Bài Học Từ Lời Chúa_CN 25 A TN_Mt 21, 28- 32

29/09/2023Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Với hai hình ảnh của hai người con, dụ ngôn nhấn mạnh cho chúng ta sự tương phản giữa hành vi “tin” và “không tin”.

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 26 TNA

Mt 21:28-32
Đừng Sống Bằng Đầu Môi Chót Lưỡi,
Nhưng Hãy Sống Chân Thành [1]

Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi.
 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? "Họ trả lời: "Người thứ nhất."
(Mt 21:28-30)

 

Trong Tin Mừng Mt 21:28-32 tường thuật dụ ngôn về người cha sai hai người con đi làm, đứa bảo “không” thì lại đi làm; còn đứa thưa “vâng” lại không đi làm. Qua hình ảnh của người con thứ nhất đưa ra bài học về những nhịp của hành động hối hận – sửa mình. Và hình ảnh của người con thứ hai là bài học về sự tương phản giữa nói “có” trên môi và nói “không” trong hành động, giữa người thể hiện qua thực hành và kẻ chỉ khua môi múa mép. Với hai hình ảnh của hai người con, dụ ngôn nhấn mạnh cho chúng ta sự tương phản giữa hành vi “tin” và “không tin”.

“Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: "Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi(Mt 21:28-29). Nơi người con thứ nhất, Đức Giêsu chỉ ra cho chúng ta một con người “hoán cải” – “sửa đổi”. Lời Chúa dạy cho thấy rằng Thiên Chúa không bao giờ giam hãm con người trong quá khứ; Người không dán nhãn cho ai…, nhưng luôn cho họ có cơ may sửa đổi; Người luôn cho con người cơ hội để sửa mình và Người luôn vui mừng đón nhận hành vi hoán cải ấy.

Hình ảnh của người con thứ nhất trong dụ ngôn của Tin Mừng, cho ta bài học về những nhịp của hoán cải, sửa mình: Người con thứ nhất, do bởi có sẳn một dự tính sẳn của riêng mình nên đã không chấp nhận lời đề nghị của người cha mời gọi anh ta tham dự vào kế hoạch chung: “làm vườn nho”, phản ứng của anh ta thật là vô lễ, nhưng lại thẳng thắn khi thấy lời mời gọi không theo ý riêng của mình. Đó là nhịp thứ nhất - nhịp đưa đến sai lỗi.

Sau khi từ chối tham gia vào công việc chung, nhưng lời mời gọi của người cha vẫn còn vang vọng đâu đó trong lòng người con này, và trong thanh vắng của cõi lòng, lương tâm thúc giục anh so sánh lời mời gọi của người cha với dự tính riêng của anh. Bởi không cố chấp, anh để cho lời mời gọi của cha chất vấn và biện phân về thiệt - hơn, tốt - xấu giữa việc chung và ý riêng của mình. Đó là nhịp thứ hai – biết hối hận.

Hối hận giúp nhận ra sai trái của mình, người con thứ nhất đã can đảm vượt qua mặc cảm của bản thân, dám lấy quyết tâm sửa đổi. Quyết tâm của anh ta không dừng lại nơi ý chí, nơi môi miệng (như là con biết con sai rồi, lần sau con sẽ sửa đổi... nhưng rồi lại “vũ như cẩn”);  anh ta đưa quyết tâm đến một hành động: đi làm vườn nho cho cha. Đó là nhịp cuối cùng – hành động sửa sai.

“Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi(c.30). Người con thứ hai làm nổi bật sự tương phản của kẻ chỉ “tin” bằng môi miệng mà đức tin ấy không có hành động. “Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi.” Thiên Chúa không ưa thích những kẻ sống trên môi mép, đối với Thiên Chúa lời nói đẹp thôi chưa đủ, hành động mới đang kể. Một chỗ khác trong Tin Mừng Chúa Giêsu tuyên bố: "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. (Mt 7:21). Người thời nay cũng thích nhìn thấy chứng nhân hơn là nghe giảng thuyết, người ta nghi ngờ những kẻ “đại ngôn” và thán phục người làm việc hiệu quả. Với những kẻ nói nhiều, hứa lèo… có một câu nói thường được nhắc đến để cảnh giác mọi người:“đừng nghe những gì chúng nói, mà hãy nhìn kỹ những gì chúng làm.”

Cách sống của người con thứ và thực tế của cuộc sống thường ngày đã giúp tôi nhìn lại thật sâu con người mình, tôi cũng giống anh ta, “ngôn hành bất nhất”. Trong một lần gặp gỡ một người ngoại quốc đến từ nước Anh, cuộc trao đổi thân thiện và vui vẻ, bỗng người ấy mới nói với tôi rằng anh ta nghe nhiều người phương Tây đánh giá người Việt Nam là “say this, do that” (tạm dịch là “nói một đường làm một nẻo”); rồi hỏi tôi: Bạn thấy thế nào? Tôi rất ngượng…!!![2] Nhận định này nhắc tôi nhớ đến lại lời của thánh Gioan tông đồ: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3:18).

Điều tệ hại nhất chính là lòng tự mãn, luôn tự cho mình đúng, luôn thấy mình hay khi đánh lừa được người khác. Chân thật là một phẩm tính của Thiên Chúa, con người chúng ta được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Người, tức là chúng ta cũng được Thiên Chúa ban cho lòng chân thật. Chân thật là một đức tính của con người khiến người ấy “nghĩ sao thì nói vậy, và nói sao thì làm vậy.” Nhưng vì mang thân phận con người, ai trong chúng ta cũng có lúc nghĩ sai, nói dại và làm bậy…; vì thế mà cần xét mình, sám hối và đền tội như người con thứ nhất. Mỗi người chúng ta được mời gọi hàng ngày dành thời gian để xét mình về ngày sống… dành thời gian để lượng giá về một công việc… nhìn lại từ suy nghĩ, lời nói đến cử chỉ, hành động… nhận rõ những gì là sai trái, lệch lạc… và hối hận…

Hối hận là bởi vì có sai lỗi. Nhưng điều làm cho số phận của mỗi chúng ta khác nhau, cái làm cho chúng ta trở nên hoàn thiện khác nhau đó là hành vi hoán cải, sửa sai của mỗi người. Có người thì trơ trơ giữ lấy ý riêng, cách làm riêng nên chẳng bao giờ thay đổi. Có người thì nhận ra mình sai trái nhưng không biết dừng lại trong thinh lặng để suy nghĩ, lượng giá mức độ sai phạm, phân tích lỗi lầm, vì thế mà thôi chuyện đã qua rồi cứ để “mackeno”. Có người biện phân rõ các sai phạm và hậu quả của nó, nhưng chỉ là hứa suông cho qua việc, nên cũng chẳng có thay đổi chi. Chỉ có ai biết thực hiện hết các nhịp của sự hối hận: thẳng thắn và chân thành trước sự việc xảy ra – dành thời gian trong thinh lặng để biện phân vấn đề - đối diện với con người thật và tính ba lém của mình - quyết tâm sửa đổi – thể hiện bằng hành động, người ấy mới đạt tới được một sự biến cải cuộc sống… Và ngày qua ngày mỗi lần hối hận là một lần sửa đổi một khiếm khuyết của bản thân, người ấy ngày càng nên hoàn thiện hơn. Người ấy sẽ là niềm vui cho gia đình, cho cộng đoàn và chắc chắn Thiên Chúa cũng lấy làm vui sướng khi nhìn đến họ.

Lạy Chúa Giêsu, đức tin không có hành động là đức tin chết. Xin giúp chúng con biết dành thời gian nhìn lại chính mình từ ý nghĩ, lời nói, đến cách hành xử và can đảm sửa đổi đời sống theo lẽ công chính để sống đúng phẩm giá con người và con Chúa. Đừng lẻo mép, đừng khua môi bằng những tuyên bố trống rỗng, nhưng biết thể hiện cách sống bằng hành động cụ thể hàng ngày.

 

Hoa Hạ fsc

 

[1] Tham khảo bài Suy niêm Chúa nhật XXVI, năm A của Noel Quesson

[2] Tôi vội chữa lại rằng: “That is communist!” (lại dán nhãn rồi!!!)

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2023. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật