Bài học từ Lời Chúa_Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa_Lc 3:15-16.21-22

07/01/2022SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSCSuy niệm Chúa Nhật
Vâng phục là yếu tố đầu tiên khi suy gẫm về Đức Giêsu, vì vâng phục Cha, mà Chúa Con đã được Cha sai đến trần gian để thực hiện ý định cứu rỗi con người.

 

Lễ CGS Chịu Phép Rửa

Lc 3:15-16.21-22
Đặc Điểm Nổi Bật Của Người Con Yêu Dấu

“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (Lc 3:22)

 

Khi Đức Giêsu đến sông Giocđan chịu phép rửa của ông Gioan, đang khi Người cầu nguyện,[1] thì trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (c.22). Suy gẫm về Người Con Yêu Dấu của Chúa Cha là Đức Giêsu, tôi nhận ra vài đặc điểm nổi bật của người con yêu dấu của Chúa. Đó là vâng phục để thực hiện ý Cha, khiêm hạ từ bỏ mình, hiệp thông với Cha và liên đới với đồng loại.

Vâng phục là yếu tố đầu tiên khi suy gẫm về Đức Giêsu, vì vâng phục Cha, mà Chúa Con đã được Cha sai đến trần gian để thực hiện ý định cứu rỗi con người. Vâng phục là thái độ của người Con. Đó là một cách thức lắng nghe đặc biệt, lắng nghe bằng hành động mà chỉ người con mới có thể thực hiện đối với cha mẹ mình, vì vâng phục làm cho người con tin tưởng rằng ý muốn của cha mẹ chắc chắn là tốt cho con cái (trừ những kẻ bất nhân), con vâng phục cha mẹ không phải vì bản chất công việc, hay vì hiểu biết hết ý định của cha mẹ, mà vì tin tưởng vào cha mẹ mình. Chúa Con đã vâng lời, và vâng lời cho đến chết, đó là một sự vâng lời triệt để, một sự vâng phục vô điều kiện. Theo thánh Phaolô, trong thư gửi cho giáo đoàn Philipphê đã viết: “Đức Giêsu… đã vâng lời và vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá.” (Pl 2:8). Một người con biết vâng phục là biết phó thác, biết đặt trọn cuộc đời mình trong tình thương của cha mẹ, biết tin tưởng vào cha mẹ.

Khiêm hạ là đặc điểm khác để ta nhận ra người con yêu của Thiên Chúa mà Đức Giêsu dạy cho chúng ta. Đức Giêsu vô tội đã cùng với toàn dân, đi xuống dòng nước Jordan để lãnh phép rửa sám hối từ ông Gioan. Suy gẫm về đức khiêm hạ của Đức Giêsu, thánh Phaolô đã thốt lên rằng: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ trở nên giống người phàm sống như người trần thế.” (Pl 2:6-7). Khiêm hạ và vâng phục luôn đi kèm với nhau. Tổ tông loài người là ông Ađam và bà Evà đã vì cậy dựa vào mình, tự tìm cho mình một con đường đạt tới hạnh phúc mà không cần đến Thiên Chúa. Họ đã sa ngã và để lại một hậu quả lớn lao cho mọi thế hệ loài người. Tội Tổ Tông. Suy gẫm về về Đức Giêsu như một Ađam mới, thánh Phaolô đã cho thấy: do bởi khiêm hạ và vâng phục, Đức Giêsu trở nên Ađam mới để làm cho mọi người được nên công chính, nghĩa là được sống (Rm 5:18-19).

Một đặc điểm khác Kinh Thánh giới thiệu cho chúng ta về người con yêu dấu là sự hiệp thông của Đức Giêsu với Chúa Cha. Tin Mừng Luca viết: “…và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3:21-22). Đức Giêsu luôn kết hiệp với Chúa Cha qua việc cầu nguyện. Kinh Thánh tường thuật rất nhiều về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, Ngài cầu nguyện từ sáng sớm, khi chiều về (Mc 1:35; Mt 14:23). Ngài cầu nguyện khi bắt đầu công việc gì và khi kết thúc công việc (Mt 14:19; Lc 10:17-21). Ngài cầu nguyện khi vui mừng cũng như khi đau khổ… Đối với Đức Giêsu, cầu nguyện đó là nói chuyện với Chúa Cha, để thưa cùng Cha, để lắng nghe và nhận ý Chúa. Chính nhờ Ngài cầu nguyện mà “trời mở ra”, nghĩa là, qua Ngài Thiên Chúa ban ân sủng và thánh hóa con người. Người con yêu là người con biết liên lạc mật thiết với cha mẹ và để tỏ cho người khác biết tình yêu của cha mẹ mình.

Một đặc điểm nữa mà tôi muốn chiêm ngưỡng nơi Đức Giêsu, người con yêu dấu của Chúa Cha, đó là sự liên đới với người khác. Tin Mừng thuật: “Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa” (Lc 3:21). Ngài đã để cho mình bị liệt vào số tội nhân để khai mạc sứ mạng của Người Tôi Tớ Đau Khổ. Người đã tiền dự "phép rửa bằng máu" (x. Mc l0:38; Lc.l2:50) để nên "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.” (Ga 1:29). Như thế Ngài đến để "chu toàn mọi lẽ công chính" (Mt 3:l5), nghĩa là hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha: vì tình yêu, Người bằng lòng chịu phép rửa bằng máu để tha thứ tội lỗi chúng ta (x.Mt 26:39)[2]. Đáp lại sự vâng phục này, Chúa Cha bày tỏ sự hài lòng đối với Chúa Con. Niềm hãnh diện của cha mẹ nơi người con yêu là người con ấy không chỉ chăm chút cho bản thân, mà biết liên đới với anh em đồng loại để nâng đỡ và cứu vớt họ với một tình yêu hoàn toàn nhưng không.

Lạy Chúa, con muốn được là người con yêu dấu của Chúa, xin dạy con biết đón nhận thánh ý Chúa mỗi ngày trong khiêm hạ và tin tưởng, biết lấy việc cầu nguyện làm phương tiện để lắng nghe Ngài, sẳn sàng dấn thân phục vụ anh chị em đồng loại theo phận vụ đã lãnh nhận để cộng tác với Người Con Yêu Dấu của Chúa là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

SH. Giuse Lê Văn Phượng, FSC

 

[1] Tin Mừng Matthêu và Marcô ghi: “Vừa lên khỏi nước...” (Mt 3:16; Mc 1:10)

[2] Xem GLGHCG số 536

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2025. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật