Bài Học Từ Lời Chúa_Chúa Nhật 2 Phục Sinh (B)_Ga 20:19-31
04/04/2024nulasanvnSuy niệm Chúa Nhật
Ra đi để làm cho người khác đụng chạm được lòng thương xót của Thiên Chúa và để họ cảm nhận được bình an, điều này đòi hỏi chúng ta phải can đảm chấp nhận rủi ro.
BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – 2PS
Ga 20:19-31
Bình An Do Bởi Lòng Thương Xót –
Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói:
"Bình an cho anh em!” (Ga 20:19)
“Vào ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em!" Câu Tin Mừng thánh Gioan tường thuật cảnh tượng sợ hãi người Do Thái của các môn đệ (c.19a). Cái sợ của những con chiên trong nơi trú ẩn sau khi bị “đánh cho tan tác”. Cái sợ của hoang mang thất vọng sau ba năm theo Thầy... Cái sợ phải bị liên lụy... Cái sợ của hụt hẫng về tương lai... Nỗi sợ ấy khiến họ thu mình lại trong căn phòng và đóng kín cửa để tạo nên một sự an toàn giả tạo bên ngoài. Lòng thương xót của Chúa không để các ông rơi vào tuyệt vọng, Chúa Phục Sinh hiện đến đứng giữa các ông và ban bình an (c.19b). Lòng thương xót mà chính Người đã vâng ý Chúa Cha để biểu lộ cho toàn thể nhân loại qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, nay Chúa lại tỏ bày cho các ông khi “cho các ông xem tay và cạnh sườn” và các ông nhận được bình an. Khi đụng chạm được sự bình an do bởi lòng thương xót của Đấng Phục Sinh, sự lo âu, sợ hãi của các môn đệ tiêu tan, và các ông đã vui mừng (c.20). Chúng ta thường có nhiều nỗi sợ... đôi khi chúng ăn mòn chí khí của chúng ta, khiến chúng ta thu mình trong pháo đài của “cái tôi”. Hãy ngước nhìn lên Thánh Giá, xem tay chân và cạnh sườn của Chúa Phục Sinh... Chúng ta sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi và bình an của Đấng đã chịu chết và đã sống lại vì ta sẽ ở cùng ta.
“Đặt ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy...” Việc ông Tôma vắng mặt vào lần Chúa hiện ra và sự cứng tin của ông lại một lần nữa Chúa Phục Sinh biểu lộ cho thấy lòng thương xót của Thiên Chúa vì Ngài đã chết và sống lại để cứu thế gian chứ không phải để lên án (Ga 12:47). Để cứu Tôma khỏi sự không tin vào lời chứng của anh em và nghi ngờ về sự phục sinh của Chúa Giêsu, Ngài đã hiện ra lần nữa. Cũng trong lần hiện ra này, Chúa Phục Sinh lại tỏ lộ các dấu tích khổ giá trên tay và cạnh sườn Ngài, để liên kết sự bình an mà Ngài ban với lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua cuộc khổ nạn của Người. Chính lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đấng Phục Sinh đã đụng chạm đến Tôma và như một kẻ không tin, ông đã tìm gặp lại đức tin vào Đấng Phục Sinh, một đức tin trỗi vượt đức tin của các môn đệ khiến ông tuyên xưng Đấng Phục Sinh với danh hiệu vĩ đại: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Không thiếu lần trong đời sống, do sợ hãi, do đau khổ, thất vọng... chúng ta mất niềm tin, chúng ta cũng không tin vào lời khuyên bảo của anh chị em xung quanh. Hãy chạm đến Thánh Giá, sờ vào dấu đinh chân tay và dấu cạnh nương long của Đấng Phục Sinh. Ta sẽ tìm gặp lại đức tin.
“Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha...” Hiện ra và ban bình an là để mở màn cho một sứ vụ. Chúa Phục Sinh sau khi ban bình an liền “thổi hơi” ban Thánh Thần cho các môn đệ, để sai các ông đi tiếp tục làm cho con người đụng chạm đến được lòng thương xót của Thiên Chúa: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha...” Trong công thức xá giải linh mục đọc: “Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, đã dùng sự sống, sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh mà ban cho [anh/chị/con] ơn tha thứ và bình an. Vậy tôi tha tội cho [anh/chị/con] nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Giáo Hội ý thức rất rõ, không phải vị linh mục có quyền tha tội mà là tha tội nhân danh Chúa Ba Ngôi, vì sự sống, sự chết và sống lại của Chúa Giêsu. Nghĩa là năng quyền tha tội của Hội Thánh có quyền thanh tẩy tội lỗi hối nhân trong quyền năng cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Hãy cầu nguyện đặc biệt cho các linh mục sẳn sàng “chữa lành những vết thương và sưởi ấm tâm hồn những tín hữu” nơi tòa cáo giải. Và hãy cầu nguyện mỗi chúng ta biết tha thứ cho nhau nhân danh Chúa và để cho lòng thương xót của Chúa được thể hiện và mọi người chung quanh ta được bình an.
“Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (c 21). Một khi nhận được bình an và Thánh Thần của Chúa Phục Sinh, môn đệ của Chúa Phục Sinh phải tiếp tục sứ vụ của Ngài là thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa qua sự tha thứ. Môn đệ của Chúa, từ đây, phải ra đi, không còn tìm an toàn trong phòng được đóng kín bởi những cánh cửa luật lệ; phải đi ra khỏi phòng kín là không còn bám víu cách quá đáng vào sự an toàn của những quan điểm của cá nhân, của nhóm, của cộng đoàn, hay giáo xứ..., phải ra khỏi kể các những truyền thống, tập tục đang biến Giáo Hội, biến cộng đoàn thành một pháo đài an toàn.
Ra đi để làm cho người khác đụng chạm được lòng thương xót của Thiên Chúa và để họ cảm nhận được bình an, điều này đòi hỏi chúng ta phải can đảm chấp nhận rủi ro. Đức Phanxico thích một Giáo Hội ra đi dù phải mang thương tích, rủi ro hơn là một Giáo Hội bệnh hoạn luôn luôn đóng cửa. Hãy ra đi đến với người khác, nhất là người nghèo ở vùng ngoại vi. Chúa Phục Sinh luôn hiện diện ở đó trước chúng ta, chúng ta sẽ làm cho Ngài được dụng chạm đến con tim của anh chị em chúng ta, đến thương tích của họ, chạm đến tâm hồn nguội lạnh thờ ơ... để Ngài ban bình an cho họ. Chúa Phục Sinh cần nơi ta com tim, đôi mắt, đôi tay, đôi chân biết thương xót. Hãy ra đi... Chúa đang sai tôi... đem bình an cho đời.
Lạy Chúa, trước mặt Chúa, Đấng toàn thánh toàn thiện, con luôn ý thức rằng mình thật bất xứng. Các Tông đồ xưa cũng chẳng xứng đáng, nhưng đã được Chúa thương xót và ban bình an cùng với Thánh Thần và cũng để được Chúa sai đi thể hiện lòng thương xót của Chúa qua các hành vi yêu mến và tha thứ của các ngài. Xin Chúa cũng ban cho bình an và Thánh Thần để chúng con được biến đổi và ra đi làm chứng về lòng thương xót của Chúa cho mọi người.
Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc