Bài Học Từ Lời Chúa _ Chúa Nhật 25 TNC_ Lc 16, 1-13

02/09/2022SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Bạn thân mến, của cải tiền bạc chỉ tốt khi nó được sử dụng đúng mức, theo nhu cầu và khả năng. Chúa mời chúng ta hãy nhận biết mình là “người quản lý” chứ không phải “chủ nhân ông” trong việc lấy những quyết định cho việc chi tiêu sao cho chừng mực và đúng ý Chúa.

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – TN 25 C

Luca 16:1-13

Điều Kiện Để Nên Một Người Quản Lý Trung Tín

“Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16:10)

 

Lời Chúa trong Tin Mừng Luca 16:1-13 dạy cho tôi bài học về sự quản lý. Chúa nói: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (c.10). Dụ ngôn về người quản gia bất lương Chúa dạy cho tôi biết cách làm thế nào để có thể trung tín trong việc nhỏ, rất nhỏ đến việc lớn. Đó là ý thức tôi là người quản lý, cần phải rõ ràng trong sổ sách và đúng đắn trong quan hệ với các đối tác.

Điều trước hết khiến cho người quản gia trở nên bất lương là kẻ ấy nhầm lẫn cách cố ý trong chức vụ quản lý và ông chủ cho nên anh ta phung phí của cải của ông chủ. “Người ta tố cáo với ông (chủ) là anh này (quản gia) đã phung phí của cải nhà ông” (c.1). Khi tự cho mình có quyền sở hữu thì lạm dụng trong việc quyết định việc sử dụng của cải của ông chủ. Ngôn ngữ quản trị gọi là lạm quyền. Kẻ lạm quyền thì lỗi đức tuân phục, anh ta qua mặt chủ trong việc quyết định về những gì liên quan đến của cải vật chất, liên quan đến các quan hệ mua bán, làm ăn, tổ chức quản trị. Trong gia đình hay cộng đoàn hay tổ chức, người quản lý tự tung tự tác chi tiêu, sắp xếp, dần dần kẻ ấy đi đến chỗ muốn chiếm hữu tài sản chung làm của riêng, sẽ tự ý chi tiêu vào những vấn đề, những vụ việc cách phung phí… Với chính bản thân, một người khi không biết quản lý khả năng, sức khỏe, tri thức, đạo đức... sẽ phung phí tiềm năng và nghị lực mà Chúa ban cho. Đó là nguyên nhân thứ nhất dẫn đến sự bất lương trong việc quản lý. Thiên Chúa không thích sự phung phí, đó là một sự xúc phạm đến những người thiếu may mắn và thiếu điều kiện. Đức tuân phục dạy tôi biết rằng để quản lý tốt tài sản Chúa ban cho mình, những việc gì liên quan đến tài sản, tiền bạc tôi muốn làm, nhất là khi cần phải sử dụng một tài khoản lớn vượt ngoài quyền hạn của mình, cần trao đổi bàn hỏi với những người có trách nhiệm, nhất là cần phải khiêm tốn xin phép cấp trên. Để trung tín trong việc quản lý, người quản lý phải luôn ý thức mình là quản lý chứ không phải ông chủ.

Điều kiện thứ hai để có thể trung tín trong việc quản lý là phải làm sổ sách rõ ràng. Ông chủ đòi người quản lý phải tính sổ: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi” (c. 2). Sổ sách là chứng từ để chứng minh sự rõ ràng minh bạch trong việc quản lý tài sản. Ngày hôm nay con người có nhiều mánh khóe để làm chứng từ khống, để kê khai khống vào sổ sách, họ làm thế và cảm thấy an tâm rằng chẳng ai phát hiện ra… Nhưng như Tin Mừng cho thấy, ông chủ nói với người quản gia: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi”; đời sống và các hành vi phung phí trong chi tiêu của người quản gia làm lộ rõ sự gian lận trong sổ sách của anh ta. Trong xã hội loài người chưa có kẻ nào man trá trong sổ sách mà không bị phát hiện. Đức khó nghèo dạy chúng ta phải có sổ sách rõ ràng trong việc chi tiêu, và hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, hàng năm phải biết kết toán sổ sách và báo cáo tài chánh. Việc kết toán thu chi luôn là một hành vi nhắc nhở cho người quản lý biết có những sai phạm gì trong việc quản trị và điều chỉnh khi chưa có những hậu quả lớn. Việc kết toán cũng giúp người quản lý biết cân đối ngân sách và khả năng tài chính của gia đình, của cộng đoàn, của tổ chức để chi dùng vào các nhu cầu đúng theo khả năng chứ không đua đòi, không phung phí.

Điều kiện thứ ba để quản lý tốt là người quản lý phải đúng đắn trong các quan hệ đối tác, biết sử dụng tiền của thế gian mà mua lấy bạn hữu đời sau. Việc quan hệ với các đối tác của người quản lý là thay mặt ông chủ để liên hệ. Tên quản gia bất lương đã quan hệ với đối tác không phải cho ông chủ mà là cho chính anh ta. Sự lạm dụng ấy đã khiến nhiều người nói về anh ta đến tai ông chủ và ông đã đặt vấn đề với anh ta: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó?” (c. 2a). Khi biết mình không còn được tin dùng, tên quản gia lại càng tỏ ra gian xảo hơn khi sử dụng quyền quản lý để thanh toán với các con nợ: một trăm thùng dầu – viết lại năm chục; một ngàn giạ lúa – viết lại tám trăm (c. 5–7)[1]. Chúa nói đó là sự khôn khéo của thế gian, cái khôn khéo mà con người trong xã hội Việt Nam hôm nay đang bị ảnh hưởng và không ít kẻ đã khôn khéo kiểu ấy để làm khánh kiệt kinh tế đất nước, làm tha hóa “tính bổn thiện” vốn có nơi con người Việt Nam. “Con cái thế gian khôn khéo hơn con cái sự sáng” (c.8). Chúa mời gọi: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, học sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu.” (c.9) Theo Noel Quesson, lời mời gọi này cho người quản lý một bài học về cách sử dụng tốt sự giàu có là dùng của cải vất chất để tạo lấy bạn bè, đặt tình yêu thương vào các mối quan hệ, dùng tiền bạc như một phương tiện để chia sẻ và sống tình thân hữu. Tiền bạc sẽ là phương tiện tốt khi người quản lý biết dùng để tạo niềm vui cho người khác, và do đó, như một hệ quả tất yếu, niềm vui của người được trao tặng góp phần làm cho người trao tặng một niềm vui. Đó là một quan niệm cách mạng về tiền bạc.[2]

Bạn thân mến, của cải tiền bạc chỉ tốt khi nó được sử dụng đúng mức, theo nhu cầu và khả năng. Chúa mời chúng ta hãy nhận biết mình là “người quản lý” chứ không phải “chủ nhân ông” trong việc lấy những quyết định cho việc chi tiêu sao cho chừng mực và đúng ý Chúa. Chúa mời chúng ta rõ ràng về sổ sách thu chi để giữ mình không phúng phí trong việc sử dụng và chi tiêu dù là việc nhỏ nhặt nhất cho đến những việc lớn. Chúa mời chúng ta trong quan hệ công việc hay tông đồ với các đối tác hãy nghĩ đến công ích, và đặt tình yêu thương vàoo các mối quan hệ trước. Đó là cách Chúa muốn cho ta thực hành mà trở nên người quản gia trung tín.

Lạy Chúa xin dạy chúng con biết quản lý tài sản Chúa trao cho tùy theo chức vụ và trách nhiệm của mỗi người theo cách Chúa dạy và ý Chúa muốn, để trở thành người quản lý trung tín của Chúa. Xin dạy cho chúng con biết dùng tinh thần Phúc Âm để dám làm một cuộc cách mạng nơi chính bản thân, cuộc cách mạng của lòng quảng đại, là dám ra khỏi cái tôi ích kỷ tham lam, để chia sẻ với người khác, như thánh Phaolô có kinh nghiệm khi chia sẻ với các kỳ mục của hội thánh Êphêsô: "Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận." (Cv 12:33-35)

 

Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc

 

[1] Theo Noel Quesson, sự gian xảo ấy làm mất của ông chủ một khoản tương đương với số tiền của 500 ngày công. Thử tính với thời giá hiện nay để biết tổng số tiền gian lận.

[2] Noel Quesson, Lời Chúa cho mỗi Chúa Nhật – Năm C, Chúa nhật XXV Thường Niên.

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2023. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật