Bài Học Từ Lời Chúa _ Chúa Nhật 6 TN A_ Mt 5:17-37
12/02/2023SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Xin Chúa Giêsu cho mỗi chúng con là những môn đệ của Ngài, đừng bao giờ tự cho mình là công chính, nhưng trong các tương quan với Chúa và với anh chị em biết vượt lên trên những luật lệ, loại bỏ những vỏ bọc, lấy tình yêu và sự thật mà đối xử với nhau.
BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – TN 6A
Mt 5:17-37
Ăn Ở Công Chính Hơn
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt 5:20)
Lời Chúa trong Tin Mừng Mt 5:17-37 là lời mời gọi các môn đệ Đức Giêsu phải ăn ở công chính. Đức Giêsu làm một sự so sánh với các Kinh sư và những người Pharisêu để mời gọi một đời sống công chính không dừng lại ở việc thực thi lề luật mà vươn đến tình yêu. Đó là sự hoàn thiện luật cũ mà Đức Giêsu đã đem đến trần gian. “Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.” (c.17)
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu…” (c.20). Đức Giêsu đòi các môn đệ phải công chính hơn các kinh sư và Pharisêu. Vậy hơn ở chỗ nào? Đọc tiếp đoạn Tin Mừng từ câu 21 đến 47, Lời Chúa cho thấy Chúa Giêsu đã đưa các trường hợp cụ thể để hướng dẫn cho các môn đệ của Ngài (xưa cũng như nay) về một lối sống công chính hơn các kinh sư và Pharisêu.
Trước hết, trong tương quan người với người đừng thù hận, đừng mắng nhiếc chửi rủa; đừng dùng bạo lực.“Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.” (c.22). Nhưng nếu khi có khi xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng, xung đột phải biết dàn xếp ổn thoả để giải hoà với anh em. “ngay cả khi sắp dâng lễ vật trước bàn thờ thì cũng hãy để của lễ lại đó, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (c. 23-25). Bạo lực là một trong những khuynh hướng xấu do hậu quả của Tội Nguyên Tổ gây ra. Lời Chúa mời gọi mỗi người trong tương quan với đồng loại, khi giải quyết những bất đồng ta không được thoả hiệp, cần phải kiên quyết trước những sai trái; nhưng hãy kềm chế bản năng thống trị, lòng háo thắng trong ta để đừng dùng bạo lực đối xử với người khác. Đó là sự mới mẻ, là sự kiện toàn lề luật.
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu…” (c.20). Thứ đến, là trong sạch trong tương quan vợ chồng, với người khác phái. Chúa nói: “ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi... Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình.” (c.27.31). Do hậu quả của tội nguyên tổ, con người đã lẫn lộn bản chất phổ quát của luật tự nhiên với việc thi hành luật tự nhiên cách phổ quát. Sách Sáng Thế trình bày sự thèm muốn thoả mãn tính dục và tìm cách để thống trị là một hậu quả của sự sa ngã của nguyên tổ (St 3:16), là điều không được phép do thi hành cách phổ quát nó trở nên như một điều tự nhiên trong Luật Do Thái. Chúa Giêsu khi trả lời về việc Môsê cho phép ly dị đã cho thấy đó là do lòng chai dạ đá, chứ thuở ban đầu không như thế (Mt 19:8). Lời mời gọi phải “ăn ở công chính hơn” của Chúa Giêsu thúc bách các môn đệ Chúa lội ngược dòng trước những lối sống buông thả về mặt tình dục, biến những quan hệ tình dục, vốn là một biểu hiện tình yêu cao đẹp trở thành món hàng mua vui, nhìn người khác phái như là dụng cụ và phương tiện cho mình thoả mãn. Lời mời gọi cũng thúc bách các môn đệ Chúa lội ngược dòng trước nền văn hoá chủ trương sống gấp, sống nhanh khiến người ta chỉ muốn có những quan hệ mau qua mà không muốn có những cam kết lâu dài trong đời sống hôn nhân, một lối sống đã dẫn đến tình trạng ly thân, ly dị khiến các gia đình đổ vỡ ngày càng nhiều. Đó chính là cách “ăn ở công chính hơn” những ai sống theo Luật dạy.
“Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu…” (c.20). Trường hợp thứ ba được Đức Giêsu nêu ra là sống theo sự thật. “Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả... Hễ có thì nói có, không thì nói không. (c.34.37) Trong các tương quan giữa con người với nhau đừng thủ đoạn, đừng lừa bịp, đừng đổi trắng thay đen, đừng giả mạo, quỷ quyệt hay dối trá... Đừng dùng lời thề để tìm sự bảo đảm cho hành vi của mình, nhưng hãy nói và hành động theo sự thật, “hễ có thì nói có, không thì nói không” tự nó sẽ có giá trị nội tại để chứng minh cho sự ăn ở của chính mình.
Quả thật, đoạn Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu không tạo ra một nền đạo đức mới. Ngài đến “không phải là để bãi bỏ luật Môsê và lời các ngôn sứ..., nhưng là để kiện toàn.” (c.17). Một hoạ sĩ người Nhật trong một buổi triễn lãm tranh nghệ thuật, sau khi được giải thưởng, nhà báo phỏng vấn ông rằng bức tranh nào là bức tranh đẹp nhất của ông, hoạ sĩ trả lời: bức tranh mà tôi sẽ vẽ sắp tới. Câu trả lời của hoạ sĩ nọ nhắc con rằng cuộc sống của con ngày hôm nay hoàn thiện hơn hôm qua, và ngày mai sẽ phải hoàn thiện hơn hôm nay. Xin Chúa Giêsu cho mỗi chúng con là những môn đệ của Ngài, đừng bao giờ tự cho mình là công chính, nhưng trong các tương quan với Chúa và với anh chị em biết vượt lên trên những luật lệ, loại bỏ những vỏ bọc, lấy tình yêu và sự thật mà đối xử với nhau. Ý thức được điều này trong cuộc sống, mỗi ngày chúng con sẽ trở nên công chính hơn.
Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc