Mừng lễ chân phước Sư huynh Arnould, tôi tự hỏi lòng mình tôi đã làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì để mọi người nhận ra rằng : “tình yêu Đức Ki tô thúc bách tôi?"
Giám tập nên thánh? Tại sao không?
Tháng Mười có gì thú vị ? Tôi muốn cùng các bạn đến làng của một vị thánh…
NicNicolas-Jules-Reche, tên dòng là Sư Huynh Arnould, sinh ngày 10-9-1838 ở Pháp. Là anh trưởng trong một gia đình lao động nghèo, đông anh em nhưng được tiếng là ngoan đạo.
Cuộc sống trong gia đình người lao động và đạo đức đã tạo nên nơi Jules một nhân cách nổi bật: người ta luôn nghiệm thấy nơi con người này có một cái gì đó không dễ dàng bằng lòng với số phận nghiệt ngã, nhưng cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân trong tri thức cũng như thiêng liêng. Tuổi thơ không ở nơi ghế nhà trường nhưng có mặt ở những nơi làm thuê như chăm sóc đàn vật, giúp việc đồng áng… Khó nhọc không làm cậu chùn bước hay tủi thân mà trở nên phá phách, trái lại cậu vẫn sắp xếp tìm giờ rảnh để theo học đều đặn các lớp giáo lý và sinh hoạt thanh thiếu niên được tổ chức ở học đạo. Không xuất sắc, nhưng cần cù, siêng năng , trí nhớ rất nhạy bén khiến cậu nổi bật trong số các khuôn mặt lễ sinh theo học lớp giáo lý. Không biết do Chúa quan phòng hay định mệnh, khi đi làm thuê chở đá cho công trường xây cất nhà thờ ở Charleville. Tại chính nơi đây, Jule có cơ hội làm quen với các thầy dòng cổ trắng và tình yêu đã bắt đầu chớm nở. Với một nhân cách tự nhiên ưa thích đời sống nội tâm, thầm lặng, cô tịch và một đời sống quảng đại, đạo đức, Jules cảm thấy được tiếng Chúa gọi dấn thân cho Người trong một dòng tu. Lúc 24 tuổi, anh chàng đạo đức này có nhiều thời giờ để suy tư, tìm hỏi cố vấn và nhất là cầu nguyện để tìm ra tiếng Chúa cho riêng mình. Cổng nhà Dòng các Sư huynh đã chào đón người thanh niên ấy với tên là Sư Huynh Arnould.
Khi đọc tiểu sử của Sư huynh, người ta dễ lầm tưởng rằng mọi sự thăng tiến đời và đạo của vị thầy giáo trẻ luôn là êm xuôi bằng phẳng. Xuất thân từ giới lao động nông nghiệp và công nhân nghèo của vùng thôn quê với nhân cách đơn sơ ngây ngô, Sư huynh Arnould trong những năm đầu ở thời gian tập sự tại Reims đã phải nhẫn nại và nhịn nhục để hòa nhập vào nền văn hóa và với cư dân của một thành phố cổ kính của miền Đông Bắc nước Pháp, rất tự hào với bề dày lịch sử hào hùng của mình và được xem là thủ đô thương mại và trí thức của vùng Champagne _ Ardennes. Nhưng lòng nhân từ, sự khiêm tốn cùng tất cả sự nhiệt tâm trong giảng dạy, đời lẫn đạo, đã lần hồi chinh phục được mọi người. Các học sinh sẽ luôn mãi ghi nhớ những kỉ niệm trong thời gian được Sư Huynh dạy dỗ và thường nhắc đến người thầy của mình rất đạo đức, đầy lòng khoan dung, tận tụy, nhẫn nại và nhiệt thành. Đời sống cầu nguyện sâu thẳm và một lòng yêu mến dòng vô điều kiện đã thúc đẩy các Bề trên Dòng đặt Sư Huynh phụ trách nhà tập ở Thillois vào lúc Sư huynh được 39 tuổi. Một công việc như thế sẽ kéo dài 13 năm. Nghiêm khắc với chính mình nhưng luôn độ lượng tươi vui, bác ái và rất tế nhị đối với kẻ khác, Sư Huynh đã hoàn thành trọng trách nặng nề này cách sáng suốt, khiêm tốn và đầy tình thân ái. Các tập sinh luôn ca ngợi đức tính dễ thương này của Bề trên họ. Linh đạo La san đó là linh hoạt đặt nền tảng trên tinh thần đức tin, một tinh thần luôn sẵn sàng vượt tràn thành nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng cho kẻ khác và biến ta trở thành vị sứ giả và thừa tác viên của Đức Ki tô, để viết vào tâm hồn trẻ thơ và thanh thiếu niên bằng chính mực Thần Khí. Sư Huynh Arnould suốt đời tu hai mươi tám năm đã sống năng động và cự thể linh đạo này. Vị Giám Tập đáng kính từ trần vào ngày 23 tháng 10 năm 1890 và Đức Thánh Cha Phao lô II đã tôn vinh Sư huynh lên Bậc Chân Phước ngày 01-11-1987 tại Rô ma.
Điều làm tôi thực sự hứng thú và khiến tôi mải miết suy tư ấy là : Với trách nhiệm là một Giám Tập, Sư Huynh đã nên thánh chính trong bổn phận của mình. Không những thành tích khoa trương, không nhân đức ồn ào nhưng tình yêu Đức Ki tô chịu khổ nạn và sùng kính Thánh Linh cùng với tình yêu dòng vô điều kiện là tất cả hành trang quý báu trên con đường làm thánh của vị Giám tập này.
Chắc hẳn trong đời mỗi tập sinh không ít lần mỗi người cũng có những quan điểm khác biệt với vị Giám tập của mình? Vậy thì sao nhỉ? Tôi rất thích thú với ý kiến của Đức Phanxico “Nếu bạn bất đồng với một giáo hoàng, hãy chắc chắn rằng bạn không quên những điều tích cực mà ngài đã làm".
Chúng ta có thể có ý kiến bất đồng với Đức Gioan Phaolô và Bênêđictô, nhưng chúng ta không thể phủ nhận vai trò của Đức Gioan Phaolô trong việc giải phóng đất nước Ba Lan và các nước Đông Âu, cũng như những nỗ lực của ngài trong việc phát triển các mối quan hệ giữa người Công giáo và người Do thái. Cả hai vị đều ủng hộ và phát triển giáo huấn xã hội của Giáo hội, và đặc biệt dưới thời của Đức Bênêđictô, Giáo hội đã bắt đầu ý thức về vấn đề môi sinh”. Hãy thử áp dụng ngay cách của người cha chung đáng kính của chúng ta. Có thể lần đầu, người thụ huấn còn thấy e dè nhưng vượt qua được khúc mắc ấy, chắc chắn cả hai bên sẽ có tiến triển bất ngờ. Nhưng đời đâu có êm xuôi như thế, sẵn lúc đang có chuyện bất bình với người hướng dẫn của mình, cộng thêm những lời bình phẩm của người khác về một nội dung gì đó họ hướng dẫn trong một giờ lên lớp, hoặc một lời nói thiếu dịu dàng trong lúc cơ thể đau yếu …Và thế là… thế là… người thụ huấn có cơ hội chụp mũ các hành vi ấy và đủ mọi án dành cho người hướng dẫn của mình. Không ! Không nên để tình huống ấy xảy đến! Thật sự cần lắm trái tim khoan dung và một thái độ bình thản cũng như một nội lực quản lý cảm xúc của người phụ trách trong những hoàn cảnh như vậy.
Mang trong tim khát vọng của tuổi trẻ dấn thân nhưng cũng đem theo những thói đời vào cổng nhà dòng, thẳm sâu trong tim người tu sĩ trẻ hôm nay muốn được tôn trọng, được hỏi ý kiến, được đóng góp một phần nhỏ bé cho Dòng. Ý thức tuổi xuân mơn mởn đang ở phía trước, tu sĩ trẻ thích được tin tưởng, được trao trách nhiệm, được tự do giải quyết vấn đề. Theo bản tính tự nhiên, họ không thích bị áp đặt, bị dòm ngó theo dõi, bị nhắc nhở với ánh mắt xét nét, đầy kết án. Chính trong những hoàn cảnh đó, họ cần lắm có người đồng hành biết cảm thông và nâng đỡ, cần người phụ trách biết kiên nhẫn và khoan dung khi họ gặp khó khăn, khủng hoảng. Người tu sĩ không kiêm thêm trách nhiệm gì trong nhà dòng có thể bắt đầu một ngày từ bình minh đến hoàng hôn, nhưng một giám tập thật sự gắn bó với nhà dòng và thao thức với công tác đào tạo và huấn luyện tập sinh thì công việc của họ vẫn còn tiếp diễn khi mọi người đã yên giấc nồng. Chúng ta có thể dễ thấy những nét nhăn nhó khó chịu trong một bữa sáng nhưng lại khó nhận ra rằng đêm qua giám tập đã âm thầm sửa bài từng chút một cho mỗi tập sinh. Dễ là thấy đôi khi giám tập im lặng cả mấy ngày liền – Khó để nhận ra rằng họ đang khao khát để cho người thụ huấn cách dễ hiểu và đón nhận được lời chia sẻ của họ mong sao mỗi ngày tiến hơn trên con đường tu luyện. Với một chút khôn ngoan, với một chút đằm thắm của tình mẹ, với sự khích lệ của người thầy Giê-su, người huấn luyện có thể biến những khó khăn thành thuận lợi. Dĩ nhiên, công việc ấy chưa bao giờ là nỗ lực của cá nhân, nếu không có Chúa Thánh Thần tác động thì giống như người thợ nề, vất vả cũng chỉ là luống công.
Công nghệ cao, điện thoại thông minh… không thể không xuất hiện khắp cùng mọi ngõ ngách trong nhà tu. Không ai phủ nhận những giá trị hữu ích và những tác dụng khôn cùng của những phương tiện hiện đại ấy. Trớ trêu thay, nó cũng dễ dàng trở thành khí cụ sắc bén và rất tiện lợi như là chướng ngại vật không nhỏ mà tu sĩ trẻ phải vượt qua. Đêm đêm đối diện với bao cám dỗ hiểm nguy, ngọt ngào và đầy sức mời mọc, điện thoại, vi tính ngay bên… Lạy Chúa, tinh thần thế gian đã tràn vào từng khu vực, vào từng căn phòng, lắm khi còn tràn vào trong tâm tưởng của mỗi tu sĩ…
“Làm sao huấn luyện được những tu sĩ trẻ biết chọn lựa phim ảnh, âm nhạc thích hợp với đời tu của mình và biết thưởng thức chúng với tinh thần phê phán? Làm sao để những điều quyến rũ được nhiều người trẻ ngoài xã hội, như tình dục và bạo lực, lại không cuốn hút, mê hoặc được người tu sĩ trẻ? Làm sao để người tu sĩ có khả năng từ chối, quay đi, xa tránh những cám dỗ nguy hiểm, mà không do sợ hãi, ép buộc, và sau đó cũng không thấy mình bị dồn nén hay tiếc nuối? Người lo công tác huấn luyện hẳn không thể và cũng không muốn giữ các tu sĩ trong một bầu khí bưng bít. Nhưng vấn đề là làm sao mở ra mà vẫn không đánh mất căn tính của mình. Chắc hẳn sự mở ra phải tỷ lệ với mức độ trưởng thành của từng nhóm, và ngay cả của từng cá nhân. Cần huấn luyện tu sĩ để họ đủ trưởng thành, đủ bản lãnh để có thể đứng một mình và chọn lựa dựa trên khả năng nhận định thiêng liêng. Những vấp váp có thể xảy ra, nhưng không nên cầu toàn và tránh vấp váp bằng mọi giá. Điều quan trọng là rút ra bài học và lớn lên từ những vấp ngã đó” (trích Một chia sẻ về huấn luyện tu sĩ trẻ Việt Nam- Dòng Tên)
Mừng lễ chân phước Sư huynh Arnould, tôi tự hỏi lòng mình tôi đã làm gì, đang làm gì và sẽ làm gì để mọi người nhận ra rằng : “tình yêu Đức Ki tô thúc bách tôi?" câu trả lời cho những lời chất vấn đằng sau tấm áo dòng kia có Đức Kitô ở trong tim tôi không? Tôi có muốn khao khát nên thánh trong chính bổn phận hiện tại của mình?