Bài Suy Gẫm số 4
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
(Lc 3,1- 6)
[C.N. II Mùa Vọng, năm C]
Chính bằng sự sám hối và tránh tội
mà chúng ta chuẩn bị đón nhận Đức Giêsu Kitô
Gioan liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng,
kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối
để được ơn tha tội. (Lc 3,3)
Tóm Tắt:
- Sự sám hối là cần thiết. – Chính nhờ nó mà thánh Gioan chuẩn bị dân Do Thái đón Đức Giêsu Kitô. Việc đền tội là một phép rửa gây đau đớn: nó rửa ta sạch tội, giúp chúng ta đền tạ và phục vụ Thiên Chúa cho tốt.
- Hãy cầu xin Thiên Chúa ban cho Anh Em lòng yêu mến việc ăn năn đền tội, giúp Anh Em ngày càng thanh tẩy tội lỗi mình.
- Sự sám hối cho ta ơn tha tội. – Việc đền tội làm cho Thiên Chúa bớt giận. “Thiên Chúa phán: Nếu kẻ tội lỗi ăn năn hối cải… Ta sẽ không còn nhớ những điều bất chính của nó”. Việc dân thành Ni-ni-vê hối cải đã làm đổi thay án phạt dành cho họ.
- Anh Em hãy thực hiện việc đền tội để nhận được ơn tha thứ và làm nguôi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.
- Sự sám hối ngăn ta phạm tội. – “Nếu kẻ nghịch đạo ăn năn đền tội… làm những điều công chính, nó sẽ không phải chết”. Giáo Hội nói rằng nhờ sự đền tội, thánh Gioan Tẩy Giả đã tránh được những tội nhẹ nhất.
- Anh Em hãy ăn năn đền tội, nếu muốn hưởng được sự bình an, được luôn sốt sắng và bảo đảm được cứu rỗi.
cd
4.1 – Sự Sám Hối Rất Cần Thiết
Theo bài Bài Tin Mừng này, thánh Gioan Tiền Hô “đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa, tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”(Lc 3, 3) , hầu chuẩn bị người Do Thái tiếp đón Đức Chúa chúng ta. Bằng hành động này, thánh nhân cho chúng ta biết tâm tình cốt yếu cần có để tiếp đón Đức Chúa chúng ta: đó là sự sám hối và quyết tâm xa lánh mọi tội lỗi; và do vậy, ta phải lo ăn năn hối cải, vì đây là hành động tẩy rửa và thanh luyện linh hồn khỏi vết nhơ của tội. Thánh Léon đơn giản gọi đó là một phép rửa, còn thánh Grégoire thành Nazianze nói thêm rằng: phép rửa này gây đau đớn. Theo thánh Ambrôsiô, vua Đavít nói được những câu sau đây, nhờ phép rửa này: “Rên siết đã nhiều nên con mệt mỏi / trên giường ngủ, những thổn thức năm canh / từng giọt vắn dài, lệ tuôn đẫm gối /” (Tv 6,7).
Lẽ ra, như vua Đavít, ta cũng phải nói được những câu trên, vì chúng ta cũng cần ăn năn không kém gì vị vua ấy, nếu chúng ta muốn cho Đức Giêsu Kitô đến với chúng ta. Cũng chính vì vậy mà sách “Chú Giải” (la Glose) nói rằng, mỗi người trong Anh Em phải đền những tội đã qua bằng cách sám hối, hầu Anh Em có thể đến gần ơn cứu độ đã mất, và dễ dàng quay về với Thiên Chúa đã bị xa cách. Điều này đã được Thiên Chúa nói qua miệng của một vị ngôn sứ: “Các người hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” (Ge 2,12): quả thật đấy là những phương tiện chắc chắn nhất để quay về với Thiên Chúa, khi ta đánh mất Người; chúng cũng góp phần lớn nhất thanh tẩy con tim, điều mà vua Đavít khẩn khoản cầu xin cùng Thiên Chúa; nhà vua cũng có cùng ý hướng khi thưa với Thiên Chúa: “Xin rửa con sạch hết lỗi lầm. Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 50,4). Nhà vua ăn năn sám hối này hết sức xác tín rằng, chỉ có thể tẩy rửa những vết nhơ của một linh hồn phạm tội, bằng những dòng lệ xuất phát từ một con tim khiêm cung và biết hối cải.
Chúng ta hãy năng nài xin Thiên Chúa ban ơn rửa ta sạch, đến độ không còn dấu vết tội nào nơi chúng ta; về phía chúng ta, hãy góp phần bằng cách làm những việc ăn năn đền tội.
4.2 – Sự Sám Hối Mang Lại Ơn Tha Tội
Có lời chép về thánh Gioan Tẩy giả rằng “Ngài rao giảng, kêu gọi người ta … tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3, 3), vì sự ăn năn đền tội làm cho các tội lỗi của những ai xúc phạm đến Thiên Chúa được thứ tha, theo như lời thánh Phêrô từng nói với người Do Thái trong sách Công Vụ Tông Đồ: “Anh em hãy sám hối và mỗi người phải chịu phép rửa, nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội” (Cv 2,38). Đó là mục đích riêng của đức tính sám hối, và chỉ một mình đức tính ấy mới có khả năng làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa đối với tội nhân. Chính Chúa đã nói qua tiên tri Êdêkien, bằng những lời như sau: “Nếu nó (kẻ gian ác) từ bỏ tội lỗi mà trở lại và thực hành điều công minh chính trực … mọi tội lỗi nó đã phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến nữa.” (Ed 33,14- 16). Thánh Phêrô, khi rao giảng để dân Do Thái hiểu những chân lý Tin Mừng, có nói: “Anh Em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa để Người xóa bỏ tội lỗi cho Anh Em.” (Cv 3, 19).
Thánh Giêrônimô nói dân thành Ninivê đã từng chọc giận Trời cao bằng những việc làm vô đạo của họ; nhưng sau đó, chính nhờ cử chỉ sám hối mà họ khiến “Chúa thay đổi bản án hủy diệt kinh thành của họ.” (Gn, 3, 4- 10) Họ chỉ được toại nguyện nhờ thay lòng đổi dạ trước lời rao giảng của Giôna và như ông vua của họ kêu mời. Thánh Ambrôsiô nói là họ không còn cách nào để ngăn chặn những tai họa chực đổ xuống trên đầu họ, ngoài việc ăn chay trường kỳ, trùm áo bố gai và phủ tro lên đầu, để làm nguôi cơn thịnh nộ của Chúa.
Một cách tương tự, Anh Em sẽ được tha mọi tội mà Anh Em đã phạm lúc còn ở ngoài đời, kể cả những tội mà Anh Em mắc phạm mọi ngày trong nhà Chúa; vì như thánh Giêrônimô nói, Thiên Chúa hằng ngày vẫn tiếp tục răn đe con người, như Ngài đã làm đối với dân thành Ninivê; như lời răn đe này đã làm cho dân sợ, cũng thế chúng cũng giục những ai đang sống tại thế phải lo sám hối. Thế thì chúng ta hãy biết lợi dụng noi theo gương tốt đáng phục như vậy.
4.3 – Sự Sám Hối Ngăn Ta Phạm Tội
Ngôn sứ Êdêkien cho ta biết rằng việc ăn năn đền tội không chỉ giúp ta được ơn tha thứ, mà còn ngăn ngừa ta khỏi phạm tội nữa, và đó là mối phúc lớn nhất ta có thể hưởng được ở trần gian này. Sau khi nói: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ tội lỗi mà trở lại và thực hành điều công minh chính trực … mọi tội lỗi nó đã phạm, người ta sẽ không còn nhớ đến nữa.”, ngôn sứ còn thêm: “Kẻ ấy sống theo những lề luật đưa tới sự sống thì chắc chắn nó sẽ được sống và không phải chết.” (Ed 33,14- 16). Cho nên thánh Phêrô rất mực an ủi chúng ta khi nói rằng Đức Chúa, vào ngày quang lâm, “sẽ thấy chúng ta tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an,” (2Pr 3,14) vì thấy chúng ta thoát khỏi tội. Nhờ vậy, theo Théodoret, họ chắc đã được cứu rỗi; và nhờ vậy thánh Gioan Tẩy Giả –– như Giáo Hội hát trong phụng vụ - đã biết giữ mình khỏi tội nhẹ nhất, bằng cách ăn năn đền tội.
Anh Em sẽ lại được Chúa che chở và theo thánh Phêrô, “sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,38); Thánh Thần ngự trong Anh Em, giúp Anh Em kiên vững trong sự thiện. Người là Thần Khí của Đức Giêsu Kitô; hãy cầu xin Người giữ tâm can Anh Em thật vững vàng trong sự thiện, đến nỗi vào ngày Chúa Giêsu Kitô quang lâm, như thánh Phêrô nói, “anh em sẽ được tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an.” (2 Pr 3,14). Hãy cảnh giác để khi Chúa ngự đến, Người sẽ không trách Anh Em, như thánh Gioan đã làm đối với một giám mục, trong sách Khải huyền: “Ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh, 2, 4), và nếu Chúa có quở trách Anh Em như vậy, hãy nhớ lại lời nhắc cho vị giám mục nói trên: “Hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu.” (Kh, 2, 5).
Bó hoa thiêng liêng
Việc ăn năn đền tội bảo vệ và tăng lực cho linh hồn.
(thánh Augustinô)