Bài Học Từ Lời Chúa_Chúa Nhật 4 Phục Sinh (B)_Ga 10:11-18
15/04/2024nulasanvnSuy niệm Chúa Nhật
Để có thể là người mục tử tốt lành theo gương Vị Mục Tử nhân lành Giêsu, trong từng cương vị, là người cha, người mẹ trong gia đình, là người phụ trách trong cộng đoàn, là thầy cô giáo trong lớp học, là người dẫn đầu một nhóm hay một tổ chức... tất cả chúng ta đều được mời gọi làm cho chân dung của người mục tử được thể hiện trong chính đời sống của chúng ta.
BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 4PS
Ga 10:11-18
Mục Tử Tốt Lành
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành.
Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi,” (Ga 10:14)
Lời Chúa trong TM Ga 10:1-19 Đức Giêsu nhận Ngài là Mục Tử Tốt Lành. Một đặc tính rất rõ của người mục tử là Người Mục Tử biết chiên và chiên biết Người Mục Tử. Đây là hình ảnh được dùng để mô tả về các “Vua Chúa” của các dân tộc phương Đông.
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi” (c.14) Đối với người mục tử, mỗi con chiên đều có là một giá trị và người mục tử “biết” chiên của mình. “Biết” trong Kinh Thánh không có nghĩa là chỉ biết bằng tri thức mà “biết” là chứng tỏ một tình yêu; một sư “biết” của một người thương yêu một người khác đến độ “đồng sinh đồng tử” với người ấy. “Biết” không phải chỉ biết trên lý thuyết, biết theo con số, nhưng là biết tường tận từng đặc điểm, từng tính cách của mỗi con chiên và Ngài có thể gọi tên từng con một, dẫu đàn chiên của Ngài là vô cùng đông đảo. Tương quan giữa Ngài và đàn chiên là rất gần gũi và mật thiết. Đàn chiên trở nên lẽ sống của Ngài.
Đức Giêsu so sánh sự “biết” của Ngài đối với từng người chúng ta “như Chúa Cha biết Ngài và Ngài biết Chúa Cha” (c.15), “cái biết” giữa hai Ngôi là Cha và Con đã làm cho Cha và Con nên một (Ga 10:30) thì sự biết giữa Chúa Giêsu và mỗi người chúng ta cũng mật thiết đến độ làm cho ta nên một với Ngài và Ngài dám hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên.
Trong các huấn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về người mục tử ngài phác họa cho thế giới hôm nay về chân dung của người mục tử trong Giáo Hội. Ta có thể dừng lại vài đặc tính trong chân dung người mục tử theo ĐGH Phanxicô:
- Người mục tử phải là người “biết ngửi mùi chiên” và có “hương thơm của đoàn chiên”, hương thơm này phải được người ta cảm nhận.
- Người mục tử lý tưởng là những người có khả năng thức tỉnh trên đoàn chiên đã được giao phó, và săn sóc tất cả những gì duy trì đoàn chiên hiệp nhất: canh giữ đoàn chiên, chú ý tới các hiểm nguy có thể đe dọa nó, nhưng nhất là, làm cho niềm hy vọng lớn lên: ước gì các Mục Tử ấy có mặt trời và ánh sáng trong tim.
- Người mục tử lý tưởng là những người có khả năng nâng đỡ các bước đi của Thiên Chúa nơi dân Người với tình yêu thương và lòng kiên nhẫn.
- Người Mục Tử ở với đàn chiên của mình: đi ở đàng trước để chỉ đường, để dẫn dắt; đi ở giữa để đồng hành, thấu hiểu từng con chiên hầu duy trì sự hiệp nhất của đàn chiên; đi ở đàng sau để bảo vệ và tránh cho ai đó không bị ở lại đàng sau, nhưng cũng là một cách để cho chính đàn chiên biết linh hoạt, sáng tạo hầu tìm ra các con đường mới.”
- Người Mục Tử Tốt Lành thì phải tránh xa bệnh tìm địa vị cao và bệnh duy giáo sĩ. “Chúng ta là những người mục tử chứ không phải là những người có tâm lý ông hoàng, những người tham vọng, những người kết hôn với Giáo Hội này trong khi chờ đợi một Giáo Hội khác xinh đẹp hơn, giàu có hơn. Đừng rơi vào cái bẫy của bệnh tìm địa vị cao! Nó là một chứng ung thư!…” Một tai hại khác của Giáo Hội đi kèm với bệnh tìm địa vị cao chính là bệnh duy giáo sĩ. ĐTC Phanxicô nói: “Cám dỗ duy giáo sĩ thực sự làm hại Giáo Hội rất nhiều. Chứng bệnh đặc thù của một Giáo Hội khép kín là tự quy chiếu vào chính mình; là nhìn vào mình, tự hài lòng với chính mình.”
Để có thể là người mục tử tốt lành theo gương Vị Mục Tử nhân lành Giêsu, trong từng cương vị, là người cha, người mẹ trong gia đình, là người phụ trách trong cộng đoàn, là thầy cô giáo trong lớp học, là người dẫn đầu một nhóm hay một tổ chức... tất cả chúng ta đều được mời gọi làm cho chân dung của người mục tử được thể hiện trong chính đời sống của chúng ta.
Nguyện xin Chúa Giêsu Vị Mục Tử Nhân Lành đã nuôi chiên bằng chính Mình Thánh Ngài, cho chúng ta biết chạy đến với Ngài để được vị Ngài nuôi dưỡng trong Bí tích Thánh Thể, để lắng nghe Lời Ngài hướng dẫn giúp ta trở nên những mục tử tốt lành và, như Chúa Kitô, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đoàn chiên chúng ta đang chăm sóc.
Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc