BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 24 TN A Mt 18:21-35

14/09/2023Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Hãy nhìn thẳng, trực diện với chính con người thật của tôi, xét xem trong đầu tôi có đang tiềm ẩn sự trả đũa ai đó trong các mối quan hệ của tôi đối với người khác.

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 24 TN A

Mt 18:21-35
Xin tha tội cho chúng con
như chúng con đã tha cho kẻ có lỗi với chúng con.

"Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."
(Mt 18:22)

 

Đoạn Tin Mừng Matthêu 18:21-35, ông Phêrô đã đưa ra một vấn đề có tính chất cá nhân đó là sự tha thứ mà mỗi người cần thể hiện khi cá nhân ấy phải chịu một sự xúc phạm. Trong lời dạy của Đức Giêsu: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” cho tôi bài học về sự nguy hiểm của oán giận, khó tha thứ và giá trị của sự tha thứ luôn luôn.

“Nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần?” (c.21). Bản năng sinh tồn của con người luôn có phản ứng khi mình bị xúc phạm đó là trả đũa. Sự trả thù như con dã thú nằm ẩn bên trong lòng người, như con dã thú nằm phục trong bóng đêm rình chờ tấn công. Chính bản năng này làm cho sự tha thứ trở thành khó khăn. Và rồi sự oán giận, ước muốn trả thù cứ bào mòn tinh thần kẻ mang trong mình toan tính trả đũa, và người ấy cứ bị cuốn theo cảm xúc thù hận nên đánh mất lòng tự trọng và không nhận thức về phẩm giá của bản thân.[1] Chúng ta ai cũng có kinh nghiệm về sự oán giận và ước muốn trả đũa đối với “kẻ thù” của ta... Khi giận ai về một điều gì đó mà ta bị xúc phạm, hễ nghĩ tới người ấy là cảm xúc tức tối trào dâng lên, nó đeo bám ta suốt giờ này sang giờ khác, nó như không cho phép ta nhìn thẳng vào người ấy, nó thôi thúc trong lòng ta một kế hoạch rình chờ để trả đũa, để cắn xé... Và chúng ta cũng kinh nghiệm được rằng, cuộc sống của chính ta thật sự thê thảm; thái độ của chúng ta thật hoàn toàn khác, càng lâu, nó càng làm cho ý chí của ta khó kiểm soát hành vi, cử chỉ đối với người ấy...

Hãy nhìn thẳng, trực diện với chính con người thật của tôi, xét xem trong đầu tôi có đang tiềm ẩn sự trả đũa ai đó trong các mối quan hệ của tôi đối với người khác.

“Con phải tha đến mấy lần. Có phải bảy lần không?” Trong câu hỏi và đưa ra cách giải quyết của Phêrô khi cá nhân bị xúc phạm, Phêrô đã có vẻ như chút nào đó thấm nhuần Tin Mừng tình thương của Thầy, ông đề nghị một cách hành xử “tha bảy lần”, cách xử thế này có vẻ quảng đại so với các Rabbi Do Thái thời đó dạy cho các môn sinh của họ (tha “bốn lần”), nhưng thực ra nó vẫn còn đưa ra một giới hạn trong việc tha thứ cho những người xúc phạm mà không chịu sửa đổi, và liên tục xúc phạm và khiến ta đau khổ.

Tôi nhớ lại một câu chuyện về đời sống chung, trong cộng đoàn có những thành viên khác biệt nhau về tuổi tác, văn hoá, trình độ...; vì thế đôi khi có những bất đồng, những vô ý của anh em này tạo nên nỗi đau cho anh em khác... Một buổi sáng nọ, sau thánh lễ, một người đến gặp một anh em khác với khuôn mặt bừng bừng nóng giận... nói một câu thể hiện sự không hài lòng... và anh ta nói tiếp với đồng môn của mình: “Đây là lần thứ năm anh xúc phạm đến tôi!” Một thời gian ngắn sau họ chia tay nhau sau bốn năm chung sống trong cùng một cộng đoàn.

Theo nghiên cứu của khoa tâm lý nhân cách, con người mất trung bình 80% thời gian của mình để tâm vào quá khứ, hồi tưởng về những sự việc và dành không ít thời gian để suy nghĩ về những sự việc chưa được giải quyết, trong đó có cả sự hờn giận đối với người khác hoặc với chính mình. Thế nên ta lại càng giận hờn hơn và tự trói mình vào sự hằn học, những ước muốn trả đũa... khiến ta đau khổ, mệt mỏi, ngày sống trở nên nặng nề và mất khả năng sáng tạo vì những suy nghĩ tiêu cực về người anh chị em mình và cái ước muốn trả đũa cứ dằn vặt khiến ta khó để tha thứ. Và ta cứ mãi giận hờn vì những sai lầm của người khác khiến ta cứ xây lên bức tường ngăn cách giữa ta với những người ấy ngày càng cao.

Nếu tôi giới hạn sự tha thứ cho những sai lầm của anh chị em tôi trong ba, năm, hay bảy lần, thì quả thật tôi đang mang vác trong tâm trí tôi những oán hờn.

"Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy." (c.22) Lời dạy của Đức Giêsu đã làm nổ tung mọi tính toán của con người. Tha thứ không tính toán, phải tha thứ phải luôn luôn. “Bảy lần” là tôi có thể đếm số lần tôi nhẫn nhục, chịu đựng và tha... mỗi khi anh em tôi xúc phạm đến tôi. “Bảy mươi lần bảy” tôi không thể đếm số lần tha thứ nữa, hiểu theo nghĩa bóng, là tôi sẽ không thể nhớ và ngồi đếm từng lần anh chị em xúc phạm đến tôi từ “một”, “hai”, “ba”... “mười”... “ba mươi”... “bảy mươi”.... “một trăm”... và.... “bốn trăm chín mươi lần”. Và nếu đếm, bao nhiêu năm mới đủ con số chính Đức Giêsu đề nghị “bảy mươi lần bảy”, liệu lúc ấy tôi có còn sống chung với người anh em chị em ấy nữa không?

“Dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót” được Đức Giêsu đưa ra để đề cao về lòng thương xót và tha thứ. Ông vua chạnh lòng thương trước sự cầu khẩn của con nợ và tha luôn cho y món nợ (c.27). Đây là một ân huệ, một món quà vượt sức tưởng tượng tương đương với 60 triệu ngày công (kẻ mắc nợ trả nợ cả đời hắn cũng không hết)! Thế nhưng, ngay sau khi được tha món nợ, chính y gặp một đồng bạn mắc một trăm quan tiền (100 ngày công) lại không có chút thương xót. Kinh Thánh mô tả hành vi của y: túm lấy, bóm cổ, tống ngục cho đến khi đồng bạn trả xong nợ (c.27-28). Nếu làm một bài toán so sánh thì đó là 1/600.000 lần. Con số cho thấy y là một kẻ bất nhân[2].

Lời Chúa trình bày sự đối nghịch về lòng thương xót giữa “vị vua” và tên đầy tớ mắc nợ để dạy cho chúng ta rằng: chúng ta xúc phạm đến Thiên Chúa hằng hà sa số lần, và với lòng thương xót, Thiên Chúa đã luôn luôn tha thứ mỗi khi ta sai lỗi và xin tha. Còn chúng ta thì thật đê tiện, như tên đầy tớ bất nhân, chúng ta không thèm đoái hoài đến lời năn nỉ, cầu khẩn của anh chị em, mặc dù họ cũng dùng chính một lối nói như chúng ta khi thưa cùng Thiên Chúa. Đối với Đức Giêsu, điều mà Ngài muốn nơi các môn đệ của Ngài, xưa cũng như nay, đó là chúng ta biết tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Chắc chắn chúng ta sẽ dễ tha thứ cho ai đã làm khổ mình, đã xúc phạm đến mình khi chúng ta ý thức mình là kẻ tội lỗi và luôn nhận được sự tha thứ từ nơi Thiên Chúa cũng như từ nơi những người khác.

Câu chuyện kể rằng: Khi người cha đang ở trong nhà thì đứa con lớn chạy vào thưa với ông: “Thưa cha, thằng B... nó chọc con.” Người cha bảo: “Tha cho em đi con.” Một chốc sau, đứa con lớn lại chạy vào và thưa: “Cha, thằng B... lấy đồ chơi của con.” Người cha bảo: “Tha cho em đi con.” Một chốc sau nó lại chạy vào thưa: “Cha, thằng B... làm dơ áo của con.” Người cha bảo: “Tha cho em đi con.” Đứa con lớn như không chịu nổi nữa, la toáng lên: “Cha bênh vực thằng B... Cha không thương con...!” Người cha vẫn điềm tĩnh nói cùng đứa con lớn: “Con hãy xem, bao nhiêu lần con lỗi phạm với cha... Cha đã làm gì với con... Cha tha cho con!” Đứa con lớn đứng yên lặng một chốc rồi chạy đi... Và sau đó, người cha thấy hai đứa con chơi với nhau vui vẻ hơn.

Lạy Chúa, với lòng thương xót và tha thứ, Ngài không trừng phạt ai bao giờ. Chúa vẫn luôn yêu thương và sẳn sàng tha thứ cho hết mọi người, kể cả những ai hành xử giống như tên đầy tớ bất nhân, nếu anh ta quay trở lại lần nữa và xin lỗi... Khi tha thứ, chúng con xây nên những cây cầu nối nhau lại trong yêu thương và hiệp nhất: hiệp nhất với Chúa và với anh em. Khi oán giận và không biết tha thứ cho anh chị em, chúng con xây nên những bức tường ngăn cách tình huynh đệ và đương nhiên ngăn cách tình yêu Thiên Chúa, một người như thế thì không còn quy hướng về Chúa nữa. Chính chúng con tự trừng phạt mình khi chúng con không biết tha thứ cho anh chị em mình. Không biết tha thứ thì thật là khủng khiếp.

Xin tha nợ chúng con,như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con... (Mt 6:12)

 

Hoa Hạ, fsc

 

[1] Xem Noel Quesson (?), Lời Chúa Cho Mỗi Chúa Nhật – năm A, Suy niệm CN XXIV Thường Niên.
và Trish Summerfield (?), Lăng Kính Tâm Hồn, NXB Lao Động và Xã Hội, 2009

[2] Noel Quesson (?), Lời Chúa Cho Mỗi Chúa Nhật – năm A, Suy niệm CN XXIV Thường Niên.

Từ khóa: La san, Mt 18, 21-35

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2025. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật