Chúng ta cần phải yêu mến Thánh Giá ấy với con tim thật tha thiết của chúng ta, với lòng khao khát muốn được cột chặt vào và chết trên đấy như Đức Giêsu, Thầy chí thánh, đã ao ước trước đây.
Bài Suy Gẫm 165
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ (14 tháng 9)
“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì,
ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Gl 6 14)
TÓM TẮT:
- Phải tôn vinh Thánh Giá.
- Hãy để tâm trí ta thấm nhuần tinh thần của Giáo Hội khi đến tôn vinh Thánh Giá của Đấng Cứu Chuộc. Hãy đặt vào đấy niềm vinh dự và lòng cậy trông của chúng ta. Chúng ta hãy hãnh diện khi mình rao giảng về Đức Giêsu chịu đóng đinh.
- Anh Em hãy cúi mình phủ phục trước cây thập giá thánh thiêng đã mang đến cho Anh Em hồng ân Thiên Chúa và ơn cứu độ.
- Phải yêu mến thánh giá.
- Sao ta lại không yêu mến thánh giá? Thánh giá đã giúp kéo ta ra khỏi tội lỗi, là niềm an ủi của ta khi ta gặp sầu khổ, giúp ta nên trong sạch và thánh thiện trước mặt Thiên Chúa, bảo đảm cho ta một lời tuyên án thuận lợi!... Chúng ta hãy gắn bó và tỏ tình thân thiện với thánh giá cũa Chúa chúng ta.
- Trong những cơn sầu buồn, Anh Em hãy kết hiệp với Chúa Giêsu đau khổ: Anh Em sẽ được ủi an và bồi thêm sức mạnh.
- Phải vác thánh giá của cá nhân.
- Đây là cách vinh danh thánh giá đích thực. Vì yêu mến chúng ta, Đức Giêsu chịu đóng đinh vào thập giá. Để thành bạn hữu và chia phần vinh quang với Chúa, chúng ta phải trở nên giống Chúa và đồng cam cộng khổ cùng Ngài.
- Anh Em không còn con đường nào chắc chắn làm vui lòng Thiên Chúa hơn là con đường vác thánh giá theo Ngài.
165.1. Phải tôn vinh Thánh Giá.
Buổi lễ mà Giáo Hội long trọng mừng hôm nay trước tiên được thành lập là để tưởng niệm cây Thánh Giá của Đức Giêsu Kitô mà thánh nữ Hêlêna, mẹ của hoàng đế Constantin, đã tái khám phá, trịnh trọng cho dựng cao lên và được cả thế giới Kitô giáo lúc bấy giờ hoan hỷ đón chào. Lễ này sau đó được tăng phần long trọng do việc hoàng đế Héraclius vác Thánh Giá của Chúa cách đầy khí thế, đi từ nội thành Giêrusalem và trịnh trọng lên đỉnh Gongotha đặt lại đúng nơi mà Đức Chúa chúng ta bị treo lên.
Chúng ta phải hợp lòng với niềm vui mà Giáo Hội bày tỏ hôm nay qua những nghi thức long trọng dành cho cây gỗ thánh và nhập tâm những tình cảm của thánh Phaolô khi thánh nhân chia sẻ: “Chúng ta phải vui mừng và hãnh diện nơi thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6, 14). Chính nơi Thập Giá mà chúng ta phải “để mắt trông lên Đức Giêsu Kitô, Thầy chí thánh chúng ta, Đấng đã đặt trọn vinh quang và hạnh phúc của Ngài vào việc chịu đau khổ và chịu chết trên Thánh Giá này mà không quan tâm gì đến những điều xấu hổ và những nổi nhục nhã” (Dt 2,2), tức là đặt mọi vinh quang của chúng ta đi kèm theo. Vì rằng, cũng theo lời thánh Tông đồ Phaolô, cây Thánh Giá đó ngay từ lúc ấy đã trở nên vật được các tín hữu Kitô rất mực tôn sùng, nhưng lại là đề tài điếm nhục đối với người Do Thái, một sự khùng khịu đối với dân ngoại.
Theo lời thánh Phaolô, nếu các Tông đồ coi như là niềm hãnh diện khi rao giảng khắp thế giới một “Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 1,23) đó chính vì các vị muốn tuyên xưng xác tín rằng mình không muốn biết gì khác ngoài thánh giá Chúa Giêsu Kitô. Còn lâu các vị mới hổ thẹn về điều này. “Đối với chúng tôi, những kẻ được gọi… đó là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Chúng ta hãy sống qua ngày hôm nay và trong suốt phần còn lại của cuộc đời mình trong sự tôn kính đặc biệt, trong sự tôn thờ sâu xa đối với mầu nhiệm thánh này. Thánh Phaolô nói thêm: “Đúng là một mầu nhiệm thánh được giấu kỹ từ trước muôn đời,... - trước lúc Đức Giêsu Kitô - …cho chúng ta được vinh hiển… Không một ai trong các thủ lãnh thế gian này đã được biết” (1Cr 2, 7,8)...., dù rằng Thánh Giá là công cụ cứu rỗi chúng ta, và rằng Thánh Giá đã mang đến cho chúng ta cuộc sống ân sủng và sự phục sinh cho chúng ta.
165.2. Phải yêu mến Thánh Giá.
Thật không xứng hợp chút nào nếu danh dự ta dành cho cây Thánh Giá của Đức Chúa chúng ta lại kết thúc vỏn vẹn chỉ với hành vi kính trọng và lòng tôn thờ thôi. Chúng ta cần phải yêu mến Thánh Giá ấy với con tim thật tha thiết của chúng ta, với lòng khao khát muốn được cột chặt vào và chết trên đấy như Đức Giêsu, Thầy chí thánh, đã ao ước trước đây, bởi vì như tác giả Sách Gương Phúc đã từng nói: “Những ai thật tâm vui mừng ôm lấy thánh gía Chúa Giêsu Kitô sẽ không bao giờ sợ hải bị án phạt gớm ghê”... vì nhờ Thánh Giá, họ đã được kéo ra khỏi tội lỗi rồi. Nếu chúng ta cùng kết hợp với Đức Giêsu, Đấng đã tha thiết yêu mến, đã hoàn toàn sẳn sàng mang vác Thánh Giá ấy, nếu chúng ta kết hợp cùng Ngài mà yêu mến Thánh Giá, thì mọi khổ nhục đời này sẽ trở nên nhẹ nhàng và thân ái đối với chúng ta. Thế là chúng ta được hạnh phúc tìm ra thiên đàng ngay dưới thế này vì chúng ta sẽ được tham gia vào tâm tình chấp nhận đau khổ của Đức Giêsu Kitô, “Đấng đã hòa giải chúng ta với Chúa bởi cái chết của Ngài trên thập giá, hầu thánh hóa chúng ta, thanh tẩy chúng ta và để chúng ta khỏi bị luận phạt trước mặt Thiên Chúa” (Cl 1, 22). Hãy suy niệm thật kỹ xem chúng ta đã đã mắc nợ “Cây Gỗ” thánh thiêng này bao nhiêu vì Cây Thánh Giá đã góp phần vào việc thánh hóa chúng ta. Nhờ sự hăng say của một tình yêu nồng cháy, hãy nâng cao Cây Gỗ thánh này lên tới Đức Giêsu Kitô để Cây Thánh Giá trở về cùng Ngài: tới lúc này, Ngài vẫn còn mến Cây Thánh Giá như yêu thích việc cứu độ chúng ta và hơn nữa, Ngài vẫn thấy thoải mái khi vác lấy nó để thánh hóa chúng ta.
Khi Anh Em gặp đôi điều quá buồn phiền, Anh Em hãy kết hiệp ngay với Đức Giêsu đang đau khổ. Hãy yêu mến thánh giá của Chúa vì Anh Em là chi thể của Ngài. Sự kết hiệp và tình yêu thương sẽ làm nhẹ bớt niềm đau của Anh Em và biến nó thành dễ chịu hơn.
165.3. Phải vác thánh giá của cá nhân.
Mọi vinh dự bề trong lẫn bên ngoài mà chúng ta có thể ưu ái dành cho Thánh Giá của Đấng Cứu Chuộc sẽ không hữu ích lắm cho ta trừ phi ta phải tôn vinh thánh giá ấy bằng một phương cách khác: Ví dụ bằng cách “như những gia nhân tốt và trung thành, chúng ta luôn mang trên người cây thánh giá mà Đức Giêsu, vị Thầy chúng ta”, muốn đề nghị chúng ta thực hiện, tức khi mang thánh giá này, chúng ta cần tâm niệm rằng Ngài rất muốn chịu đóng đinh thêm lần nữa trên đó vì yêu thương chúng ta. Vì rằng, như Minutius Félix đã góp ý, dù Đức Giêsu Kitô muốn ta phải suy tôn Thánh Giá của Ngài, nhưng đó chưa phải là điều chính yếu. Điều Ngài muốn hơn đó là việc chúng ta bằng lòng uống chén mà Ngài đã uống trong cuộc thương khó (Mt 20, 22), nếu chúng ta mong muốn là bạn hữu của Ngài và được chia phần với Ngài trong vương quốc của Ngài.
Với thánh Phaolô, chúng ta đặt tất cả vinh quang của bản thân vào việc “mang trên mình ta ‘năm dấu thần thánh’ của Đấng Cứu Chuộc chúng ta” (Mt 20,22) hầu làm chúng ta trở nên đồng dạng với Đức Giêsu chịu đóng đinh và tôn vinh thánh giá của Ngài theo cách làm đẹp lòng Ngài nhất và sẽ nên hữu hiệu cũng như đầy thuận lợi cho chúng ta. Chúng ta cần biết rõ là cả cuộc đời của Đức Giêsu chỉ là Thánh Giá, là cuộc tử đạo liên tục. Chúng ta sẽ mang dáng dấp là những gia nhân, những bạn hữu, những kẻ noi gương Ngài chỉ khi nào chúng ta khắc ghi nơi bản thân ta Dấu Thánh Giá của Ngài, chỉ khi nào ta nhận chịu những đau khổ giống đau khổ của Ngài. Làm sao chúng ta dám tìm một lối đi khác để làm đẹp lòng Thiên Chúa, để tôn vinh danh Ngài, đề dâng của lễ làm Ngài thích thú, ngoài lối đi của Thập Giá Thánh. Để vinh Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã không sống qua một giờ trong đời mình mà không chịu đau khổ và cũng không một vị thánh nào ở thế gian này mà không đau buồn hay không vác thánh giá của mình.
Bó hoa thiêng liêng.
“Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa
vì Chúa đã chịu chết trên thánh giá vì tội lỗi của con”
(Tiểu xá: 100 ngày, mỗi ngày một lần. ĐGH Benoît XV, 1918)