Bài học từ Lời Chúa_Chúa Nhật XXV Thường Niên_Mc 9:37-42

23/09/2021SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Để không nên cớ vấp phạm cho những kẻ bé mọn, Lời Chúa dạy mỗi chúng ta phải biết loại trừ những cớ gây gương mù gương xấu.

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA –38 26TNB

Mc 9:37-42

Thái Độ Của Người Phục Vụ Vì Chúa

“Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Mc 9:39b-40)

 

Đọc Tin Mừng Marco 9:38-42, Lời Chúa dạy cho tôi những bài học về thái độ của người phục vụ vì Chúa: không ghen tuông đố kỵ (c.38-40); làm vì Chúa, nhân danh Chúa (c.41); và lời răn đe đối với những người đi phục vụ (c.42tt)

“Đừng ngăn cản người ta... Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (c.39-40). Các môn đệ, qua lời của Gioan, xin Đức Giêsu ngăn cản những người không cùng nhóm với các ông, nhưng đang nhân danh Ngài để trừ quỷ (c.38); đó là thái độ hiếu chiến khởi đi từ lòng ghen tỵ. Thái độ này có trong mọi thời với mọi người, trong sách Dân Số (bài đọc I) ghi lại lời của Môsê khi nghe Giôsuê, môn đệ thân tín, đề nghị ông ngăn cản hai kỳ mục là Mêđat và Endat đã không đến Lều như các kỳ mục khác theo lời yêu cầu của ông Môsê, nhưng hai ông vẫn nhận được Thần Khí và phát ngôn trong trại. Ông Môsê nói: “Anh ghen giùm tôi à? Ước chi Thần Khí được ban trên toàn dân để họ đều là ngôn sứ.” (Ds 11:29). Trong trường hợp của Gioan mong muốn ngăn chặn những người không phải là môn đệ của Đức Giêsu đang nhân danh Ngài mà trừ quỷ; Ngài đã cho các ông một lời khuyên rất có tình có lý: “Không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (c.39b-40)

Trong đời sống thường ngày, ta ghen tỵ với người anh em có khả năng làm điều này điều kia hơn ta, ta tìm cách hạ thấp giá trị của họ; ta ghen tỵ với người anh em vì họ được ban cho trí thông minh để học hiểu nhiều hơn ta, ta cố moi móc điều này điều kia để xem thường họ; ta ghen tỵ với người anh em khi họ được những điều kiện, có những phương tiện thuận lợi hơn ta, ta tìm cách phá hỏng công việc của họ... Trong hoạt động tông đồ hay công tác xã hội, tính ghen tỵ khiến ta chống lại những hoạt động của người khác bằng nhiều cách thức: lôi bè kết cánh, tung tin đặt điều, lợi dụng thân thế quyền hành để ngăn cản không cho hoạt động...Tất cả là để nhằm hạ giá kẻ khác để tâng mình lên. Tính ghen tỵ làm cho ta trở nên đố kỵ với những ai có được một ân huệ nào đó hơn ta. Mỗi khi lòng ta dậy sóng ghen tuông đố kỵ, trở nên hiếu chiến đối với người anh chị em. Hãy nhớ lại lời của Môsê và của Chúa Giêsu. Hãy cùng họ tạ ơn Chúa ta sẽ loại trừ được những thái độ ghen tỵ và hành vi hiếu chiến.

“Ai cho anh em một chén nước lã vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, người đó sẽ không mất phần thưởng.” (c.41). Để có thể loại trừ thái độ ghen tỵ, hiếu chiến, Chúa Giêsu mời các môn đệ hãy có cung cách phục vụ của người theo Chúa đó là “làm nhân danh Chúa”. Những người không cùng nhóm môn đệ họ đã trừ quỷ nhân danh Chúa Giêsu (c.38). Việc mà tôi gọi là tông đồ thì không còn là việc tông đồ vì nó không được làm nhân danh Chúa (ngang qua các Giáo Hội và các Đấng bề trên có thẩm quyền). Cung cách làm việc thiện, việc nghĩa mà Chúa Giêsu ủng hộ là “nhân danh Thầy mà là phép lạ”(c.39). Bất cứ việc gì ta làm được gọi là nhân danh Chúa, thì kết quả của nó là để biểu lộ tình yêu Chúa và kiến tạo được sự hiệp nhất trong cộng đoàn đức tin. Hoạt động nào, dù là từ thiện, mà không biểu lộ tình yêu Chúa, không đem lại hiệp nhất cộng đoàn. Hãy coi chừng! Những người ấy đang làm nhân danh một ai khác... hoặc họ là kẻ giả danh...! Có những người rơi vào thái độ cực đoan, làm việc nhân danh mình, nhân danh quan điểm chính trị hay trường phái mà lấy danh Chúa để lôi kéo người này hay người kia, và khi có ai đó không thuận theo họ, họ lại đả kích, khích báng...!!!

"Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.” (c.42). Nhờ hiệu quả của các việc tông đồ mà ta làm nhân danh Chúa, ta lôi kéo được nhiều người về với Chúa, hay ta trả lại nhân phẩm cho nhiều người bị xã hội chà đạp... Thế nhưng, Lời Chúa cũng răn đe chúng ta, kẻ nào làm cớ vấp phạm cho những kẻ bé mọn ấy, khiến nó bị sa ngã, hình phạt cho kẻ gây gương mù gương xấu quả là lớn: cột cối đá vào cổ mà quăng xuống biển (c.42). Lời răn đe này nhắc nhở các bậc cha mẹ, thầy cô giáo, người lãnh đạo lưu ý đến cách ăn nói, cách cư xử để không thành cớ cho người thuộc quyền hay anh chị em mình vấp phạm; hoặc nhắc nhở mọi Kitô hữu về cách hành xử trong cộng đoàn sao cho không làm người khác mất tinh thần, gây thất vọng và buông xuôi đến độ đẩy họ đến việc chọn lấy một cách sống không phù hợp với Tin Mừng.

“Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi.” (c.47). Để không nên cớ vấp phạm cho những kẻ bé mọn, Lời Chúa dạy mỗi chúng ta phải biết loại trừ những cớ gây gương mù gương xấu. Cách nói: “tay phạm tội, chặt tay... chân phạm tội, chặt chân... mắt phạm tội, móc mắt...” Suy niệm về lời này tôi nhớ đến lời dạy của các thánh: cám dỗ như khách vãng lai đến gõ cửa nhà bạn, nếu bạn mở cửa mời nó vào thì nó sẽ ở lại... đôi khi đuổi không ra. Tay, chân, mắt... là những cánh cửa để cám dỗ đi vào tâm hồn ta, trong Lời Chúa dạy, chúng ta cần hiểu khi cơn cám dỗ đến thì thông qua các cơ quan trên thân thể, ta hãy mau kíp “chặt” nó đi, đừng để tay, chân hay mắt, miệng “chạm” đến nó. Đó là một sự tự chế, là cách để tránh gây nên gương mù gương xấu.

Lạy Chúa, xin giữ con khỏi những ghen ty, đố kỵ; chữa con khỏi những dối trá, mưu mẹo và tính hiếu chiến gây hấn chống lại anh em, để trong những dấn thân hoạt động tông đồ con biết sống và làm việc nhân danh Chúa, kiện toàn và xây dựng cộng đoàn Giáo Hội, đồng thời mưu ích cho các linh hồn.

 

SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSC

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2025. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật