Bài Học Từ Lời Chúa_Chúa Nhật 27 Thường Niên (B)_Mc 10:2-16
02/10/2024SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Con người do bản tính nghiêng chiều về điều xấu, khi đối đầu với những vấn đề khó khăn của cuộc sống, ngại không dùng ý chí mà thích chọn dễ dãi để giải quyết vấn đề.
Tính Kỷ Luật Trong Đời Sống
"Chính vì các ông lòng chai dạ đá,
nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông.” (Mc 10:5)
Tin Mừng Marcô 10:2-16 thuật việc người Pharisêu tranh luận với Đức Giêsu về phép rẫy vợ, Ngài trả lời: "Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông.” (c.5). Con người do bản tính nghiêng chiều về điều xấu, khi đối đầu với những vấn đề khó khăn của cuộc sống, ngại không dùng ý chí mà thích chọn dễ dãi để giải quyết vấn đề. Khi chọn cách dễ dãi để giải quyết, phút giây nào đó, con người cảm thấy mình được giải thoát, nhưng thực chất họ càng làm cho gia đình, xã hội thêm nhiều vấn đề và ngày càng phức tạp ra...! Vấn đề lại chồng chất vấn đề. Xã hội thêm nhiều nạn nhân!
“Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ;” (c.6). Kinh nghiệm về đời sống gia đình của tôi, khi có những vấn đề bất đồng hay sự cố... Tranh cải. Có! Giận hờn. Có! Nhưng không ai trong gia đình muốn mình hơn. Từ ngữ mà mỗi chúng tôi được dạy để nghĩ đến là làm sao “nhà chúng tôi” được hoà thuận. Đại từ “chúng tôi” luôn được từng người trong gia đình nghĩ đến, nhắc đến trước đại từ “tôi”. Và chúng tôi luôn tìm được giải pháp hoà bình cho gia đình mình. Kinh nghiệm ấy theo tôi khi bước ra xã hội hay khi vào đời tu; khi sống với một tập thể hay trong một cộng đoàn.
“Người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” (c.7). Trong đời sống cộng đoàn, có bất đồng không? Nhiều lắm. Chúng tôi mỗi người một phương trời được Chúa gọi vào sống với nhau trong một cộng đoàn. Là sản phẩm của một giai đoạn lịch sử và môi trường sống, mỗi người đi vào cộng đoàn mang theo cả ưu điểm lẫn khuyết điểm, cả tính tốt lẫn thói xấu do ảnh hưởng bởi lịch sử và văn hoá của gia đình, của xã hội nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên; làm sao không thể không có những mâu thuẫn bất đồng. Ấy là chuyện đương nhiên! Lời Chúa lại nhắc nhở tôi một lần nữa, đừng chọn giải pháp dễ dãi để ứng xử với nhau: bỏ đi, bất hợp tác, nói xấu nhau, kéo bè kết cánh để loại trừ nhau, tìm cơ hội để trả đũa hay hạ nhục nhau... Những giải pháp nào quy về mình đều là những giải pháp tìm dễ dãi. Lời Chúa thách thức tôi, quy về “chúng tôi” để chọn giải pháp sao cho bầu khí cộng đoàn hoà thuận và đem bình an cho nhau, cùng giúp nhau thăng tiến đời sống, cùng hợp tác với nhau để thi hành sứ vụ mà cộng đoàn lãnh nhận.
Tôi nhận ra rằng, trước hết, mỗi người phải có tính kỷ luật, nghĩa là một sự khép mình theo một giải pháp được đề ra trong luật sống của gia đình cũng như cộng đoàn; nghĩa là chấp nhận vì lợi ích của gia đình, của cộng đoàn trên hết và trước hết, chứ không tìm theo ý riêng và cách thế riêng của mình. Sống theo tinh thần ấy là chấp nhận “chúng tôi” là đại từ bao hàm những “cái tôi”; là biết đặt “chúng tôi” lên trên “cái tôi”.
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly." (c.9). Thứ đến là nhận rằng cộng đoàn là một món quà và mỗi thành viên trong cộng đoàn là một ân huệ Chúa ban cho mình. Không ai từ chối nhận món quà hay loại bỏ món quà mình được trao tặng. Không ai không muốn đón nhận ân huệ. Nếu có lỡ tay hay do một sự cố nào đó mà món quà bị xây xát, sứt mẻ, thì ai ai trong chúng ta cũng tìm cách sửa chữa lại, cất giữ bảo vệ cẩn thận hơn để nó không bị hư hỏng... Vậy tại sao tôi lại không làm thế đối với cộng đoàn, với những thành viên trong cộng đoàn tôi nhỉ. Lời Chúa đang thách thức tôi!
“Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào” (c.15). Cuối cùng, Lời Chúa mời gọi tôi để sống tính kỷ luật, để có thể đón nhận cộng đoàn là những món quà, những ân huệ, tôi cần phải có một tâm hồn trẻ thơ. Tâm hồn trẻ thơ ở đây hiểu là tính đơn sơ chân thành và tin tưởng. Đứa bé luôn hoá “ra không” trước sự chăm nom gìn giữ của cho mẹ nó. Giải pháp hoà bình luôn có thể đạt được khi tôi xem mình “ra không” trước mặt anh chị em tôi.
Trong mọi vấn đề, tôi đi tìm củng cố “chúng tôi” hơn là “cái tôi” thì thì chắc chắn không có điều gì mà không giải quyết được bạn nhỉ.
Lạy Chúa, khi có những khó khăn trong đời sống cộng đoàn, xin cho con biết lấy tinh thần kỷ luật để đối xử trước hết với chính mình con; xin nhắc con nhớ rằng anh chị em là món quà mà Chúa đã ban tặng cho con, món quà mà con không mất công tìm và không tốn tiền mua, để khi biết trân quý anh chị em mình, con mới cố gắng để tìm cách gìn giữ bầu khí huynh đệ cộng đoàn; biết tin tưởng vào anh chị em mình, để không nghi kỵ, không nghĩ xấu khi có những chuyện chưa hài lòng nhau trong đời sống. Con sẽ làm chứng được rằng, một thế giới dù có những khác biệt, vẫn có thể sống chung với nhau được và làm cho cuộc sống thêm phong phú khi biết nhìn nhận nhau.
Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, FSC