ta thấy được Thiên Chúa muốn dùng chính sự sa ngã của con người để làm phương thế cứu độ. Cây trái cấm xưa kia đã làm Ađam sa ngã và phải chết, thì nay Đức Giêsu đã dùng chính cây gỗ đó để làm cây đem lại sự sống vĩnh cửu cho dòng giống ông sau này. Một mầu nhiệm cứu độ vô cùng lớn lao mà chỉ có thể ngước nhìn lên Thập giá Đức Giêsu chúng ta mới có thể trả lời cho những đau khổ và sự dữ của con người do hậu quả của tội lỗi gây ra.

   Cây Thập giá, khí cụ đem lại ơn cứu độ, bởi vì Đức Giêsu nói rằng: “Ngày nào treo Ta lên, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12,32). Sự đóng đinh của Đức Giêsu trên Thập giá như là một cuộc siêu tôn. “Biến cố Phục Sinh không bao giờ được phép tách rời khỏi cái chết trên thập giá, vì Đấng Phục sinh cũng chính là Đấng đã chịu đóng đinh vào thập giá, và nơi thân xác Đấng Phục sinh vẫn còn in hằn những thương tích thập giá”(Mầu nhiệm Đức Kitô). Đó là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Bởi vì sau khi sống lại và ngự bên hữu Chúa Cha, Đức Giêsu vẫn đảm nhận lấy bản tính nhân loại mà đưa vào trong vĩnh cửu cùng với những thương tích Thập giá như là dấu chỉ của tình yêu trong cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết. Chính nhờ hành động tự hủy mình ra như không của Chúa Giêsu mà sau cái chết trên Thập giá, một cuộc siêu tôn của Chúa Cha dành cho Ngài và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu phải có. Suy tôn Thập giá vì Đức Giêsu Kitô đã dùng Thập giá mà cứu chuộc thế gian. Hãnh diện về Thập giá vì đó là tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thập giá là bài học tình yêu dâng hiến, về sự hy sinh và khiêm tốn, về ý nghĩa của đau khổ và cái chết. Đức Giêsu đã trở thành gương sáng về sự vâng phục, khiêm nhường, đức công chính và các nhân đức cần thiết để con người được cứu độ. Qua Thập giá, chúng ta tháp nhập những nghịch cảnh, những thử thách cuộc đời mỗi người vào Thập giá để luôn được bao bọc trong ân nghĩa và hồng ân cứu độ của Thiên Chúa. Từ Thập giá Chúa Kitô “thế giới đi vào trong ơn cứu độ”.

    Trên Thập giá Chúa Giêsu đã gửi cho chúng ta Thánh Thần là hoa trái của Thập giá. Thập giá là khí cụ Thiên Chúa truyền tải tình yêu và ơn cứu độ cho con người. Thập giá không chỉ nói lên sự đớn đau mà còn là biểu tượng hy sinh và tình thương vô điều kiện. Từ Thập giá, tình yêu đã đổ tràn đến tận cùng cho nhân loại qua việc Chúa Giêsu “Trao Thần Khí” – sự sống thần linh đã được ban cho nhân loại. Từ Thập giá, con người được đưa đến với những suy nghĩ về lòng thương xót, là nơi mà mọi tội lỗi và sự dữ được chôn vùi bởi tình yêu không giới hạn của Thiên Chúa. Qua Thập giá, Thiên Chúa truyền đạt sức mạnh của sự hiến tế của chính mình, mở ra cánh cửa ân sủng và chữa lành, làm cho con người hiểu rõ hơn về tình yêu cứu độ vô biên của Ngài. Đồng thời, chỉ cho con người thấy được tội lỗi cũng như sức phá hủy của nó là vô biên, mà con người thì không thể hoàn trả. Chính tội lỗi đã làm hoen ố trái tim con người, đã làm cho nó trở nên chai đá trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa, đã đóng cửa, không tiếp nhận Ngài và gạt bỏ ra bên ngoài tất cả tình yêu, ân sủng, sự công chính thánh thiện của Thiên Chúa dành cho nó. Cây Thập giá nói lên sự tái sinh trong Thánh Thần. Bởi sự vâng phục Chúa Cha mà Chúa Giêsu đã ôm lấy đau đớn và chấp nhận chết đi trong kiếp người đã khơi nguồn Phục Sinh cứu độ muôn đời. Từ Thập giá, Chúa Giêsu đã “đưa ý nghĩa làm người tới chỗ hoàn tất, đưa con người tới tương lai theo nghĩa con người không chỉ khép lại nơi mình mà còn được hiệp thông với Thiên Chúa” (Đức Tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay). Từ nơi Thập giá chúng ta có thể nhìn thấy được hình dáng tương lai của những người sống thánh thiện công chính, những người biết yêu thương, nhìn thấy một “trời mới, đất mới”.

   Đức Giêsu đã vác lấy thập giá với lòng mến vô biên và tinh thần vâng phục, đưa nó lên đỉnh đồi Can-vê và đóng đinh mọi tội lỗi và sự dữ của thế gian trên Thập giá, Ngài không chỉ gánh lấy tội lỗi của cả nhân loại mà còn thể hiện tình yêu cao cả nhất. Qua việc mũi giáo mở rộng trái tim Người, Người đã nói lên từng giọt máu cuối cùng đã đổ ra là vì yêu cho đến tận cùng trong bản chất của một vị Thiên Chúa làm người. Với một tình yêu “như điên” của mình, Thiên Chúa đã cho thấy ơn cứu độ đã hiện diện cách hữu hình nơi Con Một chịu treo trên Thập giá. Một Thiên Chúa làm người đã phải chịu sự phản bội, chịu đau đớn tột cùng, hứng lấy sự cô đơn nhất, buồn tủi nhất vì bị những người thân tín bỏ rơi, vác trên vai gầy đủ mọi thứ tội lỗi của nhân loại: đau khổ nơi thân xác, đau khổ trong tâm hồn. Để rồi từ Thập giá Ngài có thể nhìn thấy sự đau khổ của từng con người và thánh hóa nó, cũng như cho họ được kết hiệp với Ngài trong cuộc khổ nạn để đạt tới ơn cứu độ. “Trong ánh sáng của sự khủng khiếp về một vị Thiên Chúa đau khổ, sự đau khổ của nhân loại tìm được ý nghĩa và giá trị của mình. Đó cũng là một phương thế thanh luyện thiêng liêng, là cơ hội để chúng ta có thể biểu lộ chân tính của tình yêu nơi mình” (Mầu nhiệm Đức Kitô). Từ Thập giá, Đức Kitô đã bồi hoàn đầy đủ cho đức công bình của Thiên Chúa, đồng thời còn là sự mặc khải rốt ráo về lòng lân tuất vô biên, tức tình yêu dám đương đầu với những cấu thành chính cội rễ của sự dữ trong lịch sử nhân loại: Đương đầu với tội lỗi và sự chết. Tình yêu cứu độ đã trở thành năng lực tác động đến tâm hồn con người. Khi nhìn vào Thập giá chúng ta không chỉ nhớ về sự hy sinh, tình yêu của Thiên Chúa, nhưng còn tìm thấy sự nối kết tâm linh với một sức mạnh lớn lao hơn. “Nhờ cuộc khổ nạn, con người biết Thiên Chúa yêu thương dường nào và từ đó nó được khơi dậy mà yêu thương Người, và chính tình thương đó là nơi ơn cứu độ con người đạt tới mức thập toàn” (Kitô học qua các tác giả). Tình yêu cứu độ là nguồn sống cho mỗi người Kitô hữu trong cuộc sống trần thế này cũng như trong vinh quang tương lai. Mỗi lần nhìn lên Thập giá, nhìn vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô – Ngôi Lời, trong xác thịt của Ngài bị đóng đinh là một thực tại quá đầy tràn, đến nỗi mọi chuyện khác đều trở nên mờ nhạt.

   Như thế, để trả lời cho việc tại sao Chúa Giêsu lại không có chỗ tựa đầu, một nhà Thần học có viết: “Chúa Giêsu đã gối đầu trên thập giá vì Ngài đã không tìm được chỗ gối đầu nơi trái tim con người”. Tin Mừng khởi thủy là lời hứa cứu độ dành cho sự sa ngã của nguyên tổ. Chính vì con người phạm tội mà Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Chỉ khi dùng cây sự dữ xưa kia ma quỷ dùng giết hại thì người mới nhận ra được tội lỗi của mình và sức nặng hủy diệt của nó, cùng với đó là nhận ra tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Ngài yêu con người bằng cả trái tim của Ngài. “Ađam coi khinh lệnh truyền khi hái trái trên cây, nhưng những gì Ađam đánh mất, Đức Kitô đã tìm thấy lại trên thập giá”. Chúa Giêsu đã chọn Thập giá vì đó là nơi Thiên Chúa lột tả một cách tỏ tường và tột đỉnh nhất tình yêu của Ngài. Một tình yêu mà yêu cho đến cùng nội tại bản tính của Ngài.

      Mỗi lần nhìn lên Thập giá, chúng ta nhớ về sự chết và Phục Sinh của Chúa Kitô, thấy biết ơn vô tận về sự hy sinh và lòng thương xót của Ngài. Trong cây Thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy chỉ dẫn cho cuộc sống có ý nghĩa và mục đích của đời người. Thập giá cũng đặt ra một thách thức trong tâm hồn mỗi người, yêu cầu chúng ta suy ngẫm về ý nghĩa thực sự của Tình yêu và sự hy sinh. Đứng trước một xã hội hiện đại, với những áp lực và lo lắng về sự thành công, Thập giá trở thành biểu tượng đưa chúng ta trở lại với những giá trị tinh thần, hướng chúng ta có cái nhìn về thực tại trời cao. Con đường đức tin, theo nghĩa là hành trình nhận thức, thấu hiểu, đã khởi đi từ Thập giá. “Chính từ cây Thập giá mà Kitô hữu đã nhận ra nơi Đức Giêsu sự duy nhất giữa Con Người, Lời và việc làm” (Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay). Thập giá không chỉ là biểu tượng về đức tin, mà còn là một hướng dẫn về cách sống đúng đắn, tìm kiếm ý nghĩa và tạo dựng một tâm hồn bền vững trong tình yêu và trong tình liên đới với tha nhân. Vinh quang Thiên Chúa là con người được sống.

Hèn Mọn, LS.S

  

 

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2024. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật