BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 25 TN A Mt 20, 1-16a

21/09/2023Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Khi biết quý trọng và không thèm muốn những của cải hay tặng phẩm của người khác. Ta sẽ thấy lòng mình thanh thản và tự do.

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 25 TNA

Về Sự Ân Thưởng Của Thiên Chúa

"Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.... tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? " (Mt 20:1.14-15)

 

Suy niệm về dụ ngôn trong Tin Mừng Mt 20:1-16 cho tôi những bài học rất quý giá về sự ân thưởng của Thiên Chúa: Thiên Chúa ân thưởng cho con người không hệ tại vào người ấy có chức vụ gì: giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, thủ tướng, tỉnh trưởng hay nhân viên văn phòng; không hệ tại vào việc người ấy giữ đạo lâu hay mới, đi tu lâu năm hay ít năm, nhiều tuổi hay ít tuổi đảng; không hệ tại vào công việc lớn hay nhỏ, thành quả của về công việc mà người ấy đảm trách như thế nào... Nhưng hệ tại vào sự hăng hái, nhiệt thành với lòng yêu mến của người ấy khi họ làm một công việc bổn phận được trao phó. Dụ ngôn cũng cho tôi bài học về cách hành xử đối với người khác, đó là khi thấy anh chị em tôi được may mắn, thành đạt trong cuộc sống, thì biết vui mừng và tạ ơn cùng với họ thay vì ghen tỵ, so bì.

"Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.” (Mt 20:1-2) Cách ông chủ thuê người làm vườn kỳ lạ, ông chủ đi tìm thuê người chứ không phải người làm thuê đi xin làm việc. Ông đi tìm người làm từ sáng sớm, giữa trưa lại đi ra khỏi nhà tìm người làm, chiều rồi, còn có một tiếng đồng hồ làm việc nữa thôi mà cũng đi ra tìm người làm thuê. Hành động của ông quả là khác thường và thể hiện lòng tốt của ông. Với những người ông thuê từ buổi sáng ông hứa sẽ trả công theo lẽ công bằng. Với những người vào giờ chiều, câu hỏi của ông: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” (c.6) càng thể hiện rõ sự quan tâm của ông đến những kẻ nghèo và ông mời họ: “cả các anh nữa hãy đi vào vườn nho” (c.7). Mỗi chúng ta luôn được mời gọi hành động cho Nước Trời, bất cứ thời điểm nào ta hiện hữu, “vườn nho” của Thiên Chúa bao la, thế giới này không bao giờ thiếu công việc cho chúng ta, mỗi người tuỳ theo thời điểm chúng ta được hiện hữu, chúng ta luôn được mời gọi tham gia vào công trình của Thiên Chúa, làm cho “vườn nho” của Người xinh tươi, tuỳ theo khả năng và thời giờ chúng ta có được. Tôi có nhận ra lời mời gọi Thiên Chúa dành cho tôi hôm nay, tại nơi tôi hiện diện chăng? Trong gia đình, tại giáo xứ, trong cộng đoàn dòng tu, nơi nhóm tông đồ, tuỳ theo phận vụ, khả năng và thời gian Chúa trao cho tôi. Tôi có nhận ra sự tham gia vào công trình của Thiên Chúa ngang qua các phận vụ thường nhật là một ân huệ do bởi lòng tốt của Thiên Chúa. Khi tôi nghĩ rằng phận vụ hằng ngày của tôi để phục vụ cộng đoàn là một gánh nặng, và tôi hiện diện trong cộng đoàn là để hưởng quyền lợi hơn là đóng góp xây dựng lúc ấy lòng ghen tỵ sẽ nảy sinh, tôi sẽ so bì với anh chị em về điều này, việc kia, tôi không còn nhận ra lòng tốt của Thiên Chúa cùng những ân huệ của Người ban cho tôi, nên lời kêu trách, ta thán luôn ở trên môi miệng tôi...

“Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: "Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất." (c.8) Cách trả công của ông chủ lại còn kỳ lạ hơn, từ “người mới vào làm lúc giờ mười một lãnh được mỗi người một quan tiền; đến lượt những người vào làm trước nhất cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.” (c. 9-10). Sự cố ý về cách trả công của ông chủ cho thấy Thiên Chúa có một cách ân thưởng khác với con người, và trong cách đó, cái xấu nơi con người bị lộ diện. Những người làm việc từ sáng vừa lãnh tiền vừa cằn nhằn (c.11), thay vì họ nhận ra lòng quảng đại của ông chủ và vui mừng cùng với những người so ra kém may mắn hơn họ từ khi hiện hữu trong “vườn nho” thì họ lại so bì, ghen tỵ. Các người làm công cả ngày bởi không nhìn lại sự thoả thuận của mình với “ông chủ” nên họ cảm thấy bị thua thiệt hơn những người đến sau. Thái độ cằn nhằn, so bì, tỵ nạnh của những người làm công từ buổi sáng không phải là thái độ mà Thiên Chúa muốn con người đối xử với nhau. Tin Mừng viết: “Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao... Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” (c.13.15). Biết nhìn lại quá khứ chính mình và so sánh về những gì ta đã và đang được ban tặng hay lãnh nhận trong cuộc sống, ta mới có thể bớt đi thói so bì, cằn nhằn về điều này hay điều khác mà anh chị em mình may mắn có được.

Trong đời sống của chúng ta cũng thế, tính ghen tỵ đã khiến ta coi đồng loại, người thân cận và hàng xóm là đối thủ mà ta phải hơn họ, khiến ta không nhìn thân nhân như Chúa muốn, nên rất dễ bất mãn, chán nản trong việc thi hành phận vụ, hoặc đôi khi tự cao tự đại, đòi hỏi quyền lợi vượt quá những gì chúng ta đáng được hưởng. Một con người như thế thì không còn quy hướng về nội tâm nữa, họ không còn kết hợp với Thiên Chúa và sống thiếu bác ái với tha nhân. Đừng bao giờ quên rằng lòng ghen tỵ là mối đe dọa cho cuộc sống, kẻ ghen tỵ chỉ muốn hạ sát đồng loại.

Hãy nhận ra những may lành của tha nhân và cùng vui mừng với họ, khám phá từ đó những bài học cho cuộc sống của chúng ta. Ta sẽ thấy cuộc sống ngày càng phong phú hơn.

Khi thấy người khác thành đạt, ăn nên làm ra, hãy vui mừng cảm tạ Chúa với họ, cho họ và thay họ. Khi biết quý trọng và không thèm muốn những của cải hay tặng phẩm của người khác. Ta sẽ thấy lòng mình thanh thản và tự do.

Một câu chuyện trong Sách Dân Số 11:26-29 kể lại khi ông Môsê mời các trưởng lão đến Lều Hội Ngộ để cầu nguyện xin Đức Chúa ban Thần Khí của Ngài, hai trong số họ không đến Lều Hội Ngộ, nhưng khi Thần Khí của Đức Chúa được ban xuống thì họ cũng được lãnh nhận nói tiên tri. Thấy cảnh tượng ấy, có người đã chạy đến với Môsê trình báo và xin ông ngăn cản họ lại. Môsê trả lời: “Anh ghen tỵ giùm tôi sao. Ước chi toàn dân đều nói tiên tri...” (Ds 11:29). Phản ứng của Môsê thể hiện tâm hồn của một con người biết tạ ơn Chúa, vui mừng với người khác khi nhận thấy họ lãnh nhận được những ơn đặc biệt về vật chất cũng như tinh thần. Ghen ghét là Mối Tội Thứ Sáu trong Bảy Mối Tội Đầu. Để chống lại ghen ghét thì phải yêu thương. Phản ứng của Môsê quả là bài học của yêu thương và lòng quảng đại mà mỗi chúng ta cần tập luyện, để không hành xử như những người làm công từ sáng sớm, đó là biết vui mừng và tạ ơn khi một người anh chị em mình thành công về một điều gì, hay được Thiên Chúa ban cho một năng lực mà mình không có được, hoặc khi họ được ai đó trao ban cho họ một điều gì đó.

Trong tâm tình của người thợ vào “giờ thứ mười một”, chúng ta mượn lời Thánh Thi để thưa lại cùng Chúa:

Lạy Chúa Kitô, đám thợ này,

Được gọi mướn làm buổi sáng nay.

Ân huệ vinh quang, lời đã hứa,

Dãi dầu mưa nắng phải đầy tay!

 

Chúng con vừa được Chúa gọi vào,

Công sá đâu còn nghĩ thấp cao!

Chỉ xin giúp sức làm hiện tại,

Rồi việc chắc Ngài sẽ thưởng sau.[1]

 

 

Hoa Hạ, fsc

 

[1] Thánh Thi Kinh Chiều thứ Sáu Tuần IV.

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2023. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật