Bài học từ Lời Chúa_Chúa Nhật I Mùa Chay_Năm C_ Lc 4, 1-13

05/03/2022SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Chúng ta luôn có những cám dỗ trong cuộc sống, cám dỗ làm mọi việc thật dễ dàng theo ý muốn chúng ta. Vì thế mà ít khi chúng ta biết tự chế, hoặc chúng ta chỉ biết tự chế mà không biết đáp trả. Hàng ngày chúng ta bị cám dỗ về lời nói, chúng ta khó tự chế khi mà có những lời nói không làm chúng ta vừa tai, hài lòng.

BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA –1 MC - Năm C

Lc 4:1-13

Đâu là cám dỗ gây khó khăn
trong việc xây dựng mối quan hệ

Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần
dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ.
” (Lc 4:2)

 

Tin Mừng Luca 4:1-13 thuật lại việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ. Bài Tin Mừng gợi lên cho tôi đâu là những cám dỗ của chúng ta khiến chúng ta khó khăn trong việc xây dựng lại các mối quan hệ. Hai điều xin được chia sẻ để gợi ý thực hành trong cuộc sống?

Trước hết chúng ta nghĩ về những cám dỗ. Chúng ta luôn có những cám dỗ trong cuộc sống, cám dỗ làm mọi việc thật dễ dàng theo ý muốn chúng ta. Vì thế mà ít khi chúng ta biết tự chế, hoặc chúng ta chỉ biết tự chế mà không biết đáp trả. Hàng ngày chúng ta bị cám dỗ về lời nói, chúng ta khó tự chế khi mà có những lời nói không làm chúng ta vừa tai, hài lòng. Hoặc có chăng thì thường là bằng cách im lặng, nhưng có chắc là im lặng không. Không! Sau đó chúng ta lại nói, có thể một nơi khác, với người khác. Chúng ta lại cho việc im lặng lúc đó là thắng được cám dỗ. Thưa không! Vì chúng ta chưa tạo được một mối quan hệ với người chúng ta chưa hài lòng. Khi chúng ta giận hờn cũng thế, không chửi mắng cãi cọ thì chúng ta có thể kìm chế hành động làm phương hại đến người xúc phạm đến chúng ta bằng cách bỏ đi nơi khác, nhưng làm thế chưa tạo được mối quan hệ với họ. Cơn cám dỗ vẫn còn đó. Những hành động khác trong cuộc sống cũng tương tự như thế... Nếu không đáp trả bằng những phản ứng mạnh, những hành vi chống lại, thì thường chúng ta im lặng. Và rồi tự cho đó là vượt qua cơn cám dỗ.

Chúa Giêsu không chống lại các cơn cám dỗ sau 40 ngày chay tịnh trong sa mạc như cách thế vừa nói trên. Chúa Giêsu đã tự kiềm chế bản thân trước cơn đói, trước khả năng mà Ngài biết Ngài có. Nhưng Ngài không im lặng trước những lời nói của Tên Cám Dỗ, Ngài cũng không to tiếng cãi cọ hay thượng cẳng tay hạ cẳng chân để ăn thua với nó. Với cám dỗ về của cải tiền tài, cái ăn cái mặc (biến đá thành bánh) (c.3), Ngài nói: Người ta sống không nguyên bởi bánh (c.4) (Tin Mừng Matthêu còn viết thêm: nhưng còn bởi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4,4). Với cám dỗ về quyền lực và sự thỏa hiệp để có quyền lực (có được quyền hành trong xã hội) (c.5-7), Ngài nói: Chỉ bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và thờ phượng một mình Người mà thôi (c.8). Với cám dỗ về danh vọng (làm nhiều chuyện không đáng làm để được khen tặng là người tài giỏi, có khả năng) (c. 9-11), Ngài trả lời: Đừng thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi (c.12), nghĩa là đừng đòi Thiên Chúa phải làm phép lạ cho những biểu diễn của mình. Ba lần cám dỗ này được lặp đi lặp lại trong cuộc đời của Ngài nhiều lần, và sau hết ngay trên Thập Giá, chứ không phải chỉ duy nhất một lần trong sa mạc. Kinh Thánh viết: Ma quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ khác. Chúa Giêsu đã đối thoại với tên cám dỗ, Ngài dùng lời chân thật để đối thoại với nó để nói với tên cám dỗ cách nhẹ nhàng, thuyết phục. Và Ngài đã chiến thắng cơn cám dỗ; Ngài tạo được mối quan hệ với Thiên Chúa và với tha nhân.

Suy tư trên cho thấy cám dỗ im lặng cho qua hay ăn thua đủ với người khác đôi khi cả đối với Thiên Chúa khiến ta không biết lắng nghe và đối thoại; đó là những cám dỗ khiến ta khó xây dựng mối quan hệ với Thiên Chúa và người khác.

Thứ đến là cần phải đối thoại. Nhưng đối thoại không được hiểu chỉ là nói qua nói lại, mà đối thoại phải được hiểu là để thông cảm và hiểu biết lẫn nhau. Đối thoại không phải là để người khác bị khuất phục bởi ý kiến của tôi, để người khác phải làm theo ý kiến của tôi... Cuộc sống và lịch sử con người cho thấy nhiều cuộc đối thoại hai bên hay nhiều bên trên quan điểm kiểu như thế đều thất bại. Đối thoại là không phải là để hơn thua mà để cả hai bên cùng hiểu nhau và tìm ra được giải pháp giải quyết vấn đề cùng với nhau. Và khi có được quan điểm như thế về đối thoại thì mới trao cho nhau những lời nói nhẹ nhàng và chân thành, và như thế mới có thể nói chuyện được với nhau dài lâu, mới khám phá được bao nhiêu điều khác biệt mà từ trước đến giờ không hiểu nhau...

Lạy Chúa, chúng con ước mong trong từng ngày sống, với ơn Chúa ban, chúng con đừng cứ chọn lấy cái dễ dàng để làm khi đáp trả lại các vấn đề trong các mối quan hệ của chúng ta trong cuộc sống, nhưng phải biết dùng lời lẽ nhẹ nhàng, hay những hành vi lịch sự để đối thoại trong tinh thần xây dựng. Hy vọng cuộc sống của chúng con trong gia đình, trong cộng đoàn, trong tập thể, trong xã hội sẽ đổi mới và ngày càng tốt đẹp.

 

SH. Joseph Lê Văn Phượng, fsc

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2025. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật