Bài Học Từ Lời Chúa _ Chúa Nhật Lễ Lá_ A_Mt 21:1-11

01/04/2023SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Tôi được mời gọi sửa đổi tính hiếu chiến, hiếu thắng để khi thi hành bổn phận và sứ mạng được trao phó, khi tham gia vào các hoạt động bác ái từ thiện, tôi thực thi với một tâm tình hiền hoà khiêm nhu như Vua Giêsu.

CHÚA NHẬT LỄ LÁ – năm A

Mt 21:1-11

“Hoan hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21:9)

 

Tuần Thánh bắt đầu với nghi thức Rước Lá vào Chúa nhật Lễ Lá. Đây là “tuần trọng đại” là cao điểm của Năm Phụng Vụ; thế nhưng Phụng Vụ Giáo Hội đã trình bày cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, Thầy Chí Thánh chúng ta với bầu khí ngập tràn hân hoan trong chiến thắng. Chúa Giêsu đi vào cuộc Thương Khó - Tử Nạn như là vị Vua tiến vào vương quốc của mình trong chiến thắng; Ngài chịu đau khổ, chịu chết và chịu mai táng trong mồ, nhưng ngày thứ ba Ngài đã trỗi dậy từ cõi chết, vươn lên khỏi đất để đem mọi người nhân thế lên cùng Chúa Cha. Với sự phục sinh, sự sống mới của Chúa Giêsu trở thành sự sống của nhân loại, sự vinh quang của Ngài trở nên sự vinh quang cho những người tin.

“Khi thầy trò đến gần thành Giêrusalem và tới làng Bếtphaghê, phía núi Ôliu, Đức Giêsu sai hai môn đệ và bảo: "Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay." Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giêsu đã truyền.” (Mt 21:1-3.6)

Tin Mừng thánh Matthêu mô tả việc Chúa Giêsu khởi hành vào thành Giêrusalem từ núi Ôliu, hình ảnh này gợi lại lời loan báo của tiên tri Zacaria 14,4: Ngày ấy, Người sẽ dừng chân trên núi Ôliu, đối diện với Giêrusalem về phía đông” - Đấng Cứu Thế khi đến cứu dân sẽ dừng chân trên núi Ôliu, núi ở trước mặt thành Giêrusalem về phía đông.

Như vậy Tin Mừng khi tường thuật việc Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem cho thấy Người là Đấng Cứu Thế và Người đi vào thành để cứu độ chúng ta. Vì vậy, trong phụng vụ, Giáo Hội sắp xếp việc làm phép Lá một nơi khác ngoài nhà thờ (nhà thờ là biểu tượng của Giêrusalem mới) rồi rước vào nhà thờ để tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem và tuyên xưng Người là Đấng Cứu Thế. Người đã đến, đang đến và sẽ đến để giải thoát chúng ta hôm nay và trong ngày Cánh Chung.

Khi tham dự kiệu lá, mỗi người được mời gọi rước Chúa Giêsu vào đền thờ của mỗi người là tâm hồn chúng ta để Ngài làm Vua ngự trị lòng ta. Tôi đã chuẩn bị điều gì để trải ra như áo choàng, để giơ cao như lá vạn tuế và hân hoan như các trẻ Do Thái khi đón Chúa Giêsu ngự vào lòng tôi?

“Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giêsu cỡi lên.” (Mt 21:7). Thánh sử Matthêu đã trích dẫn Zacaria 9,9 nhưng thay vì “lừa con, con của lừa mẹ”, bài tường thuật đã ghi nhận “các môn đệ đã dắt cả lừa mẹ lẫn lừa con về, trải áo choàng trên chúng, và Chúa Giêsu cỡi lên” (Mt 21,7). Việc cỡi trên lưng lừa con, nhấn mạnh đến tính cách hiền hoà của vị cứu tinh. Người là Đấng Cứu Thế hiền từ, là Tôi Tớ Đau Khổ khiêm nhu của Giavê đến để chịu tử  nạn. Con lừa con cũng nhấn mạnh đến tính cách mới mẻ của con vật chưa ai cỡi để Vị Cứu Tinh dùng, nhưng không chỉ trên con lừa con yếu ớt mà cả con lừa mẹ, để nhấn mạnh đến sự chắc chắn của việc Chúa Giêsu tiến vào thành và hành vi cứu dân mà Người sẽ thực hiện trong Tuần Thánh ứng như lời Kinh Thánh: "Hãy bảo thiếu nữ Sion: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ.” (Mt 21:5)

Tôi được mời gọi sửa đổi tính hiếu chiến, hiếu thắng để khi thi hành bổn phận và sứ mạng được trao phó, khi tham gia vào các hoạt động bác ái từ thiện, tôi thực thi với một tâm tình hiền hoà khiêm nhu như Vua Giêsu.

“Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21:8-9). Dân chúng Do Thái chào đón Đức Giêsu như một vị vua, tấp nập người trước kẻ sau trải áo, rải lá lên đường và reo hò: “Hosana, hoan hô, vạn tuế Con Vua Đavít...” nói lên niềm tin Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế. ĐGH Benedict XVI giải thích: Nguồn gốc từ này là lời khẩn cầu. Các tư tế lặp lại lời cầu này vào ngày thứ Bảy của kỳ Lễ Lều Tạm, trong khi đi vòng quanh bàn thờ bảy lần, như lời khẩn khoản cầu mưa. Lễ Lều Tạm dần dần thay đổi từ lễ cầu xin trở thành lễ ca tụng, là tiếng kêu vui mừng. Vào thời Chúa Giêsu, từ này cũng ngụ ý Đấng Thiên Sai. Khi tung hô “Thánh, Thánh, Thánh”, chúng ta thấy có cảm xúc phức tạp của đám đông theo Chúa Giêsu và các môn đệ vào thành Thánh Giêrusalem: Vui mừng chúc tụng, hy vọng Đấng Thiên Sai đến, mong chờ Vương Triều Đavít, đặc biệt là Vương Quốc Thiên Chúa đến để quốc gia Israel được tái lập.[1]

Nhưng Đấng Cứu Thế đã không được giới lãnh đạo Do Thái, các thượng tế và luật sĩ, tiếp đón trong thành của vua Đavit, họ tức tối vì những việc Ngài làm và những tiếng reo hò hoan hô trong Đền Thờ: “Hosana, vạn tuế Con vua Đavit” (Mt 21:15). Điều này loan báo Đấng Cứu Thế sẽ phải đi vào con đường khổ nạn và thập giá.

Cử hành nghi thức rước lá trong Chúa nhật Lễ Lá, Phụng Vụ  Giáo Hội mời gọi mỗi chúng ta ý thức và nhận ra ơn cứu độ của Chúa chúng ta đã đem đến, đồng thời cũng nhắc nhở rằng chúng ta ng sẽ không tránh khỏi con đường thập giá mà Chúa của chúng ta đã đi, nhưng nếu chúng ta biết kết hợp những gian nan khổ đau khi thi hành sứ mạng với cuộc thương khó và khổ nạn của Vua Giêsu, các hành vi và hoạt động của chúng ta sẽ có giá trị mang lại ơn cứu độ tha nhân và cho thế giới.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang cùng với toàn thể Giáo Hội đi vào Tuần Thánh, cùng nhau cử hành các nghi thức Phụng Vụ để ôn lại các khía cạnh của mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết kết hiệp những gian nan, thử thách, đau thương với những thương khó, hình khổ và cái chết mà Chúa phải chịu, để nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa mầm sống thánh thiện, công chính trong chúng con được nảy sinh và vươn lên sinh nhiều bông hạt.

 

Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc

 

 

[1] “9 Điều Cần Biết Về Lễ Lá” do Trầm Thiên Thư chuyển ngữ từ NCRegister.com. Nguồn http://baoconggiao.net/index.php/song-dao/9-dieu-can-biet-ve-le-la-1641.html

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2025. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật