Bài Học Từ Lời Chúa _ Chúa Nhật 2 PS_ Ga 20:19-31

17/04/2023nulasanvnSuy niệm Chúa Nhật
Chúng ta thường có nhiều nỗi sợ... Cụ thể, trong đại dịch Covid 19 đang hoành hành trên toàn thế giới, nhiều người để cho nỗi sợ và cái chết lấn át… những người bị nhiễm virus corona sợ chết, cái cảnh chết chóc đáng sợ là không được chia tay với người thân trong giây phút cuối cùng…, sợ thiếu máy thở, sợ thiếu khẩu trang kháng khuẩn, sợ vào trại cách ly, sợ bị cô độc, sợ mất việc làm, sợ bị thiếu thốn nhu yếu phẩm mà phải đói,…

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 2PS

Ga 20:19-31
Lòng Thương Xót Đem Lại
Bình An và Niềm Vui Trong Cơn Đại Nạn

Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy,
thì Thầy cũng sai anh em."
(Ga 20:19-21)

 

“Vào ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" Câu Tin Mừng thánh Gioan tường thuật cảnh tượng sợ hãi người Do Thái của các môn đệ (c.19a). Cái sợ của những con chiên trong nơi trú ẩn sau khi bị “đánh cho tan tác”. Cái sợ của hoang mang thất vọng sau ba năm theo Thầy... Cái sợ phải bị liên lụy... Cái sợ của hụt hẫng về tương lai... Nỗi sợ ấy khiến họ thu mình lại trong căn phòng và đóng kín cửa để tạo nên một sự an toàn giả tạo bên ngoài. Lòng thương xót của Chúa không để các ông rơi vào tuyệt vọng, Chúa Phục Sinh hiện đến đứng giữa các ông và ban bình an (c.19b). Lòng thương xót mà chính Người đã vâng ý Chúa Cha để biểu lộ cho toàn thể nhân loại qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, nay Chúa lại tỏ bày cho các ông khi “cho các ông xem tay và cạnh sườn” và các ông nhận được bình an. Khi đụng chạm được sự bình an do bởi lòng thương xót của Đấng Phục Sinh, sự lo âu, sợ hãi của các môn đệ tiêu tan, và các ông đã vui mừng (c.20).

Chúng ta thường có nhiều nỗi sợ... Cụ thể, trong đại dịch Covid 19 đang hoành hành trên toàn thế giới, nhiều người để cho nỗi sợ và cái chết lấn át… những người bị nhiễm virus corona sợ chết, cái cảnh chết chóc đáng sợ là không được chia tay với người thân trong giây phút cuối cùng…, sợ thiếu máy thở, sợ thiếu khẩu trang kháng khuẩn, sợ vào trại cách ly, sợ bị cô độc, sợ mất việc làm, sợ bị thiếu thốn nhu yếu phẩm mà phải đói,…

Trong Thư Kêu Gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 10/4/2020, ĐTGM Giuse Nguyễn Văn Linh mô tả nỗi sợ nạn dịch: “Đại dịch này đã đạt đến đỉnh điểm bùng phát và lây lan. Nhanh như chớp, nó đi khắp nơi trên thế giới mà không cần hộ chiếu… Toàn thể nhân loại đã trở thành nạn nhân của loại virus hung dữ này: hàng vạn người tử vong, hàng triệu người bị lây nhiễm, hàng tỉ người, thậm chí quá nửa nhân loại bị cô lập. Y bác sỹ, nhân viên y tế nhiều nơi chết vì kiệt lực do số bệnh nhân quá đông…. Hàng triệu người mất công ăn việc làm, chìm đắm trong lo âu, sợ hãi. Thành phần đáng thương hơn cả là những người làm nghề thu nhập thấp như bán hàng rong, vé số, ve chai, tài xế, xe ôm, công nhân… Họ sẽ sống thế nào trong thời gian chờ đợi thấp thỏm, không biết đến khi nào trận đại hồng thuỷ Covid-19 mới trả lại cuộc sống bình yên.”

Nỗi sợ và cái chết như đang lấn át, đè nặng trên con người trên thế giới trong thời điểm này… Nỗi sợ và cái chết đôi khi ăn mòn chí khí của chúng ta, khiến chúng ta thu mình trong pháo đài của “cái tôi”. Nỗi sợ và cái chết đôi khi đẩy con người đến sự nghi kỵ lẫn nhau, không còn tin vào anh chị em mình và nghi ngờ cả quyền năng của Thiên Chúa. Nỗi sợ hãi đến nỗi ta chỉ biết tự quy hướng về chính mình tìm an toàn trong phòng được đóng kín, sống thờ ơ với anh chị em đang lâm cảnh khổ đau.

“Đặt ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy...” Hôm nay, Chúa Phục Sinh cũng đang hiện diện, Ngài đã tỏ lộ các dấu tích đau đớn của Ngài nơi những nạn nhân của đại dịch…, Ngài cũng để lại bình an của Ngài qua lòng thương xót nơi những tâm hồn quảng đại dấn thân của các y tá bác sĩ, của những linh mục, nữ tu, các Kitô hữu thiện nguyện dám lên đường để phục vụ tại các vùng dịch một cách sáng tạo và rộng khắp, nơi chính vị linh mục dám trao máy thở cho một thanh niên để anh ta được sống. Chúa Phục Sinh mời gọi chúng ta hãy ngước nhìn xem tay chân và cạnh sườn của Chúa Phục Sinh, và hãy chạm đến “thánh giá”, hãy sờ “vào những dấu đinh và dấu mũi đòng” của Chúa cách hiện sinh nơi những đau khổ của các anh chị em bệnh nhân nhiễm dịch, nơi những thiếu thốn của những người thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nạn dịch, nơi mệt mỏi và kiệt sức của các y bác sĩ tại vùng tâm dịch và nơi những tấm lòng nhân hậu và dấn thân cứu người trong cơn dại dịch này... Chúng ta sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi và bình an của Đấng đã chịu chết và đã sống lại sẽ ở cùng ta.

“Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (c 21). Một khi nhận được bình an và Thánh Thần của Chúa Phục Sinh, môn đệ của Chúa Phục Sinh phải tiếp tục sứ vụ của Ngài là thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa qua sự phục vụ. Thông điệp Phục Sinh 2020, một Mùa Phục Sinh mà thế giới đang trong cơ sợ hãi của nạn dịch do virus corona, Đức Thánh Cha Phanxico viết: Đây không phải là thời gian cho sự thờ ơ, bởi vì cả thế giới đang đau khổ và cần phải đoàn kết để đối mặt với đại dịch… Đây không phải là thời gian để tự quy hướng về chính mình, bởi vì thách thức mà chúng ta đang đối mặt được chia sẻ bởi tất cả mọi người, không phân biệt người này người khác…. Đây không phải là thời gian cho sự chia rẽ…. Đây không phải là thời gian cho sự lãng quên….”[1]

Khi tỏ lộ các dấu đinh và cạnh nương long, Chúa Phục Sinh khơi lên nơi chúng ta viễn cảnh của một thế giới hòa bình nhờ thực thi lòng thương xót qua việc dấn thân đến với người nghèo bằng những hành động phục vụ cụ thể…., một thế giới hòa bình nơi đó, mỗi chúng ta biết phục vụ người khác với tất cả niềm tin và hy vọng vào Chúa Phục Sinh. Môn đệ của Chúa, từ đây, phải ra đi, đừng quá sợ hãi sẽ phải bị mắc dịch vì cứu giúp anh chị em đang cần đến chúng ta; hãy ra đi như các bác sĩ, y tá, các nhân viên y tế trong các bệnh viện cứu chữa cho những người nhiễm virus corona, họ dám đánh đổi cả chính mạng sống của họ.

Phải ra đi, Đức Phanxico thích một “giáo hội ra đi dù phải mang thương tích, rủi ro hơn là một “giáo hội bệnh hoạn luôn luôn đóng cửa để sống trong tòa tháp an toàn. Hãy ra đi đến với người khác, nhất là người dễ bị tổng thương và người nghèo ở vùng ngoại vi, người có thu nhập thấp đang mất phương tiện làm ăn để đáp ứng lại các nhu cầu xảy đến cho họ do nạn dịch COVID-19. Ra đi trong nhiều hình thức phục vụ… Ra đi để làm cho người khác đụng chạm được lòng thương xót của Thiên Chúa và để họ có được niềm vui được quan tâm, được ân cần giúp đỡ, để họ cảm nhận được bình an. Điều này đòi hỏi chúng ta phải can đảm chấp nhận rủi ro.

Chúa Phục Sinh luôn hiện diện ở đó trước chúng ta, chúng ta sẽ làm cho Ngài được đụng chạm đến con tim của anh chị em chúng ta, đến thương tích của họ, chạm đến tâm hồn đang đau khổ, những con người đang cô đơn, những tâm hồn đang nguội lạnh... để Ngài ban bình an cho họ. Chúa Phục Sinh cần nơi ta com tim, đôi mắt, đôi tay, đôi chân  biết thương xót. Hãy ra đi... Chúa đang sai tôi... đem bình an cho đời. Chúng ta sẽ vui mừng vì thấy Chúa một cách hiện sinh nơi người nghèo và Ngài sẽ ban cho chúng ta bình an.

Lạy Chúa, trước mặt Chúa, Đấng toàn thánh toàn thiện, con luôn ý thức rằng mình thật bất xứng. Xin Chúa cũng ban cho bình an và Thánh Thần để chúng con được biến đổi và can đảm ra đi thể hiện lòng thương xót và trắc ẩn của Chúa cho những người đang cần đến chúng con. Xin cho chúng con dám ra khỏi con người kiêu ngạo, ích kỷ, tìm sự an toàn để dám chấp nhận rủi ro khi phục vụ anh chị em đồng loại, đem đến niềm vui và bình an cho họ trong cơn đại dịch đang gây nên bao nỗi sợ hãi.

Chúa nhật Lòng Chúa Thương Xót – Mùa dịch Covid 19

Hoa Hạ, fsc

 

[1] Thông điệp Phục Sinh của ĐGH Phanxico, ngày 12/4/2020

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2023. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật