Hoang Đàng _ Hèn Mọn, LS.S

14/03/2025nulasanvnSUY TƯ
Có bao giờ… ta thấy mình tỉnh giấc trên cánh đồng hoang, tay chân bầm dập, áo quần rách nát, tâm hồn tả tơi, bụng đói rã rời, đôi môi rúm ró, khô khốc, thèm được đổ cho đầy miệng đống thức ăn trong chiếc máng lợn của người ta…rồi chợt nhớ ra mình từng là cậu chủ….

HOANG ĐÀNG

 Có bao giờ… ta thấy mình tỉnh giấc trên cánh đồng hoang, tay chân bầm dập, áo quần rách nát, tâm hồn tả tơi, bụng đói rã rời, đôi môi rúm ró, khô khốc, thèm được đổ cho đầy miệng đống thức ăn trong chiếc máng lợn của người ta…rồi chợt nhớ ra mình từng là cậu chủ….

   Phải rồi! Mình từng được sống trong vòng tay bao bọc của Cha, dư đầy của cải, được khoác trên mình những tấm lụa là sang trọng, thơm mát, gia nhân kẻ hầu người hạ,…Thế mà ta lại bỏ đi, đánh mất tất cả chỉ vì tham vọng nhất thời. Từ nơi xa xôi ấy, ta đã bị tước đoạt đi thân phận, đã làm cho cuộc đời mình phải thay đổi. Ta chẳng còn là hoàng tử hằng ngày được nâng niu, chiều chuộng nữa, ta biến mình thành một kẻ chăn heo sau khi bỏ nhà ra đi và phung phí hết của cải, buông mình trong lối sống vô bổ. Chính ta đã tự tách mình ra khỏi tình yêu thương của Cha, để làm nô lệ cho lối sống vô kỉ luật, hoang đàng, tự do theo cái tôi và lạc thú của chính mình. Ta được gì sau những tháng ngày lang thang, trác táng và nếm đủ mùi chua chát của cuộc đời? Sâu thẳm trong cõi lòng ta thấy quặn đau và tự hối. Trong cái đói và đau khổ, ta bật lên tiếng nấc: “Cha ơi, con không đáng được gọi là con Cha nữa!”

   …Và rồi, ta đứng dậy, tìm về với Cha. Tưởng chừng như chẳng còn chỗ đứng trong nhà nữa, thế mà sau cái ôm nhân từ ấy, ta lại được là cậu chủ…

   Dụ ngôn “người con hoang đàng” là một bức tranh sống động và đầy đủ nhất về tâm tình Mùa Chay Thánh. Có lẽ bức tranh ấy không chỉ là câu chuyện của người con hoang đàng nhưng còn như đang họa lại chính câu chuyện tâm hồn của tất cả mỗi người chúng ta khi mang trong mình sự yếu hèn của loài thụ tạo. Nhưng vượt trên sự hèn yếu, dễ sa ngã ấy chính là lòng nhân từ vô bờ bến của người Cha đang ngày ngày tựa cửa, ngóng chờ con quay về, sẵn lòng ôm lấy con, ôm lấy cả sự nhuốc nhơ tội lỗi. Cha hy vọng chắc chắn con sẽ về, và đã chuẩn bị sẵn áo đẹp nhất, nhẫn quý giá nhất và cả dép sang nhất…để chỉ khi thấy bóng con trở về là trao mặc cho con.

   Bước đi trên hành trình của những người hành hương trong hy vọng cần phải biết mình là ai, ta có đang đi trên đường hy vọng hay đang đi hoang và sống buông thả?  Bởi giữa thế giới ngày nay, từng chút một, con người lớn lên và tự giải phóng chính mình, thoát ly khỏi những khuất phục để được tự do hành động, và nghĩ rằng mình có thể làm được mà không cần đến Chúa.

   Trở về! Phải, ta phải trở về. Ta đã được Cha cho không thời gian, thứ tài sản quý giá mà đáng ra ta phải dùng để trau dồi nhân đức, để ngồi lại gần bên Cha, để ra đời làm gì đó có ích cho những người đói khổ, bất hạnh…thế nhưng ta đã phung phí tài sản ấy cho những chuyện không có ích lợi gì, thậm chí còn làm ta hư mất. Trở về, ta phải trở về! Để xem thấy Cha ta đang héo hon, tiều tụy mỗi ngày vì ngóng trông ta và để thấy Cha đau khổ biết bao vì ta đi hoang. Sâu thẳm trong lòng, Cha đang lo lắng cho ta. Ta về để tìm lại danh phận của mình là đứa con hằng được Cha yêu thương hết mực, để được lại làm “Con” như ta là. Đứng dậy và trở về! Dù ta thấy mình bất xứng, nhưng “tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi”. Ta đáng được xót thương,  vì dù sau bao vấp ngã, sau bao lỗi lầm, ta vẫn là con. Nỗi niềm hạnh phúc của Cha sẽ vỡ òa sau cái ôm hôn, vì “Con ta đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

Hèn Mọn, LS.S

 

 

 

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2025. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật