Bài học từ Lời Chúa_Chúa Nhật III Thường Niên_Năm C_Lc 1:1-4; 4:14-21

19/01/2022nulasanvnSuy niệm Chúa Nhật
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Vua Hòa Bình, là Hoàng Tử Bình An, xin giải phóng chúng con khỏi những nô lệ của dục vọng, của tham lam, của sự kiêu ngạo; xin Chúa dùng Lời chân lý của Ngài chữa lành chúng con và dạy cho chúng con biết biết tha thứ như Chúa vẫn hằng tha thứ cho chúng con, vì tha thứ là lời cao cả nhất để đem lại bình an, để công bố rằng Nước Chúa hiển trị và ý Chúa đang thể hiện;

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – TNC 3

Lc 1:1-4; 4:14-21

Được Xức Dầu Để Loan Báo Tin Mừng

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó...” (Lc 4:18tt)

 

Phụng vụ của Giáo Hội cố ý chọn đoạn Tin Mừng hôm nay với phần giới thiệu về chân lý đức tin (Lc 1:1-4), chân lý ấy chính là Đức Giêsu Kitô – Lời đã được các tiên tri loan báo, Ngài là Đấng được Thánh Thần xức dầu và sai đi loan báo Tin Mừng (Lc 4:14-21)

“Sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận.” (Lc 1:3) Ngay chương đầu của Tin Mừng, thánh Luca giới thiệu như một người có trách nhiệm truyền đạt lại các chứng tá và lời rao giảng của các tông đồ (truyền thống), với lời này, Thánh sử Luca minh chứng Tin Mừng không phải là điều chi hư cấu, nhưng đây là những giáo huấn thật vững chắc. Ta có thể nhận ra thánh sử Luca khi viết “bài tường thuật” cho ngài Thêophilê đã “cẩn thận tra cứu” để làm cho đức tin của người đọc được vững chắc, thái độ này không chỉ đơn thuần là một thái độ làm việc theo lý trí của người nghiên cứu, nhưng còn là một thái độ mở lòng để cho Thánh Thần tác động và dựa vào truyền thống đức tin do những người phục vụ Lời Chúa (các tông đồ) đã truyền lại. Đây là một thái độ cần thiết của những ai được kêu gọi để loan báo Tin Mừng; tôi có ý thức mình là một mắt xích giữa các thế hệ những người loan truyền đức tin Kitô, và lời loan báo của tôi có là một lời tuyên xưng đức tin – “kéryma” của Giáo Hội theo truyền thống đức tin của các tông đồ?

“Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó...” (c. 18) Đức Giêsu đã lấy lại lời tiên tri đã loan báo để mặc khải Ngài chính là Lời chân lý, là Đấng được Thánh Thần xức dầu, nơi Ngài sự viên mãn của thần tính hiện diện cách cụ thể (Cl 2:9). Nơi Đức Giêsu, chúng ta hiểu một cách rõ ràng nhất vai trò và nhiệm vụ của những kẻ được Thánh Thần xức dầu. Ngài loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn, Ngài công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, Ngài cho người mù biết họ được sáng mắt, Ngài trả lại tự do cho người bị áp bức, và công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc 4:18b-19); Ngài thi hành ý muốn của Cha và để cho ý Cha được thể hiện (Mt 6:9-10); Ngài đến và hành động để Danh Chúa Cha được tôn vinh (Ga 12:27). Lời Chúa mời gọi tôi nhìn lại hành trình theo Chúa, làm môn đệ Chúa trong ơn gọi Kitô hữu, trong ơn gọi thánh hiến... Với Bí tích Rửa tội và Thêm sức, tôi đã được xức dầu thánh hiến để thông phần với Chúa Kitô trong chức vụ tư tế - ngôn sứ - vương đế; để được sai đi loan báo Tin Mừng... Tôi có thi hành sứ vụ của “người được xức dầu” như Chúa Giêsu chăng? Tôi làm những việc gọi là từ thiện, gọi là việc tông đồ... nhưng cho đối tượng nào...Xã hội Việt Nam hôm nay có những chương trình từ thiện hay gói hỗ trợ cho người nghèo đã hiện ra những loại người được hưởng không phải là người nghèo mà là “người cận nghèo” hay là “người nghèo do khai báo”. Thiên Chúa đặc biệt ưu ái kẻ nghèo hèn, còn tôi – trong danh nghĩa là người đi làm việc tông đồ, tôi dành sự ưu ái cho ai....

Người nghèo trong Kinh Thánh trước hết là những người khó khăn về kinh tế hoặc xã hội, người nghèo trong Kinh Thánh còn có nghĩa là những ai không tìm chỗ dựa vào thế lực của con người, của thế gian mà tựa nương vào Thiên Chúa. Tôi tự xem mình là người nghèo của Thiên Chúa không?

“Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4:18b-19) Trải dài lịch sử hơn 2000 năm qua của Giáo Hội của Chúa Kitô, ai cũng nhận thức được rằng, Chúa Giêsu – Đấng là chân lý mà thánh sử Luca muốn trình bày, Ngài không mở cửa tất cả các nhà tù để giải thoát tù nhân theo nghĩa chính trị, Ngài cũng không chữa lành mọi người mù lòa cho họ được sáng mắt... Và Giáo Hội của Ngài, cho đến hôm nay, cũng không loan báo Tin Mừng và giải thoát con người theo nghĩa chính trị. “Giải phóng” hay “trả tự do” trong ngôn ngữ Hy Lạp là “aphésis” – cũng có nghĩa là “tha thứ”; theo nghĩa này ta hiểu được hành động mà Chúa Giêsu đã thực hiện để giải phóng con người khỏi nô lệ sự dữ bằng việc tha thứ. Trong lời kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ có lỗi với chúng con.” (Mt 6:12); trên thập giá, Ngài đã kêu xin Chúa Cha “xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23:34).

Và cho đến hôm nay, con người vẫn bị nô lệ của lạc thú, của cải, tiền bạc, tiện nghi, thù hận gây ra bao nhiêu cảnh chết chóc, bạo tàn...; nhân loại hôm nay vẫn đang tiếp tục cần ơn tha thứ để giải thoát cho khỏi sự nô lệ của chính mình, nô lệ tiền tài danh vọng... để đem lại bình an trong tâm hồn. Trong lịch sử của Giáo Hội, vào từng thời điểm của lịch sử khác nhau, Chúa đã cho xuất hiện các vị thánh để giải phóng con người: họ là Bênarđô, là Phanxicô Assisi, là Đaminh, là Inhaxio, là Vinhsơn Phaolô, là Gioan La San, là Gioan Bosco... và nhiều Đấng sáng lập để ngang qua các đặc sủng và các tu hội hay tổ chức do các ngài sáng lập, Chúa đã giải phóng con người khỏi sự mê đắm trần tục bằng lối sống nghèo, thoát khỏi chiến tranh bạo tàn bằng lời kinh Mân Côi, thoát khỏi những đau khổ của thân xác, bệnh tật bằng sự chăm sóc y tế, thoát khỏi sự mê muội, ngu dốt bằng các hoạt động phục vụ giáo dục...của các tu sĩ và nhiều hội đoàn tông đồ trong Giáo Hội.

Là Kitô hữu, là người thánh hiến...chúng ta là môn đệ của Chúa Kitô, là chi thể trong Nhiệm Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội, chúng ta được kêu gọi để tiếp tục loan báo Tin Mừng, tiếp tục hành động để đem lại ơn tha thứ. “Con đường hòa bình” ngày nay được gọi bằng tên mới là “phát triển toàn diện” [1], do vậy, mỗi chúng ta chỉ có thể là sứ giả loan báo Tin Vui hòa bình, khi các hoạt động của chúng ta hướng đến sự phát triển toàn diện của con người, hướng đến việc tìm các giải pháp giải quyết mọi xung đột, mà trước hết là sự xung đột nội tâm, xung đột trong gia đình, trong cộng đoàn, xung đột trong xã hội... để đem lại sự hòa giải.

Lạy Chúa Giêsu, Ngài là Vua Hòa Bình, là Hoàng Tử Bình An, xin giải phóng chúng con khỏi những nô lệ của dục vọng, của tham lam, của sự kiêu ngạo; xin Chúa dùng Lời chân lý của Ngài chữa lành chúng con và dạy cho chúng con biết biết tha thứ như Chúa vẫn hằng tha thứ cho chúng con, vì tha thứ là lời cao cả nhất để đem lại bình an, để công bố rằng Nước Chúa hiển trị và ý Chúa đang thể hiện; xin Chúa giúp chúng con biết tu luyện hướng đến sự phát triển con người toàn diện, ngỏ hầu mỗi người chúng con trở thành một nhân tố xây dựng con đường hòa bình, một chứng nhân loan Tin Mừng bình an.

Sư Huynh Joseph Lê Văn Phượng, fsc

 

[1] ĐGH Phanxico, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới 2022

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2025. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật