Lễ Chúa HIển Linh_ Năm A_Mt 2:2-12
04/01/2023SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Qua gương ba nhà đạo sĩ, chúng ta cũng được mời gọi mỗi khi gặp mây mù che lối, mỗi khi gặp khủng hoảng khó khăn trong đời sống đức tin, biết khiêm tốn tìm người hiểu biết, khôn ngoan mà xin được chỉ dẫn mà kiên trì tiếp tục tìm Chúa. Và... ngôi sao dẫn đường sẽ xuất hiện để “dẫn đường cho đến tận nơi Chúa Kitô hiện diện.”
BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 09
LỄ HIỂN LINH - A
Mt 2:2-12
Ánh Sao Ân Sủng
“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên
phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." (Mt 2:2)
Ba nhà đạo sĩ nhờ ánh sao dẫn đường đã tìm đến được để bái thờ “Vua dân Do Thái mới sinh”, hành trình đến với Vị Vua mới sinh có lúc không thấy ánh sao dẫn đường, nhưng nhờ kiên trì tìm kiếm với khao khát bái thờ, ngôi sao lại xuất hiện và đưa các vị đạo sĩ “đến tận nơi Hài Nhi ở” để sấp mình thờ lạy và dâng tiến lễ vật (c.10).
“Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người" (c.2). Ngôi sao tượng trưng cho ánh sáng của Thiên Chúa, ân sủng của Thiên Chúa, tác động trong tâm hồn của con người để dẫn dắt những người thành tâm thiện chí đến với Đức Kitô. Để có thể nhận ra vì sao xuất hiện và dõi theo ánh sao, các vị đạo sĩ phải có lòng khao khát mong nhận biết dấu hiệu của Vua mới sinh và được diện kiến để bái thờ Vua.
Thánh Gioan La San đã suy gẫm về sự khao khát nhận biết và bái thờ Vua cao cả của các vị đạo sĩ: “Họ nhìn thấy một ngôi sao mới xuất hiện và lạ thường; chỉ cần nhìn thấy ngôi sao là họ lên đường ngay, từ một vùng xa xôi, để đi tìm Đấng mà họ không hề quen biết, một Đấng mà trong xứ của họ cũng không ai biết. Được soi sáng nhờ ánh sao nầy, và nhất là nhờ ánh sáng đức tin họ sẽ loan báo Mặt Trời công chính mới mọc lên, Đấng Mêsia, tại nơi Người sinh ra.” Ngày nay trên các máng cỏ luôn luôn có ngôi sao lạ, nhìn ngắm ngôi sao lạ, tôi suy tư về những tác động của Thiên Chúa để hướng dẫn tôi đến với Chúa Kitô: đó có thể là những thời biểu sinh hoạt thiêng liêng hàng ngày của gia đình hay cộng đoàn; đó có thể là những yêu cầu hay gợi ý của những người có trách nhiệm; đó có thể là biến cố thiên tai bão lụt, hay biến cố nào đó xảy ra trong cuộc đời... Tôi được mời gọi can đảm noi theo gương ba vị đạo sĩ, dám ra khỏi mình, ra khỏi “tháp ngà an toàn” để mau mắn “đến tận nơi” Chúa Kitô hiện diện hầu bái thờ Người: đó là nhà thờ, nhà nguyện để bái thờ Ngài quaa việc tham dự các buổi kinh phụng vụ hay cử hành Thánh Thể; đó là những “sa mạc giữa đời” tức là tìm những giây phút thinh lặng trong ngày để suy ngắm Lời Chúa; đó là những vùng “ngoại vi” mà người nghèo đang trong cơn khốn khó và cần đến sự hiện diện của tôi...
“Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.” (c.9) Đến Giêrusalem, ngôi sao dẫn đường như vụt tắt đi một thời gian, khiến các nhà đạo sĩ phải vào Giêrusalem để hỏi vua Hêrôđê, vua ấy liền triệu tập các thượng tế và kinh sư để hỏi về Vị Vua mới sinh ở đâu.... Ba vị đạo sĩ với lòng ngay đã tìm kiếm với sự năng động, không chút lo âu và chính họ cảm thấy niềm vui lớn lao khi được Giêrusalem đón tiếp và khi được biết ở Bêlem, ba vị đạo sĩ lại tiếp tục hành trình... Và khi họ ra đi “bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại.” Đôi khi trong đời sống, chúng ta bị những mây mù của thử thách, của gian khổ, của quyến rũ, thú vui làm che khuất ánh sao đức tin, khiến chúng ta mất phương hướng, chao đảo trong đời sống thiêng liêng hay tinh thần. Qua gương ba nhà đạo sĩ, chúng ta cũng được mời gọi mỗi khi gặp mây mù che lối, mỗi khi gặp khủng hoảng khó khăn trong đời sống đức tin, biết khiêm tốn tìm người hiểu biết, khôn ngoan mà xin được chỉ dẫn mà kiên trì tiếp tục tìm Chúa. Và... ngôi sao dẫn đường sẽ xuất hiện để “dẫn đường cho đến tận nơi Chúa Kitô hiện diện.”
“Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (c.11) Thờ phượng là bổn phận chính yếu của dân đối với Vua cao cả, của tạo vật đối với Đấng Tạo Thành, sự thờ phượng thật là dâng tiến “những hoa màu ruộng đất là lao công của con người”. Việc thờ phượng không thêm gì cho Thiên Chúa, nhưng “đem lại ơn cứu độ đời đời” cho con người, và dâng tiến lễ vật cũng chỉ để “trở nên của ăn và của uống” nuôi sống con người. Tôi được mời gọi đến bái thờ Chúa Giêsu Thánh Thể nơi bàn tiệc thánh, nơi các giờ kinh nguyện với tâm tình thờ lạy, kính mến, với lòng khao khát tìm kiếm và mong ước gặp Ngài chứ không phải là một cử chỉ rỗng tuếch hay làm cho qua chuyện. Tôi mời gọi đến với Chúa mang theo những lễ vật là hy sinh trong việc bổn phận thường ngày, những việc thiện được thực hành trong đời sống.
Lạy Chúa, “sự cứu rỗi và hạnh phúc của một linh hồn thường tuỳ thuộc vào sự mau mắn trung thành với ân sủng của Thiên Chúa.” Xin cho con biết noi gương các vị đạo sĩ mau mắn ra khỏi chính mình để tìm gặp Chúa hiện diện nơi Thánh Thể, và không chỉ nơi Thánh Thể mà còn tìm gặp Chúa là nơi những người nghèo, yêu mến và tôn trọng người nghèo và nhiệt thành quảng đại phục vụ họ như của lễ dâng tiến lên Chúa, chắc chắn Chúa sẽ hài lòng về con và cho con gặp Chúa, vì khi sinh xuống làm người, Chúa đã yêu mến khó nghèo và người nghèo.
Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc