Bài Học Từ Lời Chúa_Chúa Nhật 18B TN_Ga 6:24-35

26/06/2024SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Hãy thinh lặng và nghiêm túc đặt mình trước nhan Chúa, đối diện với con người thật của mình, đừng dối lòng để duyệt xét lại đời mình: Phải chăng ta đang đói ăn thứ tiền bạc, đói ăn thứ quyền lực, đói ăn sự an toàn, đói ăn các tiện nghi, đói ăn các trò giải trí... và đang tìm kiếm để thỏa mãn.

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 18TNB
Ga 6:24-35

Hãy Ra Công Tìm Kiếm Bánh Trường Sinh

"Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông.(Ga 6:27)

Lời Chúa Ga:24-25 giới thiệu cho con người một thứ lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Bài học ở đây là cách Chúa Giêsu giới thiệu về Thánh Thể là Bánh đem lại phúc trường sinh khởi đi từ sự tìm kiếm của ăn vật chất nuôi sống thể lý của con người, đó cũng chính là thói thường của con người; từ đó Ngài dạy cho ta biết con người còn đói một thứ sự sống khác nữa và dạy cho ta cách để tìm kiếm sự sống ấy.

"Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê.” (Ga 6:26). Bánh là một loại lương thực làm no nê về thể lý, là nhu cầu thiết yếu của con người. Chính “Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philípphê: "Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?" (Ga 6:5). Trong những ngày thực hiện lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố Sài Gòn,[1] người ta đổ xô nhau đi mua thực phẩm dự trữ. Những ngày giãn cách xã hội, vì không được ra ngoài, không được tu tập... nhiều người thiếu cái ăn... và nhiều tổ chức xã hội, tổ chức tôn giáo, những cá nhân có lòng từ tâm quảng đại đã tổ chức các hoạt động từ thiện để đưa lương thực đến cho những người nghèo; trong các phát biểu của các nhà chức trách luôn nhắc đi nhắc lại rằng không để bất cứ người dân nào thiếu ăn thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu.[2] Tin tức trên báo chí Việt Nam cho hay: “hai bên vỉa hè đều có dãy người dân xếp hàng dài cả trăm mét để được vào mua thực phẩm.” [3] “các điểm bán ở TP.HCM phải rơi vào tình cảnh không đủ hàng để bán, giá tăng vọt thì tại các nhà vườn ở tỉnh, thành lân cận, nông dân phải "ôm" hàng vì không tiêu thụ được. Việc nông sản đến kỳ thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra, rớt giá tạo nên một nghịch lý của chuỗi cung ứng giữa các tỉnh với TP.HCM do ảnh hưởng của dịch COVID-19.”[4]

Thế mới hay con người cần được ăn no để sống, và đáp ứng nhu cầu ăn để sống là một tiêu chí hàng đầu để xác định nhân phẩm của con người. Mặt khác, kinh nghiệm cha ông từ bao đời nay dạy cho ta rằng “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.” Miếng ăn thể hiện lòng tham của con người, cái ăn rất có thể làm con người mất nhân phẩm. Làm người đừng quá vì cái ăn, đừng lăn tăn với miếng to miếng nhỏ mà bị cuốn vào lối sống tìm kiếm các giá trị vật chất, ta sẽ đánh mất đi giá trị cao quý vốn có của nhân phẩm con người. Kinh nghiệm thực tế cho thấy rằng, khi ai đó tự cho mình bị mất “miếng ăn” thì người ta dễ nhìn tha nhân như là “kẻ ăn bám”, “ăn cướp”... họ sẽ không thiếu những từ ngữ thô thiển để xỉa xói, để mạt sát nhau và họ rất tìm cách để hạ phẩm giá của nhau xuống, coi nhau là “chó”, mắng nhau bằng đủ loại tên súc vật.

Hãy thinh lặng và nghiêm túc đặt mình trước nhan Chúa, đối diện với con người thật của mình, đừng dối lòng để duyệt xét lại đời mình: Phải chăng ta đang đói ăn thứ tiền bạc, đói ăn thứ quyền lực, đói ăn sự an toàn, đói ăn các tiện nghi, đói ăn các trò giải trí... và đang tìm kiếm để thỏa mãn. Cuộc sống chỉ dừng lại với những thỏa mãn cơn đói vật chất, nguy cơ làm cho chúng ta trở nên “hư nát” nhân phẩm như chính những “lương thực hay hư nát” mà ta tìm kiếm. Và chúng ta sẽ thấy ngỡ ngàng rằng việc bước theo Chúa Giêsu không phù hợp với chúng ta, rồi chắc chắn chúng ta sẽ dễ dàng bỏ Ngài, vì mục đích của ta tìm Chúa, theo Chúa chỉ là để được “ăn bánh no nê”.

“Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông.” (Ga 6:27) Đây là một lời mời của Chúa Giêsu, Ngài mời ta hãy tiến xa hơn, đừng dừng lại nơi chân trời quen thuộc của vật chất, mà hãy tiến xa hơn đến khát vọng cao siêu mà Thiên Chúa đã phú vào nơi con người ngay khi tạo thành nên ta. Chúa Giêsu khởi đi từ một nhu cầu vật chất để giới thiệu một thực tai siêu nhiên, đây là sư phạm của Ngài. Chúng ta cũng được mời gọi, từ những dấu chỉ thực tế hãy chiêm nghiệm một thực tại siêu nhiên. Chúa Giêsu lấy hình ảnh “lương thực mau hư nát” để dẫn đưa con người ta đến “lương thực thường tồn.” Ngài cho ta thấy hai loại sự sống cần hai thứ của ăn: của ăn vật chất đáp ứng cho sự sống thể lý, một loại sự sống sẽ bị hư nát đi sau khi chết; còn “lương thực do Con Người ban” sẽ đem lại cho con người “phúc trường sinh”. Ở đây không phải là Chúa dạy chúng ta khinh thường lương thực nuôi sống hằng ngày, chính Ngài đã dạy cho chúng ta cầu xin Chúa Cha ban cho chúng ta “hôm nay lương thực hàng ngày” (Mt 6:11); nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta “hãy ra công làm việc” cùng với một lòng khao khát để tìm kiếm thỏa mãn khát vọng đích thực của con người, khát vọng đạt tới ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người đó là được hiệp nhất với Thiên Chúa, bởi chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm được chân lý và hạnh phúc đích thực (GLCG số 27).[5]

Linh mục Henri Nouwen, nhận ra được “tiếng gọi bên trong của tình yêu” viết lại một “linh huấn” mời ta “chấp nhận danh phận con Thiên Chúa” của chúng ta như sau:

“Danh phận đích thực của bạn là con Thiên Chúa và bạn phải chấp nhận danh phận đó. Một khi bạn đã chấp nhận và yên vị với nó, bạn mới có thể sống trong một thế giới đem đến cho bạn nhiều hân hoan cũng như đau khổ. Bạn có thể đón nhận lời khen chê như là dịp để bạn củng cố danh phận này; bởi vì danh phận đó khiến bạn tự do bám rễ bên ngoài mọi lời khen chê của con người. Bạn thuộc về Thiên Chúa và được gửi đến thế gian này với tư cách là con của Ngài.” [...] Luôn luôn có cám dỗ ngăn cách bạn và khiến bạn bị chìm đắm trong lời khen tiếng chê của thế gian.”[6]

“Linh huấn” giúp ta nhận thức sâu sắc rằng chớ hài lòng với cuộc sống chóng qua, với những thỏa mãn vật chất, nhưng hãy ước muốn sự sống đời đời và hãy làm những gì cần thiết để chiếm cho được sự sống đó ngay ở đời này. “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho” (Ga 6:27). Chúa Giêsu mạc khải cho ta một thứ mà ta phải tìm kiếm đó chính là Thánh Thể của Ngài – thứ lương thực Con Người ban cho nhân loại. Đây là sáng kiến của Thiên Chúa và mời gọi chúng ta đáp lời bằng cách đến với Chúa Giêsu và tin vào Ngài. Tôi nhìn lại đức tin của tôi mỗi khi tôi tham dự Thánh lễ (?)

Lạy Chúa, xin đừng để con dừng lại nơi những thỏa mãn vât chất trần thế, mà cho con biết đói khát và ra công tìm kiếm lương thực cốt yếu, thứ lương thực đem lại phúc trường sinh mà Con Người sẽ ban cho nhân loại, đó chính là Thánh Thể Chúa Giêsu. Chính Ngài đã mặc khải cho chúng con: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:34)

 

Sư Huynh Joseph Lê Văn Phượng, fsc

 

[1] Lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid 19 từ 09/07/2021

[2] Trích lời của Thủ tướng Việt Nam – Phạm Minh Chính. CV số 969/TTg-HCVX

[3] Ngày 14/7/2021. TTO. https://tuoitre.vn/xep-hang-dai-ca-tram-met-de-mua-thuc-an-o-cua-hang-thuc-pham-sieu-thi-luu-dong-20210714104757592.htm

[4] Ngày 17/7/2021. TTO. https://tuoitre.vn/rau-cu-da-lat-thong-duong-ve-lai-sai-gon-gia-mem-han-20210717191728823.htm

[5] Theo ý tưởng của Noel Quesson, Lời Chúa cho mỗi Chúa Nhật – năm B, Chúa nhật XVIII Thường Niên

[6] Henri Nouwen, “The inner voice of love” – Bản tiếng Việt “Tiếng gọi bên trong của tình yêu” do Antôn&Đuốc Sáng xuất bản 2018

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2024. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật