Bài Học Từ Lời Chúa _ Chúa Nhật 3 _MV_ A_ Mt 11:2-11

10/12/2022SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Nếu chúng ta là mong muốn một Giêsu theo ý muốn chúng ta, đáp ứng những nhu cầu của chúng ta, chắc chắn chúng ta lại nghi ngờ và đặt vấn đề: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 3 MVA

Mt 11:2-11

Đừng nghi ngờ thất vọng...

Hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí.

“Thầy có thật là Đấng phải đến không,
hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11,3)

 

Gioan Tẩy Giả với lòng nhiệt thành đón chờ Đấng Mêsia đến, nhưng cũng như nhiều ngôn sứ và dân chúng cùng thời, vị tiền hô đã có một hình ảnh về một Đấng Mêsia mà như ông đã loan báo (trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần 2 mùa Vọng A). Thế nhưng Đức Giêsu làm ông nghi ngờ về Đấng mà ông loan báo. Đức Giêsu đã kín đáo cho thấy Ngài là Đấng Kitô phải đến trong thế gian, nhưng không phải là quan xét mà là mục tử yêu thương. Đây là bài học dạy cho tôi cần phải loại bỏ nghi ngờ trong đức tin, vì Thiên Chúa không giống hình ảnh tôi tạo ra Người và cách hành động của Người không giống ý muốn của tôi, và tôi được mời gọi kiên nhẫn và bền tâm vững chí đón chờ Ngài ngự đến và làm cho Nước Ngài hiển trị trong cuộc sống hằng ngày.

“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Hình ảnh mà Gioan Tẩy Giả có về Đấng Mêsia mà ông loan báo là Đấng-Được-Xức-Dầu thuộc dòng dõi vua Đavít, Đấng quyền thế hơn ông, Đấng là phép rửa cho dân trong Thánh Thần và lửa. Đấng oai nghiêm như một quan xét cầm rìu trong để chặt hết tất cả những cây không sinh trái mà quăng vào lửa (Mt 3,10), Đấng cầm nia trong tay mà rê sạch sân lúa của Người, thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì đổ vào lửa mà đốt đi (Mt 3,12). Ngài phải là một vị thẩm phán đáng sợ và sẽ trừng phạt tội nhân. Thế nhưng, Đức Giêsu làm ông thất vọng. Đang trong tình trạng tù ngục, Gioan Tẩy Giả bị thử thách “đức tin”, những gì ông tin về Đấng mà ông giới thiệu đều hoàn toàn khác... ông nghi ngờ và ông đã sai các môn đệ của ông đến hỏi: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (c.2-3).

Trong đời sống tại sao chúng ta nghi ngờ và thất vọng? Bởi vì chúng ta có những khát vọng, có những ước muốn - tâm lý gọi đó là “cái tôi lý tưởng”. Và rồi chúng ta cũng tạo ra trong tâm trí mình một hình ảnh thoả mãn khát vọng ấy - tâm lý gọi là “cái tôi ảo tưởng”. Nhưng trong quá trình phát triển, các tương quan đời sống thực tế: nơi xã hội, nơi những thần tượng, ngay cả nơi bản thân của chúng ta đã hình thành “cái tôi thực tế”. Khi “cái tôi ảo tưởng” không gần với “cái tôi lý tưởng” và “cái tôi thực tế” không phù hợp với “cái tôi ảo tưởng” chúng ta sinh ra nghi ngờ, dễ dàng rơi vào sự tăm tối của niềm tin, do đó mà thất vọng và chán nản... Đặc biệt trong đời sống đức tin, chúng ta tin vào Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại tạo ra một hình ảnh về Thiên Chúa như là một vị thần chuyên đáp ứng những nhu cầu, những ước vọng của chúng ta. Chẳng hạn một Thiên Chúa quyền năng, công thẳng như quan án, một Thiên Chúa bênh vực kẻ nghèo hèn... Thế nhưng, trong cuộc sống tại sao lại để xảy ra bao nhiêu sự dữ, bao nhiêu bất công, bạo tàn,... Chúng ta nhìn thấy người kẻ ác giàu sang, sung túc, còn người lành thì gặp sự khốn khó, đau khổ. Chúng ta nhìn thấy những kẻ “làm đúng quy trình” khi xả lũ, khi lập các dự án quy hoạch phát triển... khiến cho bao dân lành bị ngập lụt, hư hại tài sản, mất đất, mất nhà một cách bất công. Chúng ta nhìn thấy các vị lãnh đạo không công minh, tham quyền cố vị, không tìm lợi ích đất nước mà vun vén cho lợi ích phe nhóm... nhất là khi mà chúng ta chính là nạn nhân của những “dự án” bất công. Chúng ta cầu nguyện..., chúng ta kêu trời... Nhưng Thiên Chúa có vẻ như vắng mặt..., những bất công tàn bạo cứ tiếp tục diễn ra... Kẻ ác vẫn cứ hành động cách gian ác, lại được pháp luật bảo vệ cho các hành vi gian ác..., và kẻ lành vẫn cứ như “con chiên bị đem đi làm thịt.” Chúng ta rơi vào nghi ngờ tại sao Chúa không hành động? Tại sao Chúa lại quá yên lặng? Khủng hoảng đức tin... bởi vì chúng ta đòi Thiên Chúa phải hành động theo cách chúng ta nghĩ, theo lối chúng ta muốn, theo như thế gian đối xử với nhau...

“Đức Giêsu trả lời: Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng.” (c.4-5) Đúng, Đức Giêsu đã làm cho người Do Thái đương thời chưng hửng, cũng đang tiếp tục làm chúng ta chưng hửng, vì Ngài không phải như chúng ta tưởng tượng. Ngài không đưa ra một giải pháp có sẳn cho các vấn đề của từng người, từng nơi... Thiên Chúa, Đấng sai Đức Giêsu đến trần gian không tự tỏ mình qua những cử chỉ của quan xét, không qua hành động của vị vua hiếu thắng, nhưng bằng những cử chỉ của lòng thương xót. Ngài là Con Thiên Chúa, là Vua vũ trụ đã hạ mình sinh làm người trong thân phận nghèo nàn. Ngài biểu lộ vương quyền của Đấng Mêsia khi Ngài chữa lành bệnh nhân, làm cho người mù được thấy, kẻ què đi được, kẻ điếc được nghe (c 4-5); khi Ngài tận tụy đi tìm kiếm người tội lỗi trở về với Thiên Chúa (Mt 9:10-13); khi Người đã cúi mình xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13:4-5), và cuối cùng bằng cái chết trên Thập Giá để chiến thắng tội lỗi và sự chết (Ga 19:17-18).

“Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Gioan Tẩy Giả không phải là câu trả lời trực tiếp “Tôi là Đấng phải đến.” Nhưng Đức Giêsu cho thấy dấu hiệu đích thực của Thiên Chúa hiện diện, và Nước Chúa ngự đến là tình yêu. Ở đâu có tình yêu, ở đó có Đức Chúa Trời. Đó cũng là câu trả lời cho những vấn nạn nghi ngờ của mỗi Kitô hữu chúng ta và cũng là lời mời gọi cho toàn thể Giáo Hội: đâu là cách thế chúng ta muốn và làm cho Thiên Chúa hiện diện và biểu lộ vương quyền của Ngài giữa trần gian: là đối xử bạo lực theo kiểu Mác-xít hay thương xót và tha thứ theo kiểu Giêsu; là đè đầu cởi cổ người khác theo kiểu vua chúa trần gian hay phục vụ và hiến thân mạng sống mình cho người khác như Giêsu...

Suốt Mùa Vọng, trong các lời cầu của Kinh Phụng Vụ, chúng ta nguyện xin: Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến và đừng trì hoãn. Nhưng chúng ta đang xin một Giêsu nào ngự đến? Nếu chúng ta là mong muốn một Giêsu theo ý muốn chúng ta, đáp ứng những nhu cầu của chúng ta, chắc chắn chúng ta lại nghi ngờ và đặt vấn đề: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”

Tâm tình và Lời Chúa trong Mùa Vọng mời gọi chúng ta hãy xác tín rằng Đức Giêsu đã đến, đang đến và sẽ lại đến và Ngài đã chiến thắng thế gian; Giáo Hội mà Ngài đã thiết lập trên nền tảng các thánh Tông Đồ sẽ tồn tại cho đến khi Ngài lại đến; thế nhưng, đối với mỗi người chúng ta, đứng trước hoàn cảnh sống thực tế của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, chúng ta được mời gọi theo lời khuyên của thánh Giacôbê: “Anh em cũng vậy, hãy kiên nhẫn và bền tâm vững chí, vì ngày Chúa quang lâm đã gần tới... về sức chịu đựng và lòng kiên nhẫn, anh em hãy noi gương các ngôn sứ là những vị đã nói nhân danh Chúa.” (Gc 5:8.10).

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến và đừng trì hoãn. Xin giải thoát chúng con khỏi mọi nghi ngờ; xin cho chúng con biết kiên nhẫn và bền tâm vững chí để uốn nắn những khát vọng của chúng con nên giống ý Chúa, ngay cả khi những thử thách gian lao xảy đến trong cuộc đời.

 

Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2025. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật