Điều đầu tiên ta phải chú tâm đến là chúng ta chỉ sửa dạy trẻ dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa: Vì thế, trước khi sửa dạy, ta phải hồi tâm lại để trao phó mình cho Thần Khí Thiên Chúa, để sẵn sàng khiển trách và sửa dạy trẻ một cách hết sức khôn ngoan, mang lại lợi ích cho trẻ.
Bài Nguyện Gẫm Thứ Mười Hai - MR 204
CÁCH CHỈ DẠY VÀ SỬA SAI LỖI LẦM
NHỮNG AI TA HƯỚNG DẪN
Điểm 1
MR 204,1,1
Lời khiển trách và sửa dạy của ta sẽ không mấy hữu hiệu nếu ta không biết dùng những biện pháp đúng để thi hành tốt việc này. Điều đầu tiên ta phải chú tâm đến là chúng ta chỉ sửa dạy trẻ dưới sự hướng dẫn của Thần Khí Thiên Chúa: Vì thế, trước khi sửa dạy, ta phải hồi tâm lại để trao phó mình cho Thần Khí Thiên Chúa, để sẵn sàng khiển trách và sửa dạy trẻ một cách hết sức khôn ngoan, mang lại lợi ích cho trẻ. Vì người lớn, ngay cả trẻ con, đều có lý trí, nên ta không được sửa dạy chúng như thú vật, nhưng phải đối xử xứng với người có lý trí.
Phải rầy la và sửa dạy một cách công bình, bằng cách cho trẻ thấy điều sai lầm chúng đã làm, hình phạt nào xứng với lỗi lầm ấy, và phải cố gắng giúp trẻ chấp nhận điều đó. Vì trẻ là người Kitô hữu, nên ta phải rầy la và sửa dạy chúng sao cho đẹp lòng Thiên Chúa, sao cho chúng chấp nhận điều ấy như liều thuốc chữa lành lỗi lầm và như một phương thế để giúp chúng trở nên khôn ngoan hơn. Đó là hiệu quả Thần Khí muốn việc sửa dạy phải mang lại cho trẻ (1).
MR 204,1,2
Sau đó trước mặt Thiên Chúa phải xét xem lối sửa phạt nào tương xứng với lỗi lầm, xem trẻ phạm lỗi có nhận lãnh hình phạt với lòng tuân phục, hay là ta phải giúp trẻ tuân nhận. Đừng sợ việc sửa dạy của ta sẽ mang lại hậu quả xấu, nếu ta đã thận trọng trong việc này. Trái lại, nhà giáo biết khiển trách và sửa dạy lỗi lầm của trẻ còn đáng được người ta khen, Thiên Chúa chúc lành, và những trẻ được sửa dạy biết mang ơn mình. Vì nếu làm như thế anh em mang lại cho trẻ nhiều lợi ích hơn là nếu anh em chỉ biết khen vuốt chúng bằng những lời hoa mỹ (2), những lời ấy chỉ phỉnh gạt chúng và còn khiến chúng tiếp tục lỗi lầm và sống phóng túng.
Cho đến bây giờ, anh em có chú tâm để chỉ sửa dạy học trò vì Chúa mà thôi không ? Anh em có sửa dạy chúng một cách quá độ, hay vì thiếu kiên nhẫn và nóng giận không ? Có phải anh em sửa dạy trẻ chỉ vì muốn chúng thay đổi lối sống hay chỉ vì chúng đã làm phiền lòng anh em ? Có phải anh em chỉ hành động vì đức ái, hay chỉ để xả mối tức giận anh em trên đầu chúng ? Từ nay hãy chú tâm để làm việc quan trọng này chỉ vì muốn làm vui lòng Thiên Chúa mà thôi.
Điểm 2
MR 204,2,1
Tuy Thánh Phaolô lưu ý Ti-tô, đệ tử của Ngài, phải nghiêm khắc sửa dạy những kẻ bất phục tùng, để họ có một đức tin lành mạnh (3), cùng dặn Ti-mô-tê phải làm như thế, để giúp người khác biết kính sợ (4), nhưng đồng thời ngài cũng dặn ông phải kiên nhẫn và điều độ trong khi khiển trách những kẻ chống đối, biết đâu Thiên Chúa sẽ ban cho họ ơn sám hối (5). Thật vậy, đó là một trong những cách hay nhất để cảm hóa và hành động con tim những ai sa ngã, và giúp họ sẵn lòng ăn năn trở lại.
Đây cũng là cách ngôn sứ Na-than đã làm khi Thiên Chúa sai ông đến cùng vua Đavít để giúp vua hồi tâm trở lại, nhìn nhận hai tội đã phạm, tội ngoại tình và giết người. Ông bắt đầu bằng cách kể cho vua nghe dụ ngôn một người phú hộ có nhiều chiên cừu, nhưng lại cướp con chiên duy nhất của một người nghèo. Ngôn sứ Na-than chỉ kể đơn sơ chuyện bất công ghê gớm này, mà vua Đavít đã nổi cơn thịnh nộ với thủ phạm, đòi xử tử nó và quyết tâm không tha cho nó. Nghe thế, ngôn sứ Na-than đáp lời : Nhà vua chính là tên thủ phạm đó (6) ; và lập tức kết nối chuyện đó với hai tội của vua Đavít, nhắc nhở cho vua thấy những ơn lành Thiên Chúa đã ban, và vua đã lạm dụng ra sao.
MR 204,2,2
Đây là phương pháp anh em phải dùng đối với những ai mình có trách nhiệm dạy dỗ và sửa sai, khi chúng sa phạm lỗi lầm nào. Nếu anh em có chút giận dữ nào, thì cớ có sửa phạt ngay lúc ấy, bằng không việc sửa phạt sẽ làm hại cả trẻ lẫn anh em. Những lúc ấy, phải hồi tâm trở lại, chờ cho cơn giận qua đi, và cũng đừng tỏ lộ ra ngoài. Sau khi cảm thấy mình hoàn toàn thoát khỏi đam mệ, và trao phó mình cho Thần Khí Thiên Chúa, anh em có thể sửa dạy như đã dự định một cách hết sức điềm đạm.
Bấy lâu nay anh em có làm như thế không? Hãy cầu xin Thiên Chúa đừng bao giờ để cơn tức giận lôi kéo anh em khi phải sửa phạt học sinh.
Điểm 3
MR 204,3,1
Hiệu quả của việc ngôn sứ Na-than khôn ngoan khiển trách vua Đa-vít phải giúp anh em nhận thức được việc sửa phạt học sinh sẽ rất hữu ích cho trẻ nếu anh em sửa phạt chúng với sự dịu dàng và lòng yêu thương. Vua Đa vít đã nổi giận đối với tên nhà giàu trong dụ ngôn của ngôn sứ Na-than, nhưng sau khi biết tên đó chính là mình, nah vua chỉ biết thốt lên : Tôi đã phạm tội (7) ; và ngay sau đó đã làm việc đền tội một cách khắc khe. Khi đứa con sinh ra từ tội ngoại tình này chết đi, nhà vua đã thờ lạy và tuân phục Thánh ý Thiên Chúa. Cách ngôn sứ đối xử khôn ngoan và điềm đạm với tội nhân Đa-vít, đã đánh động con tim nhà vua. Vua đã nhìn nhận hai tội của mình, cầu xin Thiên Chúa thứ tha, và thật lòng thống hối.
MR 204,3,2
Khiển trách cách khôn ngoan sẽ giúp người bị khiển trách sẵn lòng sửa lỗi, trái lại khiển trách với đam mê và không vì Chúa chỉ khiến học sinh chống lại thầy mình, tạo nên trong trẻ ước muốn trả thù và hận ghét, đôi khi thật lâu. Cây nào sinh quả ấy : vậy nếu anh em muốn việc sửa dạy của mình mang lại kết quả như lòng mong ước, anh em phải làm việc đó cách sao cho đẹp lòng Chúa và vừa lòng những ai đón nhận việc sửa dạy.
Phải cẩn thận để chỉ sửa dạy vì đức ái và lòng nhiệt thành cho phần rỗi linh hồn học sinh. Phải làm sao chứng tỏ cho trẻ thấy tuy dầu anh em phải sửa dạy chúng, nhưng anh em vẫn làm việc đó với hết lòng nhân hậu, như thế thay vì chống lại anh em, trẻ sẽ biết ơn vì điều tốt lành anh em đã mang lại cho chúng, chúng sẽ thật lòng hối lỗi, và quyết tâm không phạm lỗi lầm ấy nữa. Từ nay, anh em phải lo dùng những biện pháp cần thiết để thực thi quyết định này.
Trích dẫn Thánh Kinh :
1- Cn 12:1 2- Cn 28:23 3- Tt 1: 10-13
4- 1 Tm 5: 20 5- 2 Tm 2: 24-25 6- 2 Sm 12: 1-12
7- 2 Sm 12: 13-22