Bài Học Từ Lời Chúa _ Chúa Nhật 14 TN A_ Mt 11: 26-30

08/07/2023SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Sự nghỉ ngơi của Chúa Giêsu là bình an, nghĩa là với ân sủng Ngài làm cho chúng ta trở nên hoà điệu với tất cả mọi tạo vật, mọi người ở xung quanh chúng ta. Sự nghỉ ngơi của Chúa Giêsu là tình yêu, đó chính là khả năng mà chúng ta có thể quan tâm tới một ai đó hay một điều gì đó dù nhỏ nhất xung quanh chúng ta; đó chính là thời gian mà chúng ta có thể ở bên nhau.

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – TN 14A
Mt
11: 26-30

Hãy đến cùng Ta... Hãy học với Ta

"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng."

 

Lời Chúa trong đoạn Tin Mừng này là một trong những lời êm ái và có sức nâng đỡ cho chúng ta. Chúa Giêsu hiểu rõ những nổi vất vả, những sự khó nhọc của chúng ta trong thân phận làm người và làm Kitô hữu, Ngài mời chúng ta hãy đến với Ngài và hãy học với Ngài, chúng ta sẽ tìm được sự bình an

"Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Trong thân phận làm người, mỗi chúng ta theo ơn gọi lãnh nhận phải chu toàn phận vụ đã lãnh nhận. Đó là thập giá mỗi ngày mà ai trong chúng ta cũng phải mang vác cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Thập giá ấy là những gánh nặng của trách nhiệm; thập giá ấy là những gánh nặng của bổn phận hàng ngày, thập giá ấy là gánh nặng của tuổi tác, bệnh tật, thập giá ấy là gánh nặng của những lo toan phiền muộn... Vì thế chúng ta luôn mơ ước được có dịp nghỉ ngơi.

Chúa Giêsu hứa sẽ cho chúng ta được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Chỉ một điều mà Ngài cần nơi chúng ta, đó là mỗi người  “hãy đến với Ngài”. Chúng ta cần phải ĐẾN với Chúa Giêsu để tận hưởng sự nghỉ ngơi mà chỉ có nơi Ngài chúng ta mới tận hưởng được mà thôi.

Một kinh nghiệm đẹp khi mỗi người chúng ta có một gia đình hạnh phúc: Sau những giờ làm việc mệt mỏi ta muốn về nhà để được ở bên cạnh những người thân trong gia đình; sau những chuyến đi công tác xa nhà, chúng ta mong muốn trở về nhà để được nghỉ ngơi bên những người ta yêu mến... Sự nghỉ ngơi đó chính là một cảm giác bình an, vui vẻ, nhẹ nhàng trong yêu thương với những người thân yêu.

Chúa nói: “Hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi.” (Mt 11:28). Sự nghỉ ngơi mà Chúa Giêsu hứa ban cho chúng ta không phải là kỳ nghỉ ở đâu đó nơi bờ biển thơ mộng, hay nơi một hòn đảo; cũng không phải là một phòng nghỉ có nệm êm và có máy điều hoà mát mẻ trong một khách sạn...

Sự nghỉ ngơi của Chúa Giêsu là bình an, nghĩa là với ân sủng Ngài làm cho chúng ta trở nên hoà điệu với tất cả mọi tạo vật, mọi người ở xung quanh chúng ta. Sự nghỉ ngơi của Chúa Giêsu là tình yêu, đó chính là khả năng mà chúng ta có thể quan tâm tới một ai đó hay một điều gì đó dù nhỏ nhất xung quanh chúng ta; đó chính là thời gian mà chúng ta có thể ở bên nhau.

Trong một khoá giáo lý dự tòng khi chia sẻ cảm nghiệm được ơn nhận biết Chúa, một anh đã chia sẻ như sau: Là một kỹ sư điện toán, sau mỗi ngày làm việc căng thẳng anh ta thường ghé vào một quán càfé nhạc để thư giãn trước khi về nhà... Ngày nọ, anh đi ngang qua nhà nguyện Regina Mundi của Dòng Đức Bà trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận Ba, Sài Gòn, đang miên man lục tìm trong trí xem nên ghé quán càfé nào thì anh nghe tiếng thánh nhạc từ trong nhà nguyện vọng ra, bất chợt anh dừng lại và một ý nghĩ chợt loé lên: Tôi có thể vào đây nghe nhạc! Và anh ghé vào, ngồi ngoài hành lang trong trạng thái thưởng thức... Một chốc sau, một nữ tu đến và mời anh vào trong nhà nguyện... Sau giờ kinh nguyện anh ra về và lòng cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng... Cứ thế, hàng ngày anh lại ghé để nghe nhạc thư giãn miễn phí... rồi những lời kinh cũng làm anh chú ý... anh được thúc đẩy ước muốn cùng đọc kinh... Chính vợ anh cũng cảm nhận được sự thanh thản của chồng trong thời gian qua sau mỗi chiều anh trở về nhà... Đối với anh và gia đình của anh đó chính là một ơn bình an mà Chúa Giêsu ban cho anh, đó chính là động lực thúc đẩy anh đi đến quyết định xin gia nhập đạo thánh Chúa.

Hãy xin Chúa cho mỗi chúng ta được tận hưởng sự nghỉ ngơi trong Chúa Giêsu trong những giờ kinh nguyện hằng ngày, nhất là trong những dịp tĩnh tâm.

Chúa nói: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Sự nghỉ ngơi của Chúa Giêsu chính là sự tha thứ, đó chính là làm cho chúng ta có một con tim hoán cải, một con tim đổi mới, một con tim biết trải ra với mọi người, một con tim bừng cháy trước cái khó khăn, đau khổ, nghèo khó, một con tim nhạy cảm đối với anh em trong cộng đoàn, đối với cộng tác viên, một con tim trước người nghèo và trước những những học sinh đã không được như chúng ta mong đợi.

Chúa Giêsu không đến trừng phạt hay kết án hay đặt gánh nặng lên chúng ta. Nhưng Chúa đến để làm nhẹ gánh nặng cuộc sống của chúng ta, để nâng đỡ chúng ta trong những nỗi ưu phiền mà chúng ta gánh chịu và an ủi chúng ta trong những cơn lo buồn đau đớn. Chúa Giêsu hiền lành trong lòng nghĩa là sẳn sàng đón nhận chúng ta trở về và tha thứ cho những lỗi phạm của chúng ta.

Sự nghỉ ngơi của Chúa Giêsu là ân sủng và sự kiên nhẫn của Ngài ban cho ta để có khả năng để đón nhận những khó nhọc và gánh nặng.

“Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.... Ách của tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” Chúa Giêsu khiêm tốn nghĩa là Ngài không đến với chúng ta như là vua, là chúa mà là Con Người phục vụ. Trong sự khiêm tốn của Chúa, Ngài không chua cay gắt gỏng, không làm chán ngán, thất vọng để đáp lại sự quay trở về của chúng ta sau những lần sa ngã. Nhưng Ngài tỏ ra hiểu biết, thông cảm và tin tưởng vào sự thống hối ăn năn của chúng ta. Ngài luôn mời chúng ta đến với Ngài và trở nên sạch trong như Ngài.

Lạy Chúa, xin cho con biết đến với Chúa, để nhờ Lời Ngài trong Tin Mừng con tìm lại sự an ủi, êm ái mà chỉ có Ngài mới có thể trao ban. Xin cho con biết đến với Chúa, để nhờ Thánh Thể Chúa, con tìm được một lương thực thiên thần để tăng sức và bổ dưỡng cho con những khi yếu nhược...

Xin cho con học theo mẫu gương của Chúa, để trái tim của con nên tinh tuyền trong Trái Tim Chúa, nghĩa là bằng một tâm hồn bình an, một con tìm biết cảm thông, con biết nói lời tốt lành với anh chị em con, con biết thông cảm và tha thứ những sai lỗi của họ. Và cũng biết xin lỗi và sửa sai mỗi khi con vấp phạm đến anh chị em mình.

 

Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc

 

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2025. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật