Bài Học từ Lời Chúa _ Chúa Nhật V (B) Phục Sinh _ Ga 15:1-8

25/04/2024SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Sự cắt tỉa không chỉ đơn thuần là loại bỏ những thói hư tật xấu không phù hợp với ơn gọi hay bậc sống. Sự cắt tỉa còn là những đòi hỏi phải thay đổi quan điểm về cách làm việc lành, làm việc tông đồ, cách đối xử đôi khi rất nhân bản, rất hợp lý theo cái nhìn đời thường nhưng lại không đúng theo đòi hỏi của mỗi ơn gọi, của bậc sống hay chức vụ được lãnh nhận khác nhau.

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 5PSB

Ga 15:1-8
Cắt Tỉa Để Sinh Nhiều Hoa Trái

“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.
Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi;
còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.”
(Ga 15:1-2)

Tin mừng Gioan 15:1-8 trình bày cho chúng ta về Cây Nho Thật là chính Đức Giêsu và Chúa Cha là người trồng nho. Đây là bài học về sự sống trong Chúa Giêsu. Lời Chúa cho thấy có hai loại người kết hợp với Đức Giêsu, ở lại trong Chúa, loại người như cành nho gắn liền với thân nho mà không sinh trái thì Người chặt đi; ai kết hợp với Đức Giêsu như cành nho gắn liền với thân nho mà sinh trái thì Người cắt tỉa để nó sinh nhiều hoa trái hơn (Ga 15:1-2).

“Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” (c.2). Nếu ai đã đến hoặc ở tại một xứ sở trồng nho hẳn có kinh nghiệm về việc cắt tỉa của chủ vườn nho và sẽ cảm nghiệm được ý nghĩa câu Tin Mừng này. Cứ mỗi độ đến mùa, chủ vườn cắt tỉa cành nho một cách “không thương tiếc”, có những cành sum suê cành lá nhưng chủ biết rằng nó không sinh hoa trái thì ông ta chặt bỏ, còn những cành có thể sinh trái thì họ cắt tỉa cũng đến trơ trụi. Nhìn vườn nho sau khi bị cắt tỉa, tưởng như không còn sức sống, vì nó chỉ còn thân và cành trơ trụi, không có một chút màu xanh nào, nhựa cây ứa chảy ra từ chỗ cắt bỏ cho tôi cảm giác cây nho thật đau đớn và tự hỏi đâu là lợi ích mà nó phải trả giá. Chỉ vài tuần sau, từ những cành trơ trụi ấy, những chồi non vươn ra xanh non và trổ hoa và sinh trái. Vườn nho không chỉ có màu xanh tươi của lá mà còn trĩu nặng những chùm nho mọng nước. “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.” Chúa Giêsu đã gắn kết sự cắt tỉa các cành nho như sự thanh luyện của Chúa Cha đối với các môn đệ của Chúa Giêsu để sự gắn kết của các môn đệ vào chính Ngài như cành nho gắn kết với thân nho sẽ tiếp nhận được nhiều sức sống từ nơi Ngài hầu sinh ra nhiều hoa trái thiêng liêng trong đời sống, “cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (c.4)

Như những cành nho có khả năng sinh hoa trái cần được cắt tỉa, Thiên Chúa cũng “cắt tỉa” những ai Người thấy có khả năng sinh nhiều việc lành phúc đức và hoa trái cứu độ. Sự cắt tỉa không chỉ đơn thuần là loại bỏ những thói hư tật xấu không phù hợp với ơn gọi hay bậc sống. Sự cắt tỉa còn là những đòi hỏi phải thay đổi quan điểm về cách làm việc lành, làm việc tông đồ, cách đối xử đôi khi rất nhân bản, rất hợp lý theo cái nhìn đời thường nhưng lại không đúng theo đòi hỏi của mỗi ơn gọi, của bậc sống hay chức vụ được lãnh nhận khác nhau. Khi gắn bó Chúa Giêsu, các môn để được mời gọi bỏ nghề cũ, các ông có được một đời sống mới, thành những kẻ lưới người như lưới cá. Chúa mời các ông bỏ cha mẹ vợ con anh em bạn bè, sự cắt tỉa khiến họ cảm thấy đến trơ trụi và có lần Phêrô đã hỏi Chúa: "Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!" Chúa nói: "Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.” (Mc 10:28-30). Và qua các môn đệ, Giáo Hội là gia đình mới được thành lập, sách Công vụ Tông đồ mô tả họ hợp nhất với nhau, được mọi người thương mến (Cv 2:42-47), cho đến hôm nay đông như sao trên trời, như cát bãi biển.

Và Thiên Chúa cũng “cắt tỉa” chính Con Yêu Dấu của Người đến trơ trụi, đến nỗi chẳng còn hình dạng người ta nữa. Chính Đức Giêsu trên thập giá, trong dáng vẻ của cây nho bị cắt tỉa trơ trụi đã thốt lên cùng Chúa Cha: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? " (Mt 27:46). Nhưng chính trong giờ ấy, giờ hoa trái cứu độ được nảy sinh cho nhân loại được cứu sống.

“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (c.5). Ở lại trong Chúa Giêsu không có nghĩa là để thân xác ở với Ngài mà là hiểu biết Ngài, có quan hệ mật thiết với Ngài. Sự hiệp nhất yêu thương giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu là mẫu gương cho quan hệ giữa người môn đệ của Chúa Giêsu với Ngài.[1]

Người Kitô hữu được mời gọi ở lại trong Đức Giêsu Kitô qua việc  sống trọn bốn chiều kích của đức tin: (1) Hiểu biết, tuyên xưng niềm tin vào Đấng Phục Sinh; (2) tham dự vào sinh hoạt của Giáo Hội qua các nghi thức và cử hành phụng vụ; (3) Dấn thân phục vụ tha nhân bằng tình yêu như Chúa Giêsu đã yêu; (4) Kinh nghiệm về Thiên Chúa qua việc cầu nguyện và sống mới tương quan biệt vị giữa người Kitô hữu với Chúa Kitô và Thiên Chúa. Như vậy Kitô giáo là một tôn giáo sống tinh thần yêu thương phục vụ. Kitô giáo không phải là một tôn giáo dành cho kẻ sống ích kỷ. Kẻ khoác lác, lười biếng, sống dựa dẫm, tìm sự yên thân thì không xứng đáng là Kitô hữu. Đời tu không có chỗ cho kẻ muốn tìm cơ hội để tiến thân, trốn chạy cuộc đời hay thất tình. Những ai tìm một cuộc sống như thế trong đời tu nói riêng, trong đời sống Kitô hữu nói chung, ắt hẳn Thiên Chúa sẽ loại bỏ kẻ ấy ra ngoài.

Lạy Chúa Giêsu, mỗi kinh nghiệm đau thương hay thử thách trong bước đường theo Chúa là một cơ hội Chúa dùng để thanh luyện chúng con, làm cho chúng con ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, xứng đáng để trở thành môn đệ của Chúa (Ga 15:8), ở lại trong Ngài và sinh nhiều hoa trái.” (Ga 15:5). Xin ban ơn giúp chúng con vững bước theo Ngài, ở lại trong Ngài, đừng sờn lòng nản chí; và trong từng ngày sống xin cho chúng con biết để cho Chúa thanh luyện ngang qua những đau khổ thử thách, ngang qua những hy sinh và các việc lành khi phục vụ anh chị em bằng tình yêu mà Chúa đã yêu thương chúng con; và cuộc đời chúng con sẽ trổ sinh hoa trái là sự công chính. Vì chúng con tin rằng: Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của chúng con.

 

Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc

 

[1] A Meditation of Thursday of the Fifth Week of Easter. 366 Days with the Lord, 2012. Publicshed in 2011 by St Pauls. Makati City, Philippines.

 

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2024. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật