BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 23 TN A
Mt 18:15-20
Việc Sửa Lỗi
Nếu người anh em của anh trót phạm tội,
thì anh hãy đi sửa lỗi nó” (Mt 18:15)
Tin Mừng Matthêu 18:15-20 Chúa dạy về sự sửa lỗi. Đoạn Tin Mừng gợi cho tôi suy tư về những đức tính cần thiết của hai hạng người: người được sửa lỗi và người sửa lỗi.
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội,”(c.15) Do bởi hậu quả của tội nguyên tổ, mỗi người chúng ta đều có xu hướng nghiêng về sự xấu do vậy là người chúng ta dễ “trót phạm tội”. Lời Chúa giúp chúng ta một thái độ để đón nhận những sửa lỗi từ anh chị em mình, mỗi khi chúng ta “trót phạm tội” đó là cần phải biết khiêm tốn, cởi mở, xin lỗi, cám ơn.
- Khiêm tốn là đức tính cần thiết để giúp người được sửa lỗi nhận ra lỗi lầm của tôi, biết khiêm tốn sẽ dễ dàng lắng nghe lời góp ý sửa lỗi của anh em; biết khiêm tốn sẽ không có những phản ứng tự vệ khi nghe lời góp ý sửa lỗi, ngay cả khi lời góp ý sửa lỗi có thể không chính xác, không dễ nghe; khi khiêm tốn thì người được sửa lỗi hiểu được rằng lời góp ý sửa lỗi của anh em luôn có điều đúng và ích lợi cho chính mình.
- Cởi mở: Người biết cởi mở sẽ tiếp nhận ý kiến người khác với một thái độ tôn trọng, ngay cả khi lời góp ý sửa lỗi không đúng hay không thấy rõ hoàn cảnh tại sao lầm lỗi bị gây ra. Khi cởi mở người được góp ý hiểu rằng dẫu sao thì người góp ý cho tôi cũng có lý trong một góc nhìn nào đó mà tôi chưa nhận ra hay chưa ý thức đủ; người có tâm hồn cởi mở thì vui khi được góp ý, biết cám ơn người góp ý sửa lỗi với một tâm tình biết ơn.
- Xin lỗi: Là một hành vi của sám hối ăn năn, một cử chỉ của ý thức rằng mình biết điều tôi làm là sai trái, là xúc phạm đến Thiên Chúa và đến anh chị em tôi. Xin lỗi một cách chân thành sẽ làm cho người bị xúc phạm cảm thấy họ được tôn trọng, ngược lại xin lỗi chỉ để làm lấy rồi hay để “khiêm tốn kiểu ống điếu” luôn làm cho người góp ý cảm thấy họ bị xúc phạm hơn là được tôn trọng.
- Cám ơn: Cám ơn là hành vi của tâm tình biết ơn. Cám ơn khi được góp ý làm cho người góp ý cảm thấy họ được trân trọng; cám ơn về lời sửa lỗi như là một lời hứa và là khởi điểm của hành vi hoán cải, sửa sai.
Dành giây phút thinh lặng để nhìn lại xem tôi đón nhận những lời sửa lỗi của anh chị em tôi thế nào. Có như Lời Chúa mời gọi tôi hay không?
“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó” (c.15). Tình yêu với tha nhân đòi buộc ta có bổn phận “đi sửa lỗi” cho anh em mỗi khi thấy người anh em “trót phạm tội”. Theo tiên tri Êzêkien Đức Chúa đặt mỗi chúng ta làm người cảnh báo cho những ai mắc lỗi để họ từ bỏ con đường xấu xa, nếu ta không cảnh cáo thì người phạm lỗi sẽ phải chết vì tội của nó và ta cũng phải đền nợ máu của họ (Ed 33:7-8). Lời Chúa trong Tin Mừng dạy cho tôi về thái độ cần thiết khi “đi sửa lỗi” cho anh em để lời góp ý của tôi được người anh em “trót phạm tội” đón nhận, đó là phải biết nhạy cảm, biết cách để sửa lỗi, tha lỗi và kiên nhẫn.
- Nhạy cảm nghĩa là phải có khả năng để phán đoán về một hành vi sai lỗi mức độ nặng nhẹ, hiểu được lỗi phạm ở mức độ nào cần góp ý như thế nào. Nhạy cảm để biết lúc nào thì góp ý chứ không phải mọi lúc mọi nơi đều nói lời sửa lỗi. Nhạy cảm để biết góp ý đối với người này thì phải nói thế này mà đối với người kia thì phải dùng lời lẽ khác; và nhạy cảm để biết khi nào thì cần dừng lại những lời góp ý sửa lỗi.
- Cách sửa lỗi: Đó có thể là bằng lời nói, bằng cử chỉ... Lời nói phải thế nào để người được sửa lỗi có thể đón nhận được và hiểu được sai lỗi của mình. Sửa lỗi chứ không phải mắng mỏ, trách móc. Cử chỉ và thái độ của người góp ý phải tỏ ra được sự chân thành và khoan dung sẽ giúp cho người được góp ý không còn thái độ đề phòng, phản ứng, tự vệ; cử chỉ và thái độ góp ý tỏ ra tôn trọng người mắc lỗi sẽ giúp cho hai bên dễ dàng trao đổi và lắng nghe nhau.
- Tha lỗi: để lời nói, cử chỉ và thái độ góp ý của mình được đón nhận, lắng nghe... người sửa lỗi trước hết phải tha người mắc lỗi. Khi tha lỗi cho người anh em, người sửa lỗi sẽ đến với người được sửa lỗi với một tâm trạng hiền hoà và tôn trọng. Lời sửa lỗi lúc này không còn là trách cứ, cử chỉ không còn là hằn học, thái độ không còn là giận dữ, nhưng đó là lời góp ý chân tình muốn giúp anh chị em mình nên tốt hơn; đó không phải là một thái độ tấn công, hơn thua mà là cử chỉ yêu thương đối với anh chị em mình và nhằm xây dựng gia đình, cộng đoàn... Tha lỗi, nói theo ngôn ngữ của ĐGH Phanxicô đó là “xây cầu nối chứ không phải xây bức tường ngăn cách”. Để có thể tha lỗi thì phải cầu nguyện, do vậy người sửa lỗi cần phải cầu nguyện trước khi sửa lỗi cho anh chị em mình.
- Kiên nhẫn: Phải kiên nhẫn trong việc sửa lỗi anh chị em mình. Kiên nhẫn để giúp họ hiểu ra lỗi lầm, kiên nhẫn với những tái phạm của họ để tiếp tục tha lỗi và sửa lỗi giúp họ thăng tiến bản thân, sửa chữa lỗi lầm của họ mà vì giới hạn và yếu đuối trong thân phận làm người họ đã tiếp tục sai phạm.
Dành giây phút thinh lặng để nhìn lại cách tôi sửa lỗi cho người khác có theo tinh thần của Chúa hay không?
Một câu chuyện tưởng tượng kể rằng: Ngày kia hòn đá thô (có nhiều khía, nhiều cạnh) nhìn thấy một người mang thật nhiều đá cuội đến bày bán bên đường, nhiều người cầm lên thích thú mân mê… Có người mua về đặt trên bàn, có người mua về thả vào chậu nước nuôi cá cảnh,… Nó thắc mắc và lân la đến hỏi một hòn đá cuội:
- Tại sao người ta thấy anh thì thích, trong khi tôi ở đó chẳng ai thèm ngó tới.
Hòn đá cuội không giải thích, chỉ cười và nói với hòn đá thô:
- “Bạn hãy đi xuống dòng suối và ở đó, trong dòng nước chảy… sau đó bạn sẽ hiểu vì sao.”
Hòn đá thô tin lời đá cuội và lăn đến một dòng suối… Nó bắt đầu kinh qua một trải nghiệm…. Tại đó nó bị dòng nước xô đẩy… chung đụng với những hòn đá khác, đôi khi với những tảng đá hai bên...
Trong dòng nước, từng giờ, từng phút nó bị va vập lúc mạnh, lúc nhẹ với hòn đá này, tảng đá kia…, có khi bị gảy bể những khía nhọn trên thân mình của nó… nó cảm thấy đau,… có lúc đau đến ê ẩm như muốn vỡ tan ra.
Đôi khi nó nghĩ hình như đá cuội đánh lừa mình, đây là một nơi không đáng để mình hiện diện… Nhưng nó lại tin vào lời đá cuội và tiếp tục ở lại nơi dòng suối… ngày qua ngày, tháng hết tháng, năm này đến năm kia…
Một ngày kia, có đoàn người đến dòng suối để tìm nhặt những hòn đá cuội… Nó được một bàn tay nhặt lên và nói trong vui sướng: “Ô hòn đá cuội đẹp quá!”
Nó nghĩ, mình là đá thô kia mà. Nó lại nghe: “Hòn đá cuội đẹp thật!”
Và nhiều người chạy đến xem, chuyền tay nhau nâng niu và trầm trồ khen…
Lúc bấy giờ nó hiểu được rằng mình đã thay đổi. Nó tự nhủ rằng: “À thì ra bây giờ mình đã là đá cuội! Hòn đá mà nhiều người yêu thích khi cầm lên, thích thú ngắm nghía…”
Lạy Chúa Giêsu, là thân phận con người, không ai trong chúng con là hoàn hảo, bản chất của con người mang tính xã hội và chúng con sống trong xã hội, chúng ta dễ dàng vấp phạm và tái phạm, nhưng tạ ơn Chúa cho chúng con được sống chung với anh chị em mình, đó là phương tiện Chúa dùng giúp con sửa lỗi để ngày càng nên tốt hơn, hoàn thiện hơn. Xin dạy cho con biết khiêm tốn để đón nhận lời sửa lỗi để thay đổi; và cũng biết tập luyện cách để sửa lỗi khi anh chị em con “trót phạm tội”; xin giúp con luôn hiểu rằng biết nhận lỗi và biết cách sửa lỗi cho anh chị em là một trong những cách thế xây cầu hiệp nhất cho đời sống gia đình, cộng đoàn; đó cũng là cách để đem lại cho con sự bình an và niềm vui nội tâm. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng tập thể là môi trường giúp chúng con nhận lỗi và sửa lỗi, nhờ đó mà con ngày càng hoàn thiện bản thân và làm cho gia đình, cộng đoàn, xã hội nơi chúng con sống trở thành thiên đàng chứ không phải hoả ngục.
Hoa Hạ, fsc