Bài nguyện gẫm số 17_ Về những thử thách, cám dỗ.
07/03/2022nulasanvnNguyện Gẫm La San
Anh em có luôn nghĩ rằng, để hiến mình trọn vẹn cho Chúa thì anh em phải sẵn sàng chịu cám dỗ hay không? Khi thử thách xảy đến, anh em có cảm thấy bị bất ngờ không? Từ nay anh em phải luôn sẵn sàng đón nhận cám dỗ thử thách để có thể rút lấy hoa quả của nó, mà Chúa muốn nó mang lại cho anh em.
Bài Nguyện gẫm số 17
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
VỀ NHỮNG THỬ THÁCH - CÁM DÔ
“Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa,
để chịu quỷ cám dỗ”
(Mt 4:1)
Điểm 1. - Cám dỗ thử thách là điều không tránh được.
Bài Tin Mừng hôm nay lưu ý rằng “Đức Giêsu vào hoang địa” không phải để xa lánh người ta, hay để cầu nguyện, mà “để chịu cám dỗ”. Người làm như thế để chúng ta biết rằng bước đầu tiên khi người ta muốn dâng mình cho Thiên Chúa là phải rời bỏ thế gian và chuẩn bị chiến đấu chống lại nó và chống lại tất cả mọi kẻ thù của sự cứu rỗi chúng ta. Thánh Ambrôsiô nói: Chính trong sự tĩnh mịch mà người ta phải chờ đợi chịu sự cám dỗ và thử thách. Đây cũng là điều mà nhà Khôn ngoan cảnh báo anh em khi người nói rằng những ai “muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa thì phải chuẩn bị tâm hồn để đón chịu thử thách” (Hc 2:1). Quả thật, cám đỗ thử thách rất có ích lợi vì nó là một trong những phương tiện tốt nhất mà họ (những ai dấn thân phụng sự…) có thể tận dụng để hoàn toàn thoát khỏi tội lỗi và ham mê tội lỗi.
Anh em có luôn nghĩ rằng, để hiến mình trọn vẹn cho Chúa thì anh em phải sẵn sàng chịu cám dỗ hay không? Khi thử thách xảy đến, anh em có cảm thấy bị bất ngờ không? Từ nay anh em phải luôn sẵn sàng đón nhận cám dỗ thử thách để có thể rút lấy hoa quả của nó, mà Chúa muốn nó mang lại cho anh em.
Điểm II. - Cám dỗ thử thách thì liên lỉ.
Điều khiến cho một tâm hồn thực sự thuộc về Chúa phải luôn sẵn sàng chịu cám dỗ, đó là vì theo lời của ông Gióp, “cuộc sống con người là thời khổ dịch, hay là – theo bản Kinh Thánh Phổ thông – một cuộc chiến liên lỉ” (x. G 7:1). Vì thế tâm hồn nầy có thể kết luận rằng nếu Chúa muốn nó phải chịu cám dỗ nơi trần gian nầy, thì đó là vì nó phải luôn chiến đấu chống lại ma quỉ, chống lại các đam mê và khuynh hướng của nó. Những đối tượng vừa kể không ngừng khai chiến với nó bao lâu nó còn sống (trên đời nầy). Vì vậy mà thánh Hiêrônimô nói rằng tâm hồn chúng ta không thể nào không bị cám dỗ trong đời sống. Và nếu chính Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu chuộc chúng ta mà còn phải chịu cám dỗ, thì không một ai có thể hi vọng vượt qua biển trần gian đầy phong ba bão táp của cuộc đời, mà không phải chịu thao luyện bởi cám dỗ thử thách.
Anh em có luôn sẵn sàng chiến đấu chống lại ma quỉ, và chống lại bản thân anh em không? Từ lúc anh em rời bỏ thế gian anh em có luôn cảnh giác chống lại bản thân anh em cho đúng mức không? Anh em có quan tâm như anh em có bổn phận để chống lại ma quỉ và để không buông thả mình theo những thú vui của giác quan không? Anh em hãy tin chắc chắn rằng không cảm thấy bị cám dỗ thử thách là điều thật bất hạnh, bởi vì đây là dấu hiệu cho thấy người ta không hề quan tâm vượt lên chính mình, và dễ dàng để các dục vọng của mình thắng thế.
Điểm 3. - Thử thách cám dỗ là có lợi.
Thiên sứ đồng hành với Tôbia nói với cha của người thanh niên nầy rằng “vì nó đẹp lòng Thiên Chúa nên nó phải chịu thử thách” (x. Tb 12:13). Điều nầy phải làm cho anh em xác tín mạnh mẽ về sự cần thiết của thử thách ; vì chính nó sẽ đem lại cho anh em nhiều ơn Chúa. Vậy anh em đừng nghĩ rằng anh em bị Thiên Chúa bỏ rơi khi anh em bị cám dỗ thử thách. Trái lại đây là dấu hiệu rõ nhất cho biết Thiên Chúa đặc biệt chăm lo phần rỗi của anh em, tạo cơ hội cho anh em chiến đấu và thao luyện anh em thi hành nhân đức, và nhờ đó củng cố anh em. Bởi vì người ta dần dần hấp thụ được một nhân đức cao trọng khi người ta luôn kiên định và không lay chuyển trong việc làm điều thiện, bất chấp những thử thách cám dỗ tấn công mình.
Vậy anh em hãy xem như là điều bất hạnh khi không bị thử thách cám dỗ. Quả thật đó là dấu hiệu mình bị Thiên Chúa lên án và bỏ rơi, Người hay thử thách những kẻ mà Người yêu thương, và Người hài lòng khi thấy họ bị cám dỗ thử thách, giống như Gióp và Tôbia, là hai trong số những tôi tớ trung thành nhất của Người.
Bó hoa thiêng liêng: “Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người không để anh em bị thử thách quá mức.” (1Cr 10:13)