Bài Học từ Lời Chúa - Chúa Nhật 6B Phục Sinh_Ga 15:9-17
04/05/2024nulasanvnSuy niệm Chúa Nhật
Suy gẫm về một tình yêu như Chúa yêu, ta nhìn lại trong thực tế cách ta thể hiện tình yêu. Có đôi lúc tôi yêu anh chị em với với một “tình yêu điều kiện”: “Tôi yêu bạn… nếu...”. Loại tình yêu luôn có những điều kiện kèm theo, thì đó chỉ là sự hợp tác làm ăn theo kiểu hai bên cùng có lợi. Tôi yêu bạn, tôi trao tặng cho bạn nếu bạn biết trao tặng lại cho tôi điều gì đó xứng hợp; nếu không... tôi chẳng yêu đâu hoặc tôi sẽ không yêu nữa.
BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 6PSB
Ga 15:9-17
Yêu Anh Em Như Thầy Đã Yêu
“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12).
Lời Chúa Tin Mừng Gioan 15:9-17 mời gọi chúng ta yêu thương anh em như Chúa đã yêu. Chúa nói: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15:12). Vậy thì yêu như thế nào là như Chúa yêu ta, Chúa nói tiếp: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13). Thử định hình các loại tình yêu để xem ta yêu anh em mình đến mức nào.
“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (c.12). Thiên Chúa là tình yêu: nghĩa là Thiên Chúa là Đấng - Tự - Thông – Ban: Chúa Cha yêu Chúa Con, hai Ngôi chuyển thông tình yêu này cho Ngôi Ba là Thánh Thần. Tình yêu vô hình này đã được hiện thân nơi một con người là Đức Giêsu thành Nazareth. Huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa được hữu hình. Kinh nghiệm về tình yêu của con người cho chúng ta biết tình yêu chính là sự trao đổi – sự thông ban; người này tự tỏ cho người kia biết. Thiên Chúa đã tỏ cho con người biết tình yêu của Ngài nơi con người Giêsu – Ngôi vị Thiên Chúa làm người. Tột đỉnh của tình yêu Thiên Chúa chính là Thập Giá của Đức Giêsu – một tình yêu trọn vẹn đến độ hiến dâng mạng sống mình. Giới hạn của tình yêu Thiên Chúa là trao tặng không giới hạn. Mức độ đo lường của tình yêu là sự hy sinh mạng sống cho người mình yêu.
Suy gẫm về một tình yêu như Chúa yêu, ta nhìn lại trong thực tế cách ta thể hiện tình yêu. Có đôi lúc tôi yêu anh chị em với với một “tình yêu điều kiện”: “Tôi yêu bạn… nếu...”. Loại tình yêu luôn có những điều kiện kèm theo, thì đó chỉ là sự hợp tác làm ăn theo kiểu hai bên cùng có lợi. Tôi yêu bạn, tôi trao tặng cho bạn nếu bạn biết trao tặng lại cho tôi điều gì đó xứng hợp; nếu không... tôi chẳng yêu đâu hoặc tôi sẽ không yêu nữa. Tôi yêu bạn bởi lẽ tôi hy vọng nhận được lại từ lời khen hay được danh dự, được tôn vinh, được an ủi hoặc để được tìm một cảm giác an toàn cuộc sống. Nếu không... tôi dại gì!!!
Cũng có loại tình yêu chỉ vì lòng khâm phục. “Tôi yêu... bởi vì...” Loại tình yêu này đặt nền tảng trên sự thu hút hay khâm phục vì những tài năng hoặc vì một đặc ân được ban cho; hoặc yêu do ưa thích vì người mình yêu có sắc đẹp, có diện mạo, có vị trí xã hội.
Hai kiểu yêu thương này không có gì là xấu, nhưng chỉ yêu như thế thì chưa chưa đạt tới tình yêu của Kitô giáo như Chúa dạy. Tình yêu Kitô giáo là tình yêu bất chấp mọi điều kiện, tình yêu dám thí mạng vì bạn hữu của mình. Thí mạng theo định nghĩa là dám bỏ mạng sống mình vì một ai hay một điều gì cao quý hơn. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bất chấp lầm lỗi, thiếu sót của chúng ta. Ngài dạy phải tha thứ đến bảy mươi lần bảy (Mt 18:22). Thiên Chúa yêu tất cả và cho mưa xuống trên đất người lành cũng như kẻ dữ. Ngài yêu chúng ta bất chấp chúng ta là thế nào là thu thuế hay đĩ điếm, là trẻ em hay bà goá, là tội nhân hay người thanh niên tốt lành, là quân lính hay luật sĩ, biệt phái, là dân ngoại hay Do Thái… “Yêu như Chúa yêu” là yêu bằng một tình yêu khước từ sự thống trị, một tình yêu không có sự phân biệt, không loại trừ. “Tình yêu như Chúa yêu” mời gọi chúng ta trân trọng anh chị em mình đến nỗi coi đó là cái quý báu hơn cả mạng sống mình.
Chúng ta được mời gọi vượt lên sự yêu thương có điều kiện và do bởi lòng khâm phục để yêu bằng một tình yêu không tuyển chọn, không loại trừ… Làm sao để yêu được như thế? Chúa Giêsu trong thân phận làm người đã yêu nhân loại đến nỗi thí mạng mình chịu chết để cho chúng ta được sống. Để yêu được như Ngài, Chúa chỉ cho chúng ta một phương thế, đó là “hãy giữ các điều răn của Thầy và ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15:9-10). Bao lâu chúng ta biết rằng ta đang ở lại trong Chúa Kitô, chúng ta sẽ có khả năng để yêu người như Chúa yêu ta.
Mẹ thánh Têrêsa Calculta đã viết một lá thư cho ĐHY Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đại ý nội dung như sau: Thiên Chúa sẽ không hỏi ngài làm giám mục bao nhiêu năm, cai quản được bao nhiêu giáo phận, thành lập được bao nhiêu giáo xứ, phong trào, hội đoàn, làm giáo sư giảng dạy môn gì... Ngài chỉ hỏi: Con làm những việc ấy với tình yêu nào?
Lạy Chúa Giêsu, yêu thương chính là giới luật của Đạo Thánh Chúa, là con đường duy nhất đem lại niềm vui, hạnh phúc và bình an. Đây là giới răn Chúa quan tâm nhất và đã sống trọn thân phận làm người vì yêu để làm cho nhân loại chúng con nhận biết Chúa Cha. Xin cho con biết rằng khi yêu thương tha nhân là con đang làm Chúa hiện diện, khi con yêu thương tha nhân là con tạo nên một thiên đàng nơi trần gian cho anh chị em đang cùng sống với con. Xin dạy con biết yêu thương thì đừng vạch ra giới hạn và đỉnh cao của yêu thương là sự phục vụ đến hy sinh mạng sống mình. Và bao lâu con nhận ra rằng Thập Giá là tình yêu thì con sẽ vác thập giá mình mỗi ngày bằng một tình yêu. Và ở cuối đường của cuộc đời, con sẽ được chính Thiên Chúa phán xét về tình yêu.
Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc