Bài Học Từ Lời Chúa _ Chúa Nhật XVII TNC_ Lc 11, 1-13

23/07/2022SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Lời Chúa trong Tin Mừng Luca 11:1-13, trong lời của môn đệ cầu xin Chúa Giêsu “xin dạy chúng con cầu nguyện” nhắc cho chúng ta biết cầu nguyện là một nhu cầu của con người và Chúa Giêsu trong tư cách là bậc thầy về cầu nguyện dạy cho chúng ta biết phải cầu nguyện như thế nào.

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 17 TNC
Luca 11:1-13

Bài Học Về Cầu Nguyện

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11:1b)

 

Lời Chúa trong Tin Mừng Luca 11:1-13, trong lời của môn đệ cầu xin Chúa Giêsu “xin dạy chúng con cầu nguyện” nhắc cho chúng ta biết cầu nguyện là một nhu cầu của con người và Chúa Giêsu trong tư cách là bậc thầy về cầu nguyện dạy cho chúng ta biết phải cầu nguyện như thế nào.

“Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (11:1b). Cầu nguyện trước hết là một nhu cầu. Trong đời sống con người có các nhu cầu được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: nhu cầu vật chất như ăn ở, an toàn; đến nhu cầu tinh thần như tri thức, hiểu biết, yêu thương; và cao hơn hết là nhu cầu tâm linh là sự quan hệ với Đấng Siêu Việt để nhờ đó tìm thấy sự bình an trong tâm hồn, sự thanh thản trong cuộc sống. Sự thường, con người ta thường dừng lại ở nhu cầu cơm áo gạo tiền, một số khác có như cầu tìm kiếm tri thức, hiểu biết khoa học, tạo các mối quan hệ giữa người với người để yêu và được yêu. Trong hai bậc nhu cầu này, con người nhiều lúc chỉ thỏa mãn chứ không tìm thấy bình an, nó cứ lôi kéo con người tìm kiếm, tìm kiếm, thỏa mãn, thỏa mãn... Nhưng con người luôn cảm thấy mình đang thiếu vắng, đang cần một cái gì đó... Khi ta biết dành thời gian để dừng lại một mình trong cõi thinh lặng… ta mới hiểu rằng đó có nhu cầu sống cần thiết của con người đó là nhu cầu đời sống tâm linh. Chính khi nhu cầu tâm linh được đáp ứng, con người mới thôi chạy theo những phù phiếm vật chất, những bả vinh hoa phú quý đời này...; bởi vì họ đã tìm được bình an khi gặp được Đấng Tuyệt Đối.

Đoạn Tin Mừng cho thấy vị môn đệ xưa kia đã “thấy” và “nhận ra” Vị Thầy Giêsu có thể đáp ứng cho các ông được nhu cầu tâm linh ấy nên đã thưa: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện” (11:1b).

Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo dành các số từ 2599 – 2616 để giới thiệu về Đức Giêsu - Vị Thầy Cầu Nguyện. Xin lược trích vài câu trong Tin Mừng Luca được Sách Giáo Lý nhắc lại, để nhận ra mẫu gương cầu nguyện của Chúa Giêsu:

  • Từ lúc 12 tuổi Đức Giêsu đã cùng gia đình lên đền thờ cầu nguyện: “Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền thờ” (Lc 2:49).
  • Tại hội trường Nazareth: “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh” (Lc 4:16); 
  • Trước khi Chúa Cha làm chứng về Ngài khi ngài chịu phép rửa: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra,...” (Lc 3:21).
  • Trước khi sai các Tông Đồ đi rao giảng: “Trong những ngày ấy, Đức Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.” (Lc 6:12-13).
  • Trước khi Phêrô tuyên xưng Ngài là Đức Kitô của Thiên Chúa: “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình....” (Lc 9:18).
  • Khi Chúa biến hình: “Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà...” (Lc 9:28-29).
  • Trước cuộc khổ nạn: “Rồi Người đi ra núi Ôliu như đã quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: "Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ." Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha." (Lc. 22:41-44).
  • Ngay khi bị hành hình cách đau khổ trên thập giá, trước khi tắt thở: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết.” (Lc 23:34). “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài từ bỏ con?” (Mc 15:34). Lạy Cha, con phó thác linh hồn con trong tay Cha.” (Lc 23:46).

Qua Tin Mừng thuật lại chúng ta thấy Chúa Giêsu cầu nguyện mọi lúc và mọi nơi, đặc biệt trước những quyết định và những hoạt động quan trọng cho sứ mạng của Ngài. Người cầu nguyện trong tâm tình hiếu thảo, kết hiệp liên lỷ với Chúa Cha trong tình yêu mến và vâng phục. Người thường tìm đến những nơi thanh vắng, trên núi, và thường vào ban đêm. Khi cầu nguyện, Ngài nhớ đến hết mọi người, vì Ngài đã đảm nhận lấy nhân loại khi Nhập Thể. Ngài thông cảm sự yếu đuối của chúng ta....

Một kinh nghiệm trong đời sống xã hội, một gia đình mà cha mẹ và con cái hiểu biết và yêu thương nhau thì trong gia đình ấy thường có những thời khắc gần gũi và trò chuyện với nhau qua những bữa ăn, những giờ giải trí chung, những lúc làm việc chung...; kinh nghiệm ấy cũng rất đúng cho cộng đoàn đời sống tu trì, hay một tổ chức, hội đoàn... Một kinh nghiệm khác của tôi là trong gia đình anh em tôi hiểu về mẹ tôi khác nhau, mỗi người có cách nói chuyện, tâm sự với mẹ tôi khác nhau. Đó là sự gặp gỡ, gần gũi cách cá vị giữa các thành viên trong gia đình, trong cộng đoàn hay trong một tổ chức, hội đoàn. Từ kinh nghiệm ấy, tôi hiểu rằng cầu nguyện là cuộc gặp gỡ cá vị giữa cá nhân với Thiên Chúa...

Muốn có một cảm nghiệm về sự gặp gỡ Thiên Chúa thì phải có một cảm nghiệm về sự gần gũi với Ngài; và tôi được mời gọi gặp Chúa nói chuyện với Ngài qua các giờ kinh nguyện hàng ngày, trong những thời khắc của một ngày sống, sau khi xong một công việc hay thay đổi vị trí làm việc... dành một thoáng chừng vài giây đồng hồ để nhớ đến Chúa, dùng những lời nguyện tắt để tâm sự với Chúa cách tâm tình như cha – con, bạn hữu... như nói với Chúa về bầu khí trong lành của ngày sống, một niềm vui vừa chợt đến, công việc vừa hoàn thành, người đối tác vừa gặp xong...

Nhưng cầu nguyện có vẻ khó khăn. Đúng, cầu nguyện chỉ khó khăn khi con người không hướng về Chúa và không xin Ngài dạy chúng ta cầu nguyện. Thánh Augustino dạy, “làm sao cầu khẩn khi chưa biết Chúa, làm sao khẩn cầu mà không tin.” Như thế, “cầu nguyện là chúng ta được gọi đến trong Chúa” với tâm tình như của thánh Augustino “ước gì khi cầu khẩn con tìm thấy Chúa và khi tìm thấy Ngài con tin.” (Tự thuật).

Khi cầu nguyện tôi hướng về Thiên Chúa, nghĩa là tôi biết đặt Thiên Chúa làm trung tâm của đời sống mình, nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nghĩa là tôi không tự cho mình là đầy đủ đến độ không cần đến Thiên Chúa, và nhờ thế tôi sẽ không dửng dưng với tha nhân, với thiên nhiên và thế giới thụ tạo[1]. Chuyện kể rằng, Mẹ Têrêsa Calculta đến thăm Việt Nam sau khi Mẹ nhận được giải Nobel Hòa Bình, trong một buổi nói chuyện có phóng viên hỏi Mẹ rằng: Mẹ phải làm bao nhiêu việc trong một ngày cho người nghèo, Mẹ cần thời gian, thế nhưng tại sao Mẹ lại phải mất mỗi ngày 2 giờ đồng hồ để cầu nguyện? Mẹ đã trả lời: nếu không có hai giờ cầu nguyện với Chúa, tôi sẽ không thể làm tất cả những việc cho người nghèo trong ngày...

Lạy Chúa Giêsu xin dạy chúng con biết năng cầu nguyện, biết thanh luyện sự cầu nguyện và học nơi Chúa cách cầu nguyện, nhất là một cách siêng năng cầu nguyện với lời kinh mà Chúa dạy cho chúng con: “Lạy Cha chúng con ở trên trời...” Cầu nguyện trước hết là xin được làm cho danh Chúa được cả sáng dưới đất cũng như trên trời, cho Nước Chúa được hiển trị và ý Chúa được thể hiện... ngang qua những lời nói, hành vi và cử chỉ của chúng con trong đời sống thường ngày. Rồi cầu xin cho những nhu cầu của chúng con được hàng ngày dùng đủ; cầu xin cho chúng con biết tha thứ cho nhau để xây dựng một cuộc sống hòa thuận an bình và sau cùng là xin đừng để rơi vào những cám dỗ của ba thù: ma quỷ, thế gian và lạc thú.

 

Hoa Hạ, fsc

 

[1] ĐGH PhanxicôSứ điệp Ngày Hoà Bình Thế giới 2016, 3. Xem Đề tài 7. Công lý và hoà bình trong xã hội: khởi đầu cho lòng thương xót của VP HĐGMVN

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2024. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật