BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA 14B
Mc 6:1-6
Vượt Ra Khỏi Lối Mòn Tư Duy
“Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6:4)
Đoạn Tin Mừng Mc 6:1-6 tường thuật về một thất bại của Đức Giêsu ngay tại quê hương Nazareth của Ngài vì những người đồng hương của Ngài rơi vào một “lối mòn tư duy” là họ cho rằng họ biết về Giêsu hơn ai hết và Giêsu đang hiện diện trước mắt họ với những lời giảng dạy và hành động của Ngài thì không thể chấp nhận được. Và Đức Giêsu “lấy làm lạ vì họ không tin” (Mc 6:6) và nói với họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6:4)
“Chúa Giêsu trở về quê nhà...” (Mc 6:1). Nazareth là một làng quê, người dân ở đây làm nghề nông, sống đơn giản, làm lụng suốt tuần, ngày thứ bảy họ đến hội đường để cầu nguyện. Cuộc sống bình thường của dân chúng tạ Nazareth cho thấy Con Thiên Chúa đã chọn lựa cách sống làm người trong sự khiêm tốn, đơn giản, như cách Ngài chọn để nhập thể làm người: sinh ra trong hang bò lừa nghèo hèn ở Bêlem.
“Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?” (Mc 6:3) Theo Tin mừng Marco, sau thời gian đi rao giảng, khởi đi từ bờ Biển Hồ Galilê, danh tiếng của Ngài cũng đã được đồn khắp, hôm nay, Đức Giêsu quay về quê hương, và có bài giảng ở hội đường vào ngày Sabat. Chắc chắn đó là một bài giảng hay, làm nhiều người sửng sốt, ngạc nhiên mà thốt lên: “Bởi đâu ông ta được như vậy?” (Mc 6:2). Người đồng hương thay vì hãnh diện thì họ lại bất bình, họ cho là họ biết về Đức Giêsu rõ hơn ai hết, họ giản lược chân dung của Ngài vào vị trí của một anh thợ mộc trong làng như trước khi Ngài thi hành sứ vụ, và do đó, những điều Ngài đã và đang làm trước mặt họ hay họ đã nghe đều không phù hợp với những gì họ biết về Ngài: “Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao?” (Mc 6:3). Chúng ta cũng rất dễ nhìn người khác trong giới hạn mình vạch ra, dễ chấp nhận “lối mòn tư duy” hơn là mở lòng ra trước một thực tại về một con người hay một vấn đề cuộc sống. Một em bé, tự cho bạn mình học kém hơn mình, một lần nào đó, bạn của nó làm bài kiểm tra có điểm cao hơn nó, nó không chấp nhận thực tế ấy, tức tối... Trong cộng đoàn hay xã hội, dán nhãn cho người nào đó luôn là một bệnh nan y khó chữa của lối mòn tư duy của con người.
Một tu sĩ kia kể rằng: Trong kế hoạch đi ra vùng ngoại vi, nhà dòng nọ đã lên kế hoạch phối hợp với một tổ chức xã hội để thực hiện cho người nghèo, rất tiếc là quyết định của nhà dòng nọ bị chậm một bước, tổ chức xã hội kia đã tìm được đối tác liên kết làm việc. Thế là vị Bề trên mới gọi một tu sĩ lên và giao cho việc làm sao để lập được một cơ sở giúp đỡ người nghèo vùng ven thành phố. Vị tu sĩ này vâng lời và bắt đầu nghiên cứu, lên kế hoạch thực hiện... Vào ngày vị tu sĩ này trình bày kế hoạch thực hiện cho các tu sĩ trong dòng, nhiều anh em đã nói gần như cùng một câu: “để xem anh ta làm viêc ấy được bao nhiêu ngày!”
Chúng ta hãy xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi sự bảo thủ, khỏi những lối mòn tư duy, khỏi sự đóng khung trí hiểu cũng như tâm linh khi đánh giá về anh chị em mình, khi đánh giá về các vấn đề xã hội, biết mở ra để thích nghi với những đòi hỏi mới, những hình thức mới.
"Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” (Mc 6:4) Sự thân quen về thể lý, vật chất làm che khuất đi tầm nhìn sâu xa về chiều kích thâm sâu của con người Giêsu (như là vị Ngôn sứ), nói theo tục ngữ Việt Nam là “quen quá hóa lờn” hay “gần chùa gọi Bụt bằng anh”, những người đồng hương đã “rẻ rúng” Đức Giêsu. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng: tương quan với Chúa Giêsu không phải là sự gần gũi về thể lý hay vật chất, không phải đến với Chúa Giêsu qua các cử hành phụng vụ và bí tích là đương nhiên thuộc về “gia đình” hay “đồng hương” với Chúa Giêsu và rồi được gọi là anh em chị em với Chúa Giêsu. Chúa dạy: “Ai làm theo thánh ý Thiên Chúa, đó mới là anh em, chị em và là mẹ của Thầy.” (Mc 3:35). Đây là một thử thách nghiêm trọng và gây bất bình về lòng tin. Người ta quá biết về thân thế trần gian của Đức Giêsu, nên không thể tin Ngài là Đấng phải đến, dù thấy những việc Ngài làm và theo đó, không thể làm theo lời dạy của Ngài.
Trong những ngày tháng này (tháng 6/2021), dưới nhiệm kỳ của ông Biden làm Tổng Thống nước Mỹ thì dấy lên vấn đề là các chính trị gia công giáo ủng hộ phá thai và hôn nhân đồng tính thì có được lên rước lễ không? Các Giám Mục Hoa Kỳ đã có một cuộc họp Hội Đồng Giám Mục để soạn thảo một tài liệu về Bí tích Thánh Thể, theo đó, các Giám Mục Hoa Kỳ muốn “đánh thức sự kinh ngạc của họ về món quà thiêng liêng, trong đó chúng ta được hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống.” Tài liệu được đề xuất bao gồm một tiểu mục về “sự nhất quán của Thánh Thể”, hoặc sự xứng đáng để rước lễ. Giáo hội dạy rằng những người Công Giáo ý thức về tội trọng kể từ lần xưng tội cuối cùng của họ không thể lên rước lễ” nhằm loại bỏ các chính trị gia Công Giáo kiên quyết phò phá thai khỏi gương mù gương xấu tiến lên rước lễ. Ông Ted Lieu – một dân biểu Hoa Kỳ đã hung hăng tweet cho các Giám Mục rằng: “Lần sau khi tôi đến nhà thờ, tôi đố ai dám từ chối không cho tôi rước lễ. Tôi đố ai dám cản trở tôi đến với Thiên Chúa.” Như người Nazareth bất bình với Đức Giêsu, thì ngày nay, nhiều người trong thế giới hôm nay cũng bất bình Giáo Hội, họ khinh miệt Giáo Hội, thách thức và tìm cách loại trừ Giáo Hội, đến độ đưa ra những chính sách hạn chế Giáo Hội thực hiện những chương trình cứu giúp con người.
Chúng ta phải luôn ý thức rằng, tôn giáo không phải là một thứ thời trang, hôm nay thích mặc vào ngày mai thay nó đi. Niềm tin càng không phải là một thứ để trang trí, thích thì vẽ kiểu này, dán màu kia, không thích thì thay đổi. Tin là xây dựng một tương quan với một Đấng, đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải. Tin vào Thiên Chúa là để cho trí tuệ, ý chí của mình hoàn toàn quy phục và thuận theo mạc khải của Thiên Chúa. Điều này làm cho đức tin Kitô giáo khác với sự tin tưởng vào một người phàm hay một thế lực trần thế (GLGHCG 143 và150).
Ngày nay, người ta thích tìm một Giáo Hội theo cách người ta nghĩ, làm theo những điều người ta muốn, và dạy cho người ta về niềm tin chỉ thỏa mãn tính xác thịt của con người.
Chúng ta cùng cầu nguyện cho Giáo Hội, cho các vị Chủ chăn trong Giáo Hội can đảm loan báo cho con người về một niềm tin giúp con người quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt tinh thần và ban cho "mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý" (GLGHCG số 153). Và chúng ta cũng cầu xin cho chính chúng ta biết nhận ra nơi những cơ cấu và những người đại diện trong Giáo Hội chiều sâu huyền nhiệm của những lời giảng dạy, hơn là nhìn vào những thực thể vật chất của con người thể lý.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con cầu nguyện cho Giáo Hội đang bị thách thức và loại trừ, xin cho các Chủ chăn can đảm để hướng dẫn dân Chúa sông niềm tin của mình theo chân lý mạc khải của Chúa. Xin cho chúng con cũng biết ra khỏi lối mòn tư duy – bảo thủ để mở lòng đón nhận những lời góp ý của anh chị em và hoán cải.
Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc