ĐƯỜNG THẬP GIÁ
Ngày nay, thập giá không còn là biểu tượng xa lạ với con người, vì chúng ta có thể thấy hình hài của thập giá ở nhiều nơi. Có người dùng thập giá làm đồ trang sức đeo bên vành tai, trên ngực áo. Chúng ta thấy hình thập giá trên bia mộ, trên nóc nhà thờ, trong nhà nguyện, trên bàn thờ gia đình công giáo. Thập giá trở thành dấu chỉ đặc trưng của người Kitô hữu khi mang hình Thập giá trên mình.
Hình ảnh và ý nghĩa tiên trưng của Thập giá đã được các tiên tri loan báo từ thời cựu ước, khoảng hơn hai ngàn năm trước. Thiên Chúa đã tiên báo về Đấng Cứu Thế sẽ vì mọi người mà chịu chết trên Thập tự giá, để qua hình ảnh đó, ai nấy có thể thấy được và chuẩn bị tin nhận Ngài.
Trong lịch sử Kitô giáo, thập giá đi liền với cuộc khổ nạn và phục sinh của đức Kitô, đã trở thành nguồn cội ơn cứu độ của Thiên Chúa và trở nên mẫu mực lời đáp trả của con người.
- Hình ảnh thập giá trong thời Cựu ước.
a/ Nước đắng hóa ngọt
Sau khi được giải phóng khỏi Aicập qua Biển đỏ, bắt đầu vào đồng vắng. Sau ba ngày đi đường thì nước trong bình đã hết. Dân Irael tản ra nhiều nơi để tìm nước, họ tìm được một chỗ có nước, nhưng lại là nước đắng không thể nào uống được. Thất vọng, họ kêu la cùng Môise. Môise trình lên Thiên Chúa. Ngài bảo ông lấy một khúc gỗ ném vào nước đắng, thì nước sẽ hoá ngọt. Quả đúng như Lời Thiên Thiên Chúa, khi dân uống thử, họ thấy quả thật nước đã biến thành ngọt, không còn một chất đắng nào cả. (Xh 15, 22 -25)
Từ trình thuật Nước Đắng, Thiên Chúa muốn dạy cho chúng ta về Thập tự giá Chúa Giêsu. Nước đắng chỉ về lòng của mọi người. Lòng con người dối trá hơn mọi vật và rất xấu xa. Như nước đắng Mara đã được biến thành nước ngọt bởi khúc gỗ, thì tấm lòng gian ác của con người cũng được thay đổi bởi quyền năng Thập tự giá của Chúa Giêsu. Mỗi chúng ta đều nhận biết mình yếu đuối và tội lỗi cần được Chúa cứu. Xin quyền năng của Thập tự giá thay đổi đời sống chúng ta và biến chúng ta thành con cái Thiên Chúa như nước đắng biến thành nước ngọt vậy.
b/ Hòn đá bị đập.
Sau một thời gian đi đường, từ Mara đến một chỗ khác, dân Israel lại không còn nước mang theo trong bầu. Bấy giờ, họ cùng kêu la với Chúa, và Ngài bảo Môise triệu tập dân Israel với các trưởng lão, rồi cầm cây gậy đang dùng trong tay mà đập trên hòn đá, thì đá sẽ tuôn ra nước cho dân và cả bầy vật của họ uống (Xh 17,5-6)
Từ phép lạ nước phun ra từ tảng đá, Đức Chúa muốn dạy cho chúng ta rằng hòn đá bị đập là chính Chúa Giêsu, tức là Ngài chết trên Thập tự giá để tuôn ra dòng sông ơn phước cho toàn thể nhân loại. chúng ta là những con người, như dân Israel trong sa mạc, khát nước hằng sống mà không thể nào tìm đâu được, . Như hòn đá bị đập tuôn ra nước cho dân Israel, thì Chúa Giêsu chịu chết trên Thập tự giá cũng tuôn ra ơn phước cho chúng ta được hưởng.
Ngôn sứ Isaia trong bài ca người tôi trung đã vén mở cho chúng ta thấy hình ảnh Đấng Messia chịu đau khổ: "Chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề”. Người đó là Chúa Giêsu, Người đã mang lấy tội lỗi, sự đớn hèn và gian ác của chúng ta trên Thập tự giá, Người bị Đức Chúa Trời đánh và đập, như hòn đá bị gậy đập vậy. Nhờ đó chúng ta được hòa giải cùng Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu rỗi.
Thánh Phaolô tông đồ cũng nhắn nhủ chúng ta rằng: “tất cả cùng uống một thức uống thiêng liêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy là chính Đức Kitô” (ICr 10,4). Việc uống nước linh thiêng này liên hệ đến giải thích cho việc đập hòn đá của Môise. Dân Israel được uống nước từ một hòn đá, và hòn đá đó bị đập là Giêsu Kitô chịu chết trên Thập tự giá vì chúng ta.
c/ Con rắn đồng.
Trong hành trình về đất hứa, dân Do Thái mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và Môsê. Trong sa mạc, họ cho rằng đời sống của họ ở Ai cập sung túc và đầy đủ hơn (Ds 11,4-6; 21,5). Hậu quả là có nhiều người trong họ bị rắn cắn chết. Họ đã nhận ra tội lỗi của mình và xin ông Môsê cầu khẩn cùng Thiên Chúa cho họ. Thiên Chúa nhận lời Môsê và bảo ông làm một con rắn đồng và treo lên cây cột. Những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được sống (Ds 21,4-9). Như vậy, bất tuân lệnh Chúa, họ bị rắn cắn chết, nhưng nếu họ tin tưởng vào Chúa, thì chính con rắn biểu tượng sự chết đó lại trở thành dấu chỉ đem lại sự sống cho họ.
Thánh Gioan đã liên tưởng hình ảnh con rắn mà Môsê đã giương cao trong sa mạc với hình ảnh Chúa Giêsu được giương cao trên thập giá: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15). Chúa Giêsu đã tự ứng dụng con rắn đó là Ngài vì rắn là một con thứ đã bị rủa sả khi nó làm công cụ cho ma quỷ, cám dỗ Ađam và Eva phạm tội. Vì vậy Chúa Giêsu đã tự đặt mình trong địa vị một con rắn, tức là Ngài chịu lấy sự nguyền rủa của chúng ta. Toàn thể nhân loại phạm tội đang bị Thiên Chúa nguyền rủa, nhưng sự nguyền rủa đó đã chất lên Chúa Giêsu, Ngài đã gánh chịu tất cả vì tội lỗi nhân loại. Nên nhờ Ngài chúng ta được cứu (Gl 3,13).
d/ Lưỡi rìu nổi trên mặt nước.
Sách các Vua quyển thứ hai (2V 6,1-7) thuật lại việc cái lưỡi rìu đã mất lại tìm thấy “…Khi một người trong nhóm họ đang hạ cây xà, thì lưỡi rìu bằng sắt văng xuống nước. Người ấy liền kêu lên: “chết rồi, Ngài ơi! Cái rìu này tôi mượn của người ta!” Người của Thiên Chúa hỏi: “Nó văng đi đâu?” Người ấy chỉ chỗ cho ông. Ông chặt một khúc gỗ, ném xuống đó và làm cho lưỡi rìu bằng sắt nổi lên. Ông bảo: “vớt lên đi!” Người kia đưa tay ra cầm lấy.”
Qua Phép lạ đó Thiên Chúa muốn dạy chúng ta về Thập tự giá của Chúa Giêsu. Mỗi chúng ta như cái lưỡi rìu sút cán ra khỏi tay của Thiên Chúa, và rơi xuống vũng bùn tội lỗi sâu thăm thẳm, không thể tự mình lên hay bất cứ ai có thể cứu được. Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá và quyền năng của Ngài như khúc gỗ bị ném xuống dòng sông làm cho rìu nổi lên, tức là đem chúng ta ra khỏi hố sâu của tội lỗi, trong vũng bùn dơ được nổi lên, tức là được giải cứu, được rửa sạch, được tái tạo trở nên con cái Thiên Chúa, được bước đi trong sự thánh khiết và vinh hiển.
Đavít cũng kinh nghiệm về sự yếu đuối của mình nên đã kêu lên cùng Thiên Chúa: “ Lạy Chúa Trời xin cứu vớt con, vì nước đã dâng lên tới cổ. Con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy, chẳng biết đứng vào đâu cho vững … Ngài cũng đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đặt chân tôi đứng trên tảng đá, làm cho tôi bước đi vững vàng” (Tv 69, 1-2; 40,3). Thánh Phaolô cũng tự chứng Ngài không hổ thẹn về Tin Mừng, và ngài ước ao không ai hổ thẹn cả, nhưng lấy làm vinh hạnh mà nhận mình là tín đồ, lại còn đem niềm tin chia sẻ cho mọi người, vì Thập tự giá kỳ diệu quá, Thập tự giá đã hoá nước đắng ra ngọt, Thập tự giá đã làm hòn đá tuôn ra nước. Thập tự giá đã cứu kẻ bị rắn cắn sắp chết được lành. Thập tự giá đã làm cho lưỡi rìu nổi lên. Tất cả những hình ảnh đó chứng minh sự chết của Chúa Giêsu trên Thập tự giá là con đường cứu rỗi duy nhất mà nhân loại cần đến, ngoài Ngài ra không có con đường nào khác, không có cứu Chúa nào khác. Vì vậy Đức Chúa Trời kêu gọi : "Nào muôn dân khắp cõi địa cầu, hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ, vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn Chúa nào khác” (Is 45,22).
- Thập giá trong đời Chúa Giêsu
Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá chỉ có thể hiểu được đúng mức dưới ánh sáng của hoạt động trước đó của Người. Đức Giêsu đã hiến dâng đời sống và hoạt động của mình để chu toàn sứ mạng mà Chúa Cha đã ủy thác, đó là lời mời gọi loài người chấp nhận chủ quyền tối cao của Thiên Chúa. Thế nhưng công việc rao giảng của Người đã gây ra nhiều chống đối và phản kháng. Người không chùn bước trước điều ấy, nhưng vẫn cứ trung thành với nhiệm vụ, kể cả những chống đối không ngừng gia tăng và nguy cơ phải thiệt mạng. Tin mừng thánh Gioan, khi nói đến việc Đức Giêsu vâng phục Chúa Cha, đã nhấn mạnh rằng Người có ý thức rõ rệt là Thiên Chúa tác động nơi mình để thực hiện việc cứu độ nhân loại (Ga 3,17; 5,19tt; 6,37tt; 9,4). Tin tưởng rằng những thử thách mà con người đặt ra cho mình không thể nào ngăn cản ý muốn cứu độ của Thiên Chúa (Ga 2,19tt; 10,18), Người tiếp tục dấn thân thi hành sứ mạng, dù tiên liệu rằng mình sẽ gặp thất bại theo cái nhìn của con người.
Vào khoảng giữa tác vụ, Chúa Giêsu bắt đầu báo trước cuộc thương khó Người phải chịu (Mc 8,31; Mt 16,22; Lc 9,22). Trong những lời tiên báo ấy, Người đã ám chỉ rõ ràng hình thức cái chết mà Người sẽ phải chịu bởi bàn tay con người. Đỉnh điểm của cuộc bách hại Chúa Giêsu bắt đầu từ việc Ngài ăn lễ vượt qua với các môn đệ cùng với việc tiên báo sự phản bội của môn đệ Giuđa. Sau bữa ăn vượt qua, Chúa Giêsu và các môn đệ đến thửa đất Ghết- sê –ma –ni. Tại đây, Giuđa đã dẫn một nhóm người mang gươm giáo gậy gộc được các thượng tế và kỳ mục đến bắt Chúa Giêsu. Thập giá được Chúa Giêsu tiên báo nay đã cận kề. Tuy vậy, với việc nhấn mạnh đến sự cần thiết của cái chết để chu toàn ý định cứu độ của Thiên Chúa và với lời hứa tín thác vào sự sống lại, Người tỏ cho thấy cái chết làm thành một yếu tố cốt yếu trong việc hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Dưới ánh sáng phục sinh, nhờ trung gian các tông đồ, thập giá là nơi mà ‘mầu nhiệm đạo thánh được hoàn tất’ (1Tm 3,16), nơi mà Ađam mới đã thưa lời xin vâng với Thiên Chúa, nhân danh mọi người cho đến mãi muôn đời; nơi mà Môsê đích thực, nhờ cây gỗ, đã mở ra một biển đỏ mới và nhờ vâng phục, đã làm cho nước đắng của phản loạn trở thành nước ngọt của ân sủng và phép Rửa; nơi Đức Kitô “đã chuộc chúng ta cho khỏi bị nguyền rủa vì Lề Luật, khi vì chúng ta, chính Người đã trở nên đồ bị nguyền rủa” (Gl 3,13). Thập giá là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Đó là cây mới “được trồng ở giữa quảng trường của thành” (Kh 22,2).
Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã không phá hủy thập giá bằng cách dùng sự toàn năng của mình mà đánh bại nó, cũng không bằng cách đẩy nó trở lại biên giới vương quốc của nó, nhưng bằng cách tự mình gánh lấy những kết quả của nó trong Đức Kitô, và bằng cách dùng sự thiện chiến thắng sự dữ, điều đó có nghĩa là: dùng tình yêu chiến thắng hận thù, dùng vâng phục chiến thắng nổi loạn, dùng hiền lành chiến thắng bạo lực, dùng sự thật chiến thắng dối trá. Trên thập giá, Đức Giêsu “đã thiết lập hòa bình, đã tiêu diệt nơi mình sự thù ghét” (Ep 2,14-15)
Kinh Thánh Tân Ước thuật lại rằng Đức Giêsu Kitô đã bị treo trên thập giá từ giờ thứ 3 đến giờ thứ 9 theo cách phân chia thời gian của người Do thái lúc đó, tức là 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều trong bối cảnh hôm nay. Trong đó, 3 giờ đầu tiên, tức 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa, là thời gian Người bị sỉ nhục; Từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều là ‘thời gian tối tăm’, và Người chết lúc 3 giờ chiều. Thánh Maccô trình thuật rằng ‘vào giờ thứ sáu [12 giờ trưa], bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: Ê- lô –i, Ê- lô –i, la- ma –xa –bác – tha - ni! Nghĩa là: ‘Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con’ ? Rồi Đức Giêsu lại kêu một tiếng lớn rồi tắt thở” ( Mc 15,33-37)
Các sách Phúc âm đều thuật rằng Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập tự giá vào ba giờ chiều ngày Lễ Vượt Qua, nhằm ngày Nissan 14 lịch Do Thái - nay thường được gọi là Thứ Sáu Tuần Thánh. Thi hài của Ngài được bọc trong vải liệm trắng rồi mai táng trong ngôi mộ mới mà Giuse người Arimathea đã cho đục trong đá cho ông. Sau thứ Bảy vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, vài người phụ nữ là môn đồ của Giêsu trở lại ngôi mộ để hoàn tất nghi thức an táng. Khi đến nơi, họ nhận thấy ngôi mộ trống không, sau đó họ trở lại với sự tháp tùng của một số tông đồ. Chúa Giêsu còn hiện ra nhiều lần để gặp gỡ các tông đồ, đáng chú ý nhất là khi ngài đến với họ, Tôma không chịu tin ngài cho đến khi Giêsu bảo ông chạm vào dấu đinh trên tay và dấu đâm trên hông của ngài (Ga 20:24-29). Chúa Giêsu cũng đến cùng hai môn đồ đang khi họ trên đường đến thành Em-mau, bàn tán với nhau về nỗi thất vọng vì đấng Messia nay đã bị giết bởi tay loài người, trước khi họ nhận ra Người (Lc 24,13-32); Người đến gặp các môn đồ bên bờ biển Galilê để khích lệ Phêrô vững tâm mà giúp đỡ các môn đồ khác (Ga 21.1-23). Lần chót Chúa Giêsu hiện ra với các môn đồ là bốn mươi ngày sau khi sống lại, rồi Người lên trời (Lc 24,44-49).
Từ lúc hội thánh còn sơ khai, Tông đồ Phaolô đã xác định rõ ràng, “Nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền." Sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu là hai sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử và thần học công giáo. Đây là chứng cứ khẳng định quyền bính của Chúa Giêsu trên sự sống và sự chết, do đó Người có quyền ban cho con dân Người sự sống vĩnh cửu. Thiên Chúa đã khiến Người sống lại từ kẻ chết, Người lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa và sẽ trở lại để làm ứng nghiệm lời tiên tri về Đấng Messia, cũng như về sự sống lại của kẻ chết, sự phán xét sau cùng, và sự thiết lập Vương quốc Thiên Chúa. (1Cr 15, 16 -24)
Với Đức Giêsu Kitô, thập giá trở thành thánh giá. Thập giá là dấu chỉ của sự thất bại và sự chết, nhưng với Đức Giêsu, thập giá trở thành dấu chỉ của sự chiến thắng và sự sống. Thập giá là dấu chỉ của sự ghen ghét, đau đớn và của sự trừng phạt, nhưng với Đức Giêsu Kitô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự chữa lành, tha thứ và yêu thương. Thập giá là dấu chỉ của sự sợ hãi, nhưng với Đức Giêsu Kitô, thập giá trở thành dấu chỉ của niềm tin vững chắc. Thập giá dấu chỉ của vực thẳm sự chết, nhưng với Đức Giêsu Kitô, thập giá trở thành dấu chỉ của sự sống vĩnh cửu. Người đã chiến thắng thần chết và giao hòa nhân loại với Chúa Cha.
3./. Thập giá của người môn đệ
Chúng ta biết rằng với bí tích rửa tội, con người được khỏi tội nguyên tổ, tuy nhiên, hậu quả của tội nguyên tổ vẫn còn đó. Con rắn cám dỗ Ađam và Eva vẫn còn đó. Thánh Phêrô nhắc nhở các tín hữu: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ thù địch của anh em như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8). Nhiều người trong chúng ta than trách dân Do thái, vì họ đã vô ơn bội nghĩa với Thiên Chúa trong cựu ước và đã đối xử bất nhân với Đức Giêsu Kitô trong thời Tân ước. Tuy nhiên như dân Do Thái khi xưa, mỗi người chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về sự vô ơn bội nghĩa của mình đối với Thiên Chúa, với tha nhân, và đi ngược với đường thập giá của Đức Giê su Kitô, ngược với giá trị Tin Mừng mà Người loan báo (Pl 3,17-19).
Đức Giêsu Kitô trong thân phận con người, Người bị cám dỗ ‘bỏ đường thập giá’ hoặc ‘xuống khỏi thập giá’ như các thượng tế, kinh sư, kỳ mục và nhiều người khác thách đố Đức Giêsu Kitô khi Người chiụ treo trên thập giá (Mt 27, 39-44; Lc 23,35). Nhưng Người đã không sa chước cám dỗ, Người đã trung tín với chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta cũng hằng bị cám dỗ ‘bỏ đường thập giá’ vì vốn dĩ chúng ta sợ đau khổ. Con người ngày nay luôn muốn niềm vui mà không cần kinh qua khổ đau, muốn tình yêu mà không cần hy sinh, muốn phục sinh mà không cần thập giá, muốn sự sống mà không cần phải chết, muốn hưởng phúc thiên đàng mà không phải đi đường thập giá.
Với thánh Phaolô, thập giá rở thành biểu tượng của sự nghịch lý từ khi Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cúi xuống vác lấy và chịu đóng đinh trên đó (1Cr 22-25). Từ đó thập giá trở thành thánh giá, biểu tượng của niềm tin, hy vọng và vinh thắng đối với những ai là môn đệ và tông đồ của Đức Giêsu Kitô qua mọi thời đại. Kinh nghiệm về đường thập giá của Đức Giêsu Kitô mà thánh Phaolô có được cũng là kinh nghiệm của Giáo Hội, của người môn đệ và của tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.
Trong sứ mệnh rao giảng tin mừng cứu độ, Đức Giêsu mời gọi mọi người: “tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Đức Giêsu vẫn luôn đồng hành với từng người trong từng giây phút cuộc đời. Người vẫn luôndõi theo để sẻ chia, nâng đỡ và trợ lực, tha thứ và yêu thương, nhưng chúng ta có ý thức sự hiện diện và lắng nghe lời Ngài hay không, nhất là những khi chúng ta phải đối diện với ‘gian truân, khốn khổ, bắt bớ, gươm giáo’ (Rm 8,35). Với Đức Giêsu Kitô và trong Ngài, chúng ta sẽ vượt qua tất cả. Bóng tối cuộc đời sẽ được sẽ phai mờ khi ánh sáng Đức Giêsu Kitô tỏa rạng.
Là người môn đệ bước theo Đức Giêsu, có lẽ chúng ta đễ nếm trải ít nhiều thập giá trong cuộc đời. Đã có lần nào bạn bị người đời đặt lên thập giá chưa? Đã có lần nào bạn cảm thấy sức nặng của thập giá chưa? Đã lần nào bạn cảm thấy cô đơn, sự ê chề và thất vọng trước những lời vu khống của miệng lưỡi thế gian chưa? Lời buộc tội là những từ ngữ cứng như đinh, tình người thì phũ phàng, nỗi đau đớn thấm vào từng làn da thớ thịt. Khi bị người ta đặt lên đồi can vê của chính mình, bạn thấy rất rõ lòng dạ từng con người: kẻ tố cáo, người đống lõa, số khác im lặng tìm sự an toàn cho bản thân, những người cầm quyền đại diện cho cán cân công lý cũng chẳng khác gì các thượng tế và Pharisêu ngày xưa, họ tỏ ra lạnh nhạt và kết tội bạn không thương tiếc, cũng chỉ vì dư luận, vì sợ đám đông, vì bảo vệ cái ghế của mình. Có ai đó biết về sự thật họ cũng đều im lặng hay khi được hỏi đến thì cũng a dua theo bầy đàn. Do đó sự thật mãi mãi là một ẩn dụ và vắng bóng sự công bằng trên đời này. Bạn bị kết án trên ‘thập giá vô hình’ ròng rã với những ánh mắt viên đạn, với cách đối xử khinh miệt và vô cảm của bao người khác, vì dư luận, về sự lan truyền tin xấu, về sự bàn tán vô căn cứ…
Mỗi lần đứng trước thập giá với những tóa án của con người, Bạn có tìm đến Đấng bị treo trên thánh giá và tìm ở đó sức mạnh từ thánh giá Chúa, cùng cảm nghiệm được sự đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu chịu đóng đinh không? Dù con đường theo Chúa có trông gai, thập giá có nặng trĩu làm bạn khụy ngã, bạn vẫn phải xác tín rằng bạn là người được Chúa yêu, là kiệt tác trong công trình tạo dựng nên bạn vẫn mãi là độc nhất vô nhị trong Thiên Chúa. Hơn nữa bạn còn nợ những người thân và người đồng hành cùng bạn hữu. Họ chịu sức nặng của thập giá cùng với bạn, họ giúp bạn lau khô những giọt nước mắt. Theo gương Chúa Giêsu và cùng với họ, bạn hãy tập cầu nguyện cho nhưng kẻ vu khống và người kết tội bạn. Trong Chúa Giêsu Kitô, khi tha thứ bạn là người hạnh phúc vì bạn có Chúa ở cùng.
Thánh Phaolô đã hiểu điều kiện làm môn đệ của Đức Kitô như là thông dự vào Thập giá của Người: “tôi đã được đóng vào Thập giá cùng với Đức Kitô; không còn phải tôi sống nữa song là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19. Hơn thế nữa, người theo Chúa cần phải tìm cách diễn tả sự thông dự vào những đau khổ của Đức Kitô (2 Cr 4,10) trong cuộc đời của mình, đặc biệt qua những cuộc bách hại gặp phải trên đường truyền giáo, trong đời sống sứ vụ hay đời sống cộng đoàn. Trong bối cảnh ấy Phaolô nói tới “những người bị bách hại vì Thập giá của Đức Kitô” (Gl 6,12), và tuyên bố rằng mình đang mang trên thân thể những dấu thương của Đức Kitô (Gl 6,17). Thậm chí Phaolô còn đi tới chỗ quả quyết rằng: “Tôi bổ túc trong thân xác hay chết của tôi những chi còn thiếu nơi những gian nan của Đức Kitô, nhằm sinh ích cho thân thể của Người là Hội thánh” (Cl 1,24). Phaolô lấy làm hãnh diện vì Thập giá của Chúa Giêsu Kitô: “nhờ đó thế gian đã bị đóng vào Thập giá đối với tôi và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14).
Chúng ta đi đường thập giá của Đức Giêsu Kitô khi chúng ta dâng đau khổ của chúng ta cho Người, khi chúng ta biết cảm thông với những đau khổ của người khác. Chúng ta đi đường thập giá của Đức Giêsu Kitô khi chúng ta khi chúng ta trung tín với ơn gọi Kitô hữu của mình giữa những bấp bênh của đời sống hằng ngày, khi chúng ta cố gắng sống đời công chính, thánh thiện giữa muôn hình thức cạm bẫy ở thế gian này. Chúng ta đi đường thập giá của Đức Giêsu Kitô khi chúng ta khi chúng ta sống tinh thần biết ơn Chúa và biết ơn người trong mọi hoàn cảnh của đời mình, nhất là lúc chúng ta phải đối diện với muôn hình thức gian nan, khổ tâm.
Đức Giêsu Kitô đi đường thập giá và Người mời gọi mỗi người chúng ta cũng hãy đi trên đường đó. Trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, khi căn tính của Đức Giêsu là ‘Đấng Kitô’ được biểu lộ, Người nói với các môn đệ về đường thập giá của mình: “Con Người phải đau khổ nhiều bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8,31). Đồng thời Người mời gọi họ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mất mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì” ( Mc 8,34-36).
Chương trình của Thiên Chúa qua biến cố Đức Giêsu Kitô, qua đường thập gía luôn là mầu nhiệm khôn dò khôn thấu. Chương trình này vượt quá sự nhận thức của con người. Do đó đường thập giá của Đức Giêsu Kitô vẫn mãi mãi là ‘đường điên rồ’ đối với ai coi sức mạnh vật chất, tri thức, quyền lực là khí cụ toàn năng để thiết lập các tương quan, để làm bàn đạp thăng tiến chính mình và thống trị người khác đặc biệt nơi những người yếu thế, những người thấp cổ bé miệng. Đường thập giá của Đức Giêsu Kitô vẫn mãi mãi là ‘đường ô nhục’ đối với những ai ưa dùng quyền đàn áp người khác, thích chủ nghĩa thống trị mà không cảm được những oan sai mà người khác phải cam chịu, hay ưa dùng quyền để rêu rao ‘lỗi phạm’ của người khác. Đường thập giá vẫn mãi là lời mời gọi vọng vang cho những ai muốn nên nghĩa thiết với Ngài.
Kết.
Hôm nay Đức Giêsu đang mời gọi mỗi người chúng ta hãy đi đường thập giá với Người. Đường thập giá là đường hy sinh, từ bỏ, hy vọng và tín thác. Đường thập giá luôn là ‘đường duy nhât chân thật’. Đức Giê su Ki tô đã đi đường thập giá để đến với thế giới thụ tạo, đến với chúng ta. Do đó chúng ta đứng chọn đường theo ý riêng mình. Chuáng ta hãy đi theo đường thập giá của Đức Giêsu Kitô và tháp nhập cùng phản chiếu ánh sáng của đường này trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống mình.
Bản tính con người vốn không thích thập giá, ngại hy sinh và không thích trút bỏ chính mình. Đặc biệt trong thế giới hưởng thụ hôm nay, người ta muốn tránh xa thập giá càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy rằng không ai trong gia đình nhân loại có thể tự giải thoát mình khỏi các hình thức thập giá, bởi vì tất cả mọi người, dù muốn dù không, đều chung sống trong ‘nền văn hóa Ađam và Evà’, nền văn hóa bị ô nhiễm bởi tội lỗi. Người ta có thể tránh được hình thức thập giá này, nhưng lại không thể tránh được các hình thức thập giá khác, và hình thức thập giá cuối cùng là vực thẳm sự chết.
Tin mừng nhất lãm không những chỉ nói tới thập giá của Đức Kitô mà còn nới tới thập giá của môn đệ muốn đi theo Ngài. Phúc âm để lại hai lời mời gọi môn đệ vác Thập giá để theo thầy. “Ai muốn theo Tôi thì hãy từ bỏ mình đi, vác Thập giá của mình và đi theo Tôi. Qủa thực, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì danh nghĩa Tin mừng thì sẽ cứu được nó” (Mc 8,34-9,1; Mt 10,38-39; Lc 9, 23-27). “Ai không vác lấy Thập giá của mình và theo Tôi thì không xứng đáng với Tôi” (Mt 10,38; 16,24. Việc vác Thập giá là điều kiện cần thiết để “đi theo Đức Giêsu”; nó đòi hỏi phải từ bỏ mình, từ bỏ những mối liên hệ gia đình (Mt 10,37), và đưa tới sự mất mạng sống. Trong những lời vừa nói, Thập giá không còn được hiểu theo nghĩa đen của một khổ hình nữa, nhưng đã được đồng hóa với chính bản thân Đức Giêsu, con người chết trên Thập giá như biểu hiệu của sự hiến thân phục vụ tha nhân, chiến thắng thần chết đem lại sự sống vĩnh hằng cho những ai tin nhận và vác thập giá mình mà đi theo Người.
Hoa Tigon
Tuần thánh 2022