Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến và làm cho chúng con nên những người Chúa chọn đem tình yêu đến cho tha nhân. Xin nhờ việc rước lấy Thánh Thể Chúa, xin cho con được đồng thừa hưởng với các thánh trong Nước vinh hiển, Nước mến yêu của Chúa
BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 21TNB
Ga 6:60-29
Đức Tin và Thánh Thể
Ông Simon Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa." (Ga 6:68-69)
Đoạn Tin Mừng Ga 6:60-69, đây là đoạn kết của diễn từ Bánh Hằng Sống, ở đoạn này thường thuật về hai phản ứng của những người nghe Đức Giêsu giảng về diễn từ này. Một nhóm bất mãn và rút lui; còn nhóm khác, mà Phêrô là đại diện, diễn tả sư trung thành, khiêm tốn và đầy tin tưởng vào Đức Giêsu.
"Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi? " (Ga 6:60). Diễn từ Bánh Hằng Sống của Đức Giêsu đến đoạn cuối đã làm cho số đông thính giả cảm thấy chướng tai và “từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.” (Ga 6:66). Rõ ràng khi mạc khải về mầu nhiệm hay chân lý đức tin, Đức Giêsu không tìm cách làm mát tai hay vừa lòng người nghe, cũng không tỏ ra tìm cách lôi kéo thính giả theo kiểu của các chính trị gia khi vận động tranh cử. Những môn đệ lấy làm chướng tai khi nghe Đức Giêsu mạc khải:“thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.” (Ga 6:55-56); Đức Giêsu như không cần nghe những lẩm bẩm của các “môn đệ”, Ngài quả quyết: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” (Ga 6: 63). Lời Chúa dạy cho ta hiểu rằng, mầu nhiệm Thánh Thể là một mạc khải thuộc về bình diện đức tin, nó vượt lên trên bình diện lý trí; tự sức riêng con người không thể hiểu thấu các mạc khải thần linh, trên bình diện lý trí, những “môn đệ” không thể chấp nhận nổi với dáng vẻ tầm thường của con người Giêsu đang ở trước mặt họ lại trở nên “của ăn thần linh” nuôi sống họ.
Ngày hôm nay, nhiều người cũng vấp phạm trước Bí tích Thánh Thể, vì họ cũng chỉ thấy hình dạng Tấm Bánh bé nhỏ của Thánh Thể, bằng lý trí, làm sao để tin chính Chúa Giêsu hiện diện một cách thực sự và theo bản thể: với Mình và Máu Ngài, với linh hồn và thần tính của Ngài; làm sao để tin chính Chúa Giêsu trọn vẹn, vừa là con người, vừa là Thiên Chúa dưới hình bánh rượu. Con người không thể giải thích Bí tích Thánh Thể bằng lý trí, vì đây là một mầu nhiệm đức tin, mầu nhiệm mà mỗi khi cử hành thì Dân Chúa tuyên xưng mầu nhiệm Chúa chịu chết, mầu nhiệm Chúa sống lại và mầu nhiệm Chúa quang lâm. Trong thánh lễ, sau khi truyền phép thì Linh mục chủ sự tuyên xưng: “Đây là mầu nhiệm đức tin - Mysterium Fidei”. Cộng đoàn phụng vụ đáp: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng chúng con Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến.” Tôi có xác tín mỗi khi tôi tuyên xưng mầu nhiệm Thánh Thể chăng?
“Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho." (Ga 6: 65). Đức tin là một ân ban từ Thiên Chúa. Đức tin đòi chúng ta phải khước từ cách hiểu thông thường dựa vào giác quan, dựa vào trí hiểu và lý luận. Đức tin là một mời gọi, một “hối thúc” ta phải chấp nhận từ bỏ ánh sáng riêng của lý trí, của lý luận được coi là có tính khoa học để đón nhận một “hữu thể thần linh” là Chúa Giêsu nơi Thánh Thể mà không thể kiểm chứng được bằng các phương thế của nhân loại. Chỉ những ai được Chúa Cha ban cho ơn đức tin thì mới có thể đón nhận và đến với Chúa Giêsu nơi Bí tích Thánh Thể: "Tôi là bánh từ trời xuống... Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6:41.43); và “tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.” (Ga 6:57).
Bánh Hằng Sống nhắc ta nhớ đến “cây hằng sống” trong vườn địa đàng, nguyên tổ loài người, đã dùng tự do và lý trí để đi tìm được sống đời đời theo cách của mình, họ đã không chọn hái trái của “cây hằng sống” (St 2:9.16) mà chọn hái trái của “cây biết lành biết dữ” (St 3:6), họ đã làm đổ vỡ mọi tương quan và thay vì tìm đạt tới sự sống thì đã đưa tới diệt vong. Ngày nay, Bí tích Thánh Thể là Bánh Hằng Sống mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, để ai ăn thì sẽ được sống muôn đời; nhờ đức tin mà ta không còn đến ăn trái của “cây hằng sống”, nhưng được mời đến bàn tiệc thánh để lãnh nhận Bánh Hằng Sống là Bí tích Thánh Thể. Tôi có thái độ thế nào khi đến tham dự bàn tiệc thánh? Tôi học được gì từ kinh nghiệm từ chối trái của “cây sự sống” trong vườn Địa đàng?
"Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa." (Ga 6:68-69). Trước sự rút lui của những “môn đệ”, thánh Phêrô đã tuyên xưng một lời đầy khiêm hạ bày tỏ sự trung thành và tin tưởng: “bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.” (c.68) Gương đức tin của thánh Phêrô mời gọi ta phải có một thái độ khiêm tốn để lý trí quy thuận Đấng mạc khải là Thiên Chúa (GLCG số 143). Đức tin là một ân ban, do vậy, ta cần có ân sủng của Thiên Chúa và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Ðấng thúc đẩy và quy hướng tâm hồn ta về cùng Thiên Chúa, mở mắt tinh thần và ban cho "ta cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý". Với thái độ khiêm tốn của đức tin và ân sủng của Chúa, ta nhận ra, nơi Bí tích Thánh Thể, ân sủng của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình. Với thái độ khiêm tốn của đức tin và ân sủng của Chúa, ta nhận ra, nơi Bí tích Thánh Thể, tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người đã tự tỏ bày là trở nên “cảm nếm được”. Với thái độ khiêm tốn của đức tin và ân sủng của Chúa, ta nhận ra, nơi Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa nói với con người không chỉ bằng Lời mà còn bằng chính hành động “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em... Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (Lc 22:19-20; x. 1Cr 11:24-25).
Lạy Chúa Giêsu, là bánh thần linh, bánh ban sự sống, xin cho chúng con một đức tin khiêm tốn để nhận thấy vinh quang của Chúa trong mầu nhiệm Thánh Thể; xin cho chúng con một đức tin khiêm tốn, để thờ lạy Chúa là Đấng Phục Sinh và đang hiện diện thực sự nơi Thánh Thể; xin cho chúng con một đức tin khiêm tốn để tin Bí tích Thánh Thể là Bánh Hằng Sống, là lương thực cho chúng con ở đời này, là nơi an nghỉ là niềm thoả mong khát vọng hạnh phúc cho chúng con trong tương lai.
Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến và làm cho chúng con nên những người Chúa chọn đem tình yêu đến cho tha nhân. Xin nhờ việc rước lấy Thánh Thể Chúa, xin cho con được đồng thừa hưởng với các thánh trong Nước vinh hiển, Nước mến yêu của Chúa..[3]
Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc