Giây phút cầu nguyện trước hết là tin rằng ta đang hiện diện ở trước mặt Thiên Chúa, chiêm ngắm vinh quang của Ngài, nghe thấy Ngài trò chuyện để tìm thấy sức mạnh, hầu hoán cải và canh tân đời mình.
BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – LỄ HIỂN DUNG 06-08
Mc 9:2-9
Kinh Nghiệm Biến Cố Hiển Dung
Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình.
Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi,
tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.
(Mc 9:2-3)
Chiêm ngưỡng biến cố Hiển Dung cùng với ba môn đệ trên núi Tabor gợi lên cho tôi hai nỗ lực về cầu nguyện từ kinh nghiệm Hiển Dung mà người Kitô hữu cần phải có, đó là cần ra khỏi những công việc thường ngày và biết làm cho lòng mình ra trống không.
“Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.” Tin Mừng thuật ba môn đệ của Chúa, được Người “đưa đi riêng ra một nơi”, “chỉ một mình các ông” với Chúa thôi, một nơi đặc biệt, một nơi được chuẩn bị, đó là lên “một ngọn núi cao”. Ngọn núi tượng trưng cho một cái gì siêu thoát, cao hơn, thanh thoát hơn, không vướng bụi trần và những cái hơi thở, những tà khí của trần tục. “Ngọn núi cao” ấy có thể là nhà nguyện, nhà thờ, đó là thời khắc lặng lẽ quây quần trước bàn thờ gia đình để đọc kinh hoặc suy niệm Lời Chúa... Cầu nguyện vào một lúc nào đó, vào một nơi nào đó thích hợp, và cầu nguyện chính là cái nỗ lực tập trung ở trước thánh nhan Chúa. Cầu nguyện đòi phải nỗ lực ra khỏi những công việc thường ngày, phải thoát ra những bận bịu thường nhật, phải tránh ra khỏi những điều gọi là bận tâm, những ưu tư lo lắng, cả những chuyện buồn lẫn chuyện vui. Giây phút cầu nguyện trước hết là tin rằng ta đang hiện diện ở trước mặt Thiên Chúa, chiêm ngắm vinh quang của Ngài, nghe thấy Ngài trò chuyện (qua lời Kinh nguyện hoặc Kinh Thánh) để tìm thấy sức mạnh, hầu hoán cải và canh tân đời mình. Thánh Eymard có lời nguyện mỗi khi đến với Chúa như sau:
Con chắp đôi bàn tay khẩn khoản nài xin Ngài giúp đỡ con, lạy Chúa...
cho con được thảnh thơi, cho con được yên tĩnh, nghỉ ngơi, nhẹ nhàng,
cho con được bình an, can đảm và được tha thứ...
... Con muốn đặt mình con trong Ngài, chỉ nghĩ về một mình Ngài,
không yêu bất cứ ai ngoại trừ Ngài,
để giữ trí khôn và cả cảm nghĩ của con trong thinh lặng,
để không quan tâm lo lắng về bất cứ điều gì,
về những hối hả ngược xuôi, về những ồn ào vội vã của thế giới bên ngoài trong giờ phút này,gần hay xa, quan trọng hay tầm thường.
Mỗi khi vào giờ cầu nguyện, xin cho con mặc lấy tâm tình của vị thánh yêu mến Thánh Thể, để chỉ nơi ấy, một mình con với Chúa, con cảm nhận sự hiển dung của Ngài để chiêm ngắm Ngài và được “đàm đạo” với Ngài, chỉ một mình con với Ngài.
“Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.” (c.6) Trước vinh quang của Thiên Chúa con người nhận ra được mình không là gì, chỉ là một tạo vật bất xứng. Trước nhan Thiên Chúa, con người cũng nhận ra được tình thương bao la vô biên của Thiên Chúa, dù ta bất xứng, Ngài chấp nhận ta ở trước nhan Ngài, chấp nhận ta là một tạo vật của Ngài cả cái tốt lẫn cái xấu; Ngài chấp nhận ta với tất cả quá khứ, hiện tại với tương lai của mình. Chính khi nhận ra điều ấy, ta cảm nhận một nỗi kinh hoàng, một sự sợ hãi chiếm lấy ta, các thánh gọi đó là sự sợ hãi thánh thiện, sự sợ hãi có sức cứu độ, nó nhắc nhở ta nhận chân được sự toàn thánh, toàn thiện của Thiên Chúa và nhận ra tiếng gọi thúc bách gia tăng thêm tình yêu và niềm tin vào Chúa Giêsu để khỏi hoang mang khi đối mặt với những thập giá thường ngày. Và từ đó trong tâm hồn chúng ta tìm được một sự bình an, một tâm trạng thanh nhàn thư thái. Cầu nguyện với một nỗ lực buông bỏ chính “cái tôi”, làm cho lòng mình ra trống không để tập trung vào việc nhận ra vinh quang của Thiên Chúa, chính khi ấy, Thiên Chúa sẽ chiếm ngự, lấp đầy với bình an và hoan lạc.
Lạy Chúa Giêsu, kinh nghiệm biến cố Hiển dung là một bài học cho con về sự cầu nguyện. Để cầu nguyện, Chúa dạy con phải ý thức sự hiện diện của Chúa một cách mãnh liệt trong đời con, đừng để bất cứ sự gì chiếm chỗ của Chúa trong con, nhất là vào những giờ kinh nguyện. Và khi con khao khát sự hiện diện của Chúa một cách không một tính toán, không hề kể công, hãnh diện vì nhận ra con đang ở trước nhan Thiên Chúa, kể cả lúc con thấy mình yếu đuối nhất, tội lỗi nhất, con sẽ cảm nghiệm được Chúa vinh quang và tình yêu của Chúa đang bao bọc con và con tìm được sự ủi an, sự yên tĩnh, nghỉ ngơi, và nhẹ nhàng.
Sư Huynh Lê Văn Phượng, fsc