Bài Học Từ Lời Chúa_Chúa Nhật 1B Phục Sinh_Ga 20:1-9
28/03/2024nulasanvnSuy niệm Chúa Nhật
Khi suy niệm về các phản ứng của những người trực tiếp chứng kiến Đấng Phục Sinh, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta đâu là phản ứng của ta khi cử mừng mầu nhiệm Phục Sinh hôm nay? Phải chăng là những tiệc tùng sau những ngày lễ long trọng? Hay là những kỳ nghĩ xa nhờ dịp nghỉ lễ Phục Sinh?
BÀI HỌC TỪ LỜI CHÚA – CNPS
Ga 20:1-9
Phản Ứng Trước Tin Vui Phục Sinh
“theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 20:9)
Phục Sinh, tất cả các Kitô hữu đều vui mừng. Tôi suy nghĩ đến niềm vui của những kẻ đã theo Chúa Kitô trước tin vui Phục Sinh. Niềm vui của các bà đạo đức ra mồ từ sáng sớm – niềm vui mang chút sợ hãi. Niềm vui của các Tông đồ - niềm vui có chút kinh ngạc, nghi ngờ.
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ” (c. 1). Tin Mừng tường thuật các người phụ nữ từ sáng sớm đi ra viếng mộ Chúa, thấy tảng đá bị lăn ra khỏi mộ và khi được thiên thần báo tin “Người đã trỗi dậy từ cõi chết” thì vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng (Mt 28:6.8), chỗ khác nữa thì thuật “đang lúc các bà hoảng sợ” (Lc 24:5), chỗ khác thì cho thấy “các bà hoảng sợ” đến nỗi chính vị đã hiện ra với các bà phải trấn an “đừng hoảng sợ” (Mc 16:5.6), rồi chính Đức Giêsu sống lại cũng hiện ra đón gặp các bà và trấn an “chị em đừng sợ!” (Mt 28:10). Niềm vui của các bà mang chút sợ hãi. Có thể các bà sợ hãi bởi vì sự kiện xảy ra, như Matthêu tường thuật “đất rung chuyển, thiên thần Chúa hiện ra, đến lăn tảng đá, diện mạo như ánh chớp và y phục trắng như tuyết.” (Mt 28:3) – sợ hãi vì thấy sự lạ vượt quá sức tưởng tượng, nhưng các bà cũng vui mừng vì qua sự lạ đó các bà đón nhận được một tin vui: “Sao các bà lại đi tìm Người Sống giữa kẻ chết” (Lc 24:5). “Người đã trỗi dậy từ cõi chết” (Mt 28:7; Mc 16:6). Tin Vui về Đấng Phục Sinh. Niềm vui xen lẫn sợ hãi là hiệu quả của một cơn khủng khiếp linh thánh trước sự xuất hiện của sức mạnh thần thiêng làm tán loạn mọi năng lực con người. Có bao giờ ta có được cảm nghiệm niềm vui gặp Chúa trong sự sợ hãi linh thánh ấy chăng? Bao lâu chúng ta cảm nghiệm được niềm vui xen lẫn sự sợ hãi thánh thiêng như các bà thì dù gặp phải những cản trở, hay trước những kẻ ngờ vực hay không tin chúng ta vẫn cứ làm chứng về những gì “tôi đã thấy”.
“Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin” (c.8). Đối với các Tông đồ, niềm vui của các ông khi gặp Đấng Phục Sinh có những phản ứng khác. Khi nghe các bà về báo tin họ tỏ ra kinh ngạc (Lc 24:22), cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin, chính Phêrô sau khi chứng kiến cảnh mồ trống ông rất đỗi ngạc nhiên (Lc 24:12) (chỉ có môn đệ Chúa yêu ông thấy và đã tin (Ga 20:8). Khi gặp Đấng Phục Sinh hiện ra thì các ông hoảng hốt tưởng là thấy ma (Lc 24:37), khi được trấn an thì các ông còn chưa tin vì mừng quá và đang ngỡ ngàng (Lc 24:41). Chính Chúa Kitô Phục Sinh trách cứ các ông sao lại ngờ vực (Lc 24:38), sao lại chậm tin vào lời các ngôn sứ (Lc 24:25). Sự chậm tin càng lộ rõ nơi con người của Tôma, “nếu tôi không xỏ ngón tay và lỗ đinh, không thọc bàn tay và cạnh sườn Người thì tôi chẳng có tin.” (Ga 20:25). Niềm vui của các Tông đồ về tin vui Phục Sinh có chút ngờ vực và thiếu tin tưởng. Tại sao?
Bởi chính sau khi sống lại, sự hiện diện thể lý bình thường của Đức Giêsu đã chấm dứt, giờ đây các Tông đồ đang đứng trước một Đấng Phục Sinh có cách hiện diện vượt khỏi tính khả tri của con người. Đối diện với một Đấng vượt không gian và thời gian, Đấng Hiện Hữu, con người cảm thấy kinh hoàng, ngỡ ngàng, nhưng lại mừng rỡ đến mức còn chưa tin (Lc 24:41). Đức tin vào Chúa Phục Sinh luôn là thách đố cho chính chúng ta. Mang phận người giữa một xã hội khoa học thực nhiệm, chúng ta đòi phải “xem” tận mắt, “sờ” tận tay Đấng Phục Sinh để tin. Niềm vui Phục Sinh có chút kinh ngạc và ngờ vực của các Tông đồ cho chúng ta bài học rằng đức tin đòi phải liều; trong đời sống đức tin nếu còn ngờ vực, chúng ta hãy liều thân đi phục vụ mọi người; khi quay về với đức tin, bấy giờ ta sẽ khám phá được Đấng Phục Sinh đang hiện diện với chúng ta trong cuộc sống như Ngài đã hứa: Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28:20). Càng dấn thân vào việc phục vụ cho công cuộc Nước Trời nơi anh chị em đồng loại, các Tông đồ càng sống niềm tin vào Đấng Phục Sinh cách vững mạnh và can trường, đến nỗi bằng lòng hy sinh mạng sống để làm chứng cho điều mà chính các ngài đã nghe, đã thấy tận mắt, đã chiêm ngưỡng và đã chạm đến (Cv 4:20; 1Ga 1:1).
Khi suy niệm về các phản ứng của những người trực tiếp chứng kiến Đấng Phục Sinh, Lời Chúa nhắc nhở chúng ta đâu là phản ứng của ta khi cử mừng mầu nhiệm Phục Sinh hôm nay? Phải chăng là những tiệc tùng sau những ngày lễ long trọng? Hay là những kỳ nghĩ xa nhờ dịp nghỉ lễ Phục Sinh? Niềm vui của ta có như các bà đạo đức vui mừng trong sự kính sợ linh thánh, để mỗi lần ta đến với Chúa, cách đặc biệt trong các giờ kinh nguyện hay cử hành Hiến lễ Tạ ơn, ta cảm nghiệm được một điều gì đó linh thánh đang bao trùm không gian sống của chúng ta, để như các bà trong Tin Mừng, khi trở về với cuộc sống ta có thể báo tin cho người khác “tôi đã thấy Chúa” và kể lại những điều Chúa đã nói với chúng ta. Hay niềm vui của chúng ta có chút kinh ngạc và ngờ vực, để tự vấn lại đức tin của mỗi chúng ta, kinh nghiệm đức tin có đưa chúng ta chạm đến được Đấng Phục Sinh, chiêm ngưỡng Ngài hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, nơi anh chị em mình, nhất là nơi chính người nghèo, hay nơi các tạo vật mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày. Làm sao để có thể thể hiện niềm vui Phục Sinh bạn nhỉ? Câu trả lời là của riêng mỗi chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã đánh bại thần chết, khai đường mở lối cho chúng con bước vào cuộc sống mới, và ban Thánh Thần để biến đổi chúng con thành con người mới, con người của niềm tin và bình an. Xin tuôn đổ bình an và Thánh Thần xuống dồi dào trên chúng con để trong từng ngày sống chúng con đạt tới sự tự do hoàn hảo, và ngay từ đời này, chúng con hưởng nếm được niềm hoan lạc trong bình an và niềm vui của sự phục vụ anh chị em chúng con để ơn cứu độ được thông truyền đến cho mọi người, nhất là người nghèo.
Sư Huynh Giuse Lê Văn Phượng, fsc