BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – TN 19A
Mt 14:22-33
Đức Tin Lội Ngược Dòng và Quyền Năng của Chúa
Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước. Chiếc thuyền đã xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió. Khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ôn hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ hãi la lên… (Mt 14:22.24-25)
Đoạn Tin Mừng 14:22-33 Mattheu giới thiệu về một Giáo Hội như con thuyền đang đi trên biển trần gian bị ngược gió và phải chèo chống khó khăn vì sóng gió thế tục, khiến đức tin của các môn đệ Chúa nao núng và sợ hãi đến độ họ không còn cảm nhận được Chúa đang hiện diện… mà tưởng là “Ma”
“Đức Giêsu bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước…” (c.22). Tai sao Chúa Giêsu bắt các môn đệ đi qua bờ bên kia trước? Tin Mừng cho thấy bối cảnh trước đó Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, điều này làm cho sự nhiệt tình đám đông bốc lên cao về sự xuất hiện của Đấng Mêsia của Israel và đám đông mơ hồ về một tiền đồ theo Chúa theo kiểu chính trị… giải phóng họ khỏi sự độ hộ của để quốc Rôma. Đức Giêsu biết điều đó, Ngài sợ các môn đệ sẽ dễ dàng buông mình theo sự cuồng nhiệt biểu dương của đám đông tôn ngài lên làm vua (đọc thêm Gioan 6:15). Nên Ngài bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, để các ông thoát khỏi những ảnh hưởng của các xu hướng thế tục. Người tín hữu Kitô (trong nhiều thành phần của Giáo Hội) cũng đang bị lôi cuốn bởi nhiều trào lưu chính trị, xã hội dấy lên trong thời điểm này… Lời Chúa mời gọi tôi hãy “đi qua bờ bên kia”, nghĩa là đừng chạy theo những trào lưu xã hội tục hóa, đừng thỏa hiệp với những quan điểm chính trị tìm những thành công tức thời và bắt Chúa phải làm phép lạ… Hãy xác định vai trò của tôn giáo đối với con người, phải chiến đấu chống lại các thứ chủ nghĩa quốc gia hay dân tộc về Đấng Giải Phóng (Messia). Hãy đi qua bờ bên kia… ở đó chúng ta – những tín hữu của Chúa nhận ra được thánh ý Chúa đối với chúng ta trong các vấn đề của xã hội.
“Chiếc thuyền đã xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh vì ngược gió.” (c.24). Việc qua bờ bên kia đòi chúng ta phải đi qua biển và ngược gió. Thánh sử Marco thì dùng hình ảnh “các môn đệ phải chèo chống vất vả” (Mc 6:48), còn thánh sử Mattheu thì dùng hình ảnh “bị sóng đánh vì ngược gió.” (c.14). Vào thời Giáo Hội sơ khai, cộng đoàn Kitô hữu trong thực tế chỉ như là chiếc thuyền mong manh giữa mặt biển trần gian đầy sóng gió của người ngoại giáo. Họ đi ngược lại với những trào lưu của người ngoại giáo thời bấy giờ…; vì thế họ phải vất vả chèo chống để gìn giữ sự tinh tuyền của đức tin và cơ cấu của Giáo Hội. Ngày hôm nay, chúng ta cũng đang bị những trào lưu chống phá đức tin và cơ cấu tổ chức của Giáo Hội, của Dòng tu, của cộng đoàn… Người đời không muốn chúng ta sống thánh thiện mà thích chúng ta sống sành điệu! Người đời không muốn chúng ta sống đơn giản để bảo vệ sự sống và thiên nhiên mà thích chúng ta tiêu xài, hưởng thụ. Người đời không muốn chúng ta sống quan tâm đến anh chị em, nhất là người nghèo, mà chỉ muốn chúng ta sống dửng dung, loại bỏ, từ việc ăn uống, đến việc sử dụng các vật dụng cho đến các tổ chức trong đời sống xã hội. Một giám đốc công ty hỏi tôi: Đâu là người nghèo mà Giáo Hội và Dòng của bạn quan tâm. Nếu ban quan tâm đến lớp người giàu có vật chất mà đang nghèo hiểu biết, nghèo nhân cách thì bạn sẽ làm cho xã hội mau tiến lên. Nhà dòng của bạn, Giáo Hội Công giáo mở trường dạy học cho lớp con nhà giàu, họ sẽ trở thành những người làm thay đổi xã hội… Còn người nghèo, bạn tốn công mất sức lắm mà khó để làm cho các em giỏi lên, trong khi đó, nếu bạn chỉ cần dùng tiền thu được của con nhà giàu mà giúp cho các trường vùng quê… như thế có phải được cả đôi điều không??? Đó là cám dỗ đi ngược lại với lời mời gọi của ĐGH Phanxico “Hãy Đi Ra Vùng Ngoại Biên”. Cám dỗ loại trừ các trẻ em và người nghèo tại các miền quê, tại các vùng sâu vùng xa – nghèo thực sự cả về vật chất và tinh thần. Lời Chúa hôm nay lại nhắc nhở tôi về hành trình qua bờ bên kia và bị “ngược gió” này.
Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!” và sợ hãi la lên… Thấy gió thổi thì ông đâm sợ và khi bắt đầu chìm, ông la lên…” (c.26.30) Cuộc sống người Kitô hữu đích thực ở mọi thời đều đi ngược với những trào lưu thế tục. Trong hành trình “ngược gió” làm con thuyền chao đảo, khiến chúng ta chóng mạt, buồn nôn, mệt mỏi, luống cuống để đối phó… Những điều ấy đôi khi làm chúng ta nao núng, sợ hãi đến mức đôi khi có cảm giác “bị chìm” – “chết đến nơi”. Chúng ta chèo thuyền ra khơi, nhưng không có quyền làm cho thời tiết tốt hay xấu; chúng ta cũng không có quyền ngăn không cho bão tố xảy ra… khi đi biển… Giữa biển đời tại mỗi nơi mà Chúa cho chúng ta sinh ra và lớn lên, tại những nơi Chúa gửi chúng ta đến để phục vụ, chúng ta cũng thấy mình mong manh… Thế rồi, đất nước chúng ta do một đảng phái cầm quyền chống lại đức tin Kitô giáo, nhà cầm quyền đưa ra những chính sách hạn chế hoạt động tôn giáo, bách hại đức tin… bằng nhiều cách thức đánh vào Giáo Hội, đánh vào đức tin của mỗi chúng ta, như gió ngược chiều thổi vào con thuyền đi giữa biển đang bị ngược gió, lúc mạnh, lúc nhẹ, lúc như xoáy lốc kèm theo những con sóng hay cột nước dữ dội… Và chúng ta bị nỗi sợ hãi xâm chiếm… đến độ, ta có thể nghi ngờ và tưởng Chúa là “ma” khiến chúng ta lầm tưởng thánh ý Chúa là ý của thế gian và ý thế gian là ý Chúa.
Ông Phêrô – được trình bày như là đại diện cho các môn đệ trên thuyền đã xin: “Nếu quả là Ngài xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài” (c. 28) và ông đã bước ra khỏi thuyền – đương đầu với sóng gió để bước đi trên biển. Nhưng“Thấy gió thổi thì ông đâm sợ và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài xin cứu con với!” (c.30). Đức tin đang đứng trước những thử thách, đức tin bị đặt vào trong một bối cảnh cuộc sống bi đát… như Phêrô, chúng ta cũng cảm thấy hụt chân, thấy không an toàn khiến ta hồ nghi và sợ hãi. Giữa bão tố và ngược gió, đức tin của chúng ta được thẩm định và thực hành. Chính lúc này, Phêrô lên tiếng kêu “Thưa Ngài xin cứu con với!” (c.30). Giữa lúc hoài nghi, sợ hãi trước thế lực sự dữ, Chúa cần chúng ta cầu nguyện; Chúa cần chúng ta nhận ra Chúa đang hiện diện và đang ngỏ lời với chúng ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ.” (c. 27); cũng như nắm lấy tay ta và Thầy-trò lên thuyền thì biển yên lặng.
Đức tin không phải là một cái gì có sẳn, có được một lần là xong. Đức tin là một “sự sống” đang triển nở hay suy thoái, giống như sức khỏe của thân xác luôn cần được chăm sóc, nuôi dưỡng; đức tin gia tăng hay suy giảm tùy vào tương quan giữa mỗi chúng ta với “Đấng Vắng Mặt”. Chúa Giêsu chấp nhận sự yếu đuối của đức tin của chúng ta, và Ngài luôn mời gọi chúng ta hãy nhìn lên Ngài và năng kêu cầu Ngài để đức tin ta được chỉnh đốn, để ta nhận ra Ngài đang ở với ta, đến với ta nói với ta “Thầy đây, đừng sợ” đưa bàn tay của Ngài để nắm lấy tay ta và đưa ta vào trong thuyền – là Giáo Hội. Thánh Phêrô kinh nghiệm điều này, và trong cuộc đời rao giảng, thánh nhân cũng đã khuyên: “Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.” (1P 5:9)
Quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua đức tin và lời cầu nguyện của chúng ta. Thiên Chúa chỉ cứu nhân loại/dân tộc/cộng đoàn/gia đình của chúng ta khi chúng ta tin tưởng Ngài đang ở bên ta và kêu cầu Ngài, đưa tay ra để Chúa nắm lấy và đưa ta “lên thuyền” và gió sẽ lăng. Lời mời gọi này đặc biệt với những người lãnh đạo. Bao lâu người lãnh đạo biết tin tưởng vào Chúa, biết đến với Chúa, kêu cầu Chúa. Chúa Giêsu sẽ nắm lấy tay người ấy để “lên thuyền” và cứu “chiếc thuyền” thoát khỏi cơn nguy biến.
Lạy Chúa, xin cho con dám lội ngược dòng để tìm đến bờ sự thật và sự thiện. Trong cơn bão tố cuộc đời, xin cho con nhân ra Chúa hiện diện ở đó và biết mở miệng cầu xin, biết đưa tay ra cho Chúa nắm lấy. Và con sẽ không còn sợ hãi.
Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, FSC