Bài học từ Lời Chúa_Chúa Nhật XXIX Thường Niên_Mc 10:35-45

14/10/2021SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Quyền bính của xã hội mới trong Giêsu phải là một quyền bính nhằm mưu ích cho anh chị em, cho công cuộc của Nước Chúa

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 42
Mc 10:35-45 (29TN – B)
Quyền Bính Là Để Phục Vụ

“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (Mc 10:45)

Tin Mừng theo thánh Marco 10:35-45 tường thuật việc hai ông Giacôbê và Gioan xin được chia quyền lực khi Thầy đạt tới vinh quang và Đức Giêsu đã dạy các môn đệ bài học về sự phục vụ của người nắm quyền bính.

“Thưa Thầy,... xin cho hai anh em chúng con, một người ngồi bên hữu và một người ngồi bên tả Thầy khi Thầy được vinh quang” (c 37). Lời này cho thấy hai ông Giacôbê và Gioan khao khát có một quyền lực, nó cũng như là một động lực của việc các ông theo Thầy Giêsu. Chúa quở trách một cách nhẹ nhàng rằng “các anh không biết các anh xin điều gì?” Tại sao vậy? Bởi vì hai vị tông đồ này mơ ước có quyền lực để thống trị, một tham muốn quy về chính mình. Không kém gì thái độ của hai vị này, mười người kia cũng muốn lấy cái tôi làm trung tâm nên đã tức tối với hai ông (c 41). Chúa Giêsu đã giải thích, “những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai trị dân.” (c.42). Đó là quyền lực để thống trị; đó là tham vọng của bao nhiêu người từ xưa tới nay khi đi vào một con đường tiến thân. Đó là một quyền lực muốn gây ảnh hưởng rộng lớn trên người khác để tìm vinh danh và mưu ích riêng cho bản thân. Đó là một thứ quyền lực luôn tức tối trước vị thế của người khác. Đó là một quyền lực mang tính cưỡng chế, thống trị hoặc lạm dụng. Chuyện dân gian Việt Nam kể về người kia khi vừa được làm quan thì liền may hai cái áo, một cái tà trước ngắn hơn tà sau để đi chầu vua (khom lưng, cúi đầu hai tà sẽ bằng nhau), còn một cái thì tà sau ngắn hơn tà trước để đi đến với dân chúng (mặt vênh váo, vễnh ngược lên trời và tà áo phía sau sẽ bằng phía trước). Khao khát quyền lực chưa phải là điều xấu; nhưng tìm mọi cách để có quyền lực và khi nắm quyền thì tìm mọi cách để thống trị, để vinh thân phì gia, để bắt người khác phục vụ. Đó mới là nguy hiểm.

“Giữa anh em thì không được nhự vậy: ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ anh em;[...]” (c 43). Chúa Giêsu muốn xác định lại bản chất và sự thi hành quyền bính đối với những môn đệ của Ngài. Quyền bính của xã hội mới trong Giêsu được biến đổi từ thống trị sang phục vụ. Quyền bính của xã hội mới trong Giêsu phải là một quyền bính nhằm mưu ích cho anh chị em, cho công cuộc của Nước Chúa; một quyền bính không nghĩ đến bản thân mà là phục vụ kẻ khác trong khiêm tốn và ngay cả phải “hiến mạng sống mình” để nâng người khác lên. Đó là một sự thực thi quyền bính trong tự hạ và tự huỷ. Đức Giêsu đã thực thi quyền bính trong cách này. Ngài đã tự hạ trong thân phận con người, Ngài đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

Vậy đâu là mục đích cụ thể của việc phục vụ? Tác giả quyển “Lãnh Đạo Vì Sứ Vụ”[1] đã chia sẻ ba mục đích cụ thể: (1) quyền bính là để phục vụ việc dạy dỗ; (2) quyền bính là để phục vụ cho sự hiệp thông; (3) quyền bính là để phục vụ cho công cuộc. Là cha mẹ, dùng quyền bính để dạy dỗ con cái, để xây dựng một gia đình yêu thương hạnh phúc và tổ chức đời sống sao cho gia đình và cho cái có được một cuộc sống tốt đẹp, bình an. Là lãnh đạo tổ chức xã hội, dùng quyền bính để hướng dẫn dân chúng thực hiện đúng luật pháp và quyền công dân, để kiến tạo một tình quê hương, tình dân tộc và nhằm cho sự phát triển của đất nước và quê nhà. Là lãnh đạo của một tổ chức tôn giáo, dùng quyền bính để hướng dẫn tâm linh, giúp các thành viên trong cộng đoàn lớn lên trong đời sống thiêng liêng, để linh hoạt và kiến tạo tình hiệp thông huynh đệ trong cộng đoàn, dẫn dắt mọi người đạt tới tình yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhau, để làm cho công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu được hiện tại hoá trong sự chữa lành và cứu chuộc những thương tích của nhân loại theo đoàn sủng của mỗi cộng đoàn đã được ban cho: chữa lành và cứu chuộc qua việc giáo dục, hoặc chữa lành và cứu chuộc qua chăm sóc y tế, hoặc chữa lành và cứu chuộc qua việc cử hành bí tích để ban phát ân sủng...

“Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." (c.45). Đức Giáo Hoàng Phanxicô suy tư về quyền bính theo gương Chúa Giêsu Mục Tử đã phát biểu: người nắm quyền bính phải là người Mục tử đi trước để dẫn dắt đàn chiên bằng những hướng dẫn, những soi sáng; người nắm quyền bính phải là người Mục Tử đi ở giữa để nâng đỡ đàn chiên bằng sự hiểu biết, quan tâm và chăm sóc đến từng con chiên; người nắm quyền bính phải là người Mục Tử đi sau cùng để bảo vệ đàn chiên không để chiên bị rơi rớt, thụt lùi, tản lạc bằng sự khôn ngoan, can đảm nhưng lại rất dịu dàng trước những tình huống xảy đến cho từng con chiên.

Nguyện xin Chúa Giêsu cho mỗi người chúng con, trong từng cương vị và trách nhiệm của mình biết theo gương Ngài, Vị Thầy Chí Thánh, luôn ở giữa anh chị em như một người phục vụ, để bất cứ một ai khi thi hành quyền bính luôn mang cùng một bản chất là phục vụ và cùng một mục đích là để cứu chuộc muôn người và đem lại sự hiệp nhất yêu thương trong cộng đoàn. Như thế là chúng con đang làm những chứng nhân loan báo Tin Mừng tình thương không chỉ qua lời nói mà còn bằng chính hành động của chúng con.

 

                                                                 SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSC
 

 

[1] Lm Quirico T. Pedregosa, Jr. OP (2012). Lãnh Đạo Vì Sứ Vụ ( Leadership for Mission). Bản tiếng Việt do Nt Anna Nguyễn Thị Ngọc Diệp (OP) chuyển ngữ. NXB Tôn giáo, Hà Nội 2012.

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2025. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật