Kì nghỉ nơi ngoại biên

06/09/2024Hèn Mọn, LS.S
Pouthum – một vùng quê nghèo, đơn sơ. Đây cũng chính là nơi Cộng Đoàn Campuchia của Dòng đang hiện diện và phục vụ. Khi nghe tin đoàn chúng tôi qua thăm, các chị hết sức nhiệt tình và chu đáo đón tiếp.

KỲ NGHỈ NƠI NGOẠI BIÊN

Sáng nay đón bình minh ở một nơi mới lạ. Trời sớm mai trong xanh vợn chút mây trắng trải dài tít tắp tận cuối chân trời. Cánh đồng ngô xanh mướt mặc lên mình chút nắng vàng của buổi sớm, những giọt sương mai còn đọng lại nơi cỏ cây, lấp lánh như họa thêm cho bức tranh bình minh nơi đây thêm tuyệt mĩ biết bao. Tôi thả hồn đón chút nắng mới giữa miền đất Pouthum hiền hòa, trong lòng thấy yên bình thảnh thơi vô cùng.

Pouthum – một vùng quê nghèo, đơn sơ. Đây cũng chính là nơi Cộng Đoàn Campuchia của Dòng đang hiện diện và phục vụ. Khi nghe tin đoàn chúng tôi qua thăm, các chị hết sức nhiệt tình và chu đáo đón tiếp. Sự thân thiện, nồng nhiệt và ân cần chu đáo ấy gợi lại cho tôi cảm giác những ngày đầu tiên tôi nhận được khi bước vào Dòng. Tôi thấy ấm áp nơi lồng ngực, nơi mảnh đất xa xôi ấy tôi có một mái nhà, nhìn các chị tôi khẽ mỉm cười mãn nguyện và lòng tôi thì thầm “Tạ ơn Chúa”.


          Giữa lòng Campuchia ấy, lòng tôi vô cùng ngưỡng mộ thiên nhiên và con người nơi đây, mọi thứ thật sự rất thân thiện. Các công trình kiến trúc, ngôi đền chùa, đền Vua,…nơi mà lịch sử và kiến trúc hòa quyện một cách hoàn hảo. Những bức tường với nét hoa văn chạm khắc tinh xảo, đồ sộ đã cho tôi cảm giác như đi lạc vào một thế giới cổ tích trong truyện tranh.

          Khi đặt chân đến Choeung Ek, một trong 385 khu di tích tàn tích của một thời kỳ đen tối trong lịch sử Campuchia, cảm xúc của tôi thực sự hỗn độn khi vừa kinh ngạc, đau đớn xen lẫn sự suy tư sâu sắc khi đặt chân đến “cánh đồng chết” này . Đây không chỉ là một điểm tham quan thông thường, mà là một nơi gợi nhớ đến những nỗi đau của biết bao nhiêu nạn nhân trong cuộc thanh trừng của Khmer Đỏ dưới chế độ Pol Pot. Không khí im lìm và tĩnh lặng bao trùm cảnh vật và không gian khiến bước chân tôi nặng nề hơn và thấy thời gian như ngừng lại ở đây. Những mảnh đất gập ghềnh với tàn tích còn sót lại không che giấu được sự thật đau thương đã xảy ra. Đi qua khu vực tưởng niệm, nơi những cột mốc và di tích để nhắc nhở về những nạn nhân xấu số, những chiếc hộp chứa di cốt, những vật dụng cá nhân được trưng bày, tất cả khiến tôi không khỏi xót xa. Tôi đứng lặng im, tâm hồn chìm vào kí ức đau thương mà lịch sử đã để lại.

Mỗi bước đi, mỗi cơn gió thoảng qua, đều như gợi lên hình ảnh bi thương mà các nạn nhân phải hứng chịu, đồng thời như đang lên án nghiêm khắc về sự tàn bạo của con người đã tàn nhẫn cướp đi hàng ngàn mạng sống kể cả những đứa trẻ còn quá nhỏ. Thăm Choeung Ek là một trải nghiệm đầy đau đớn nhưng cũng rất cần thiết, nó không chỉ giúp tôi nhận thức về những gì đã xảy ra trong quá khứ, mà còn làm tôi suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi chúng ta trong việc bảo vệ sự sống, nhân quyền và gìn giữ hòa bình.

          Ra khỏi Choeung Ek, trái tim tôi tràn đầy sự biết ơn và đồng cảm, cùng với cảm giác tôn trọng sâu sắc với những người đã phải chịu đựng. Đây là một trải nghiệm khó quên khi tôi đặt chân đến vùng đất thân thương này.

          Đoàn đã lên phà qua dòng sông Mê Kông đến nhà thờ Bãi Cải (Arey Khsath) hành hương núi Đức Mẹ Mê Kông, nơi đặt tượng các tượng Đức Mẹ được vớt lên từ lòng sông Mê Kông – một địa điểm nổi tiếng không kém các công trình Angkor, mà ai đến Campuchia cũng muốn được đến đây một lần. Tương truyền tượng Đức Mẹ thứ nhất được vớt lên (ngày 16/4/2008) bởi một đoàn người đánh cá người Việt gồm 8 người nhưng theo đạo Phật. Trong lúc đánh cá họ phát hiện một khối sắt lớn bèn kéo lên ghe. Khi ấy họ phát hiện ra đó là bức tượng một người phụ nữ, trông giống tượng của người Công giáo, thì mới đến họ đạo Arey Khsath để báo, Cha sở ngỏ ý chuộc tượng về. Được biết tượng Đức Mẹ cao 1,50m và nặng 130kg. Tượng Đức Mẹ thứ hai vớt lên từ một người trước đây là thợ lặn, sống ở Candal. Ông được báo mộng để vớt thêm tượng này vào ngày 19/11/2012 – hiện nay đặt ở cuối nhà thờ Arey Khsath. Chúng tôi vô cùng tự hào khi được đến đây chiêm ngưỡng bức tượng Đức Mẹ Mê Kông. Chị em chúng tôi cùng nhau quây quần bên Mẹ, dâng lên Mẹ những câu kinh tiếng hát, những lời cầu nguyện và nỗi lòng của từng đứa con thơ dại. Chắc hẳn Mẹ rất vui khi con cái Mẹ đến viếng thăm thế này, tôi nghĩ thế. Ngôi nhà thờ nhỏ bé bên trong chẳng có ghế ngồi như ở Việt Nam vì ở đất nước Campuchia là đất chùa tháp, nên đây là việc rất bình thường khi Giáo hội cần hòa nhập với nền văn hóa của mỗi đất nước. Đến với Mẹ Mê Kông, tôi gửi lại nơi Mẹ chút tâm tình tri ân, đôi ước mơ và lời cầu nguyện, xin Mẹ luôn chúc lành và đồng hành với chúng tôi trong chuyến đi này.

          Vùng quê nghèo Pouthum - vẫn còn sống động trong tâm trí tôi với hình ảnh con người nghèo khổ nơi đây lấp ló trong những căn nhà xập xệ, dột nát, đặc biệt là các trẻ nhỏ tôi được gặp trong buổi đi phát quà cho các em. Họ rất thân thiện và dễ thương, khi tôi chào, họ vui vẻ đáp lại và không quên tặng tôi một nụ cười tươi.

 Trời về chiều không mấy ưu ái cho đoàn chúng tôi khi đổ cơn mưa như trút nước xuống con đường đất sét nhỏ hẹp, khiến việc di chuyển khá khó khăn, tuy nhiên điều đó không làm chúng tôi nản chí. Từ trong màn mưa, những ánh mắt, nụ cười của các em vẫn long lanh, rạng ngời và hạnh phúc. Các em chờ đợi trong háo hức, đôi chân trần không thấy đau rát khi chạy trên nền đá sỏi, trên vũng bùn đất, để đến gặp chúng tôi. Những khuôn mặt thật ngây thơ và trong sáng biết bao. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt lấm lem ấy làm dậy lên trong tôi một sự thương xót và đồng cảm. Các em đã truyền vào trái tim tôi một luồng hạnh phúc thật sự mà những thành công chưa cho tôi thấy bao giờ. Không hiểu sao tôi thấy hạnh phúc đến thế nữa.


 


Tôi bập bẹ được đôi câu chào hỏi, chào các em và nhận lại được từ các em một sự tử tế, kính trọng. Cái chắp tay cúi đầu tưởng như là một điệu bộ chào xã giao, nhưng đối với tôi đó là cả một sự trân trọng các em dành cho mình. Tôi cũng nghiêng mình cúi chào các em, và thầm xin Chúa chúc phúc cho các em. Các em còn quá nhỏ, nhưng sự tử tế nơi các em khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ và “nên học hỏi”. Khi phát quà, các em cũng chẳng nhao nhao, chạy nhảy, hay hò hét, nhưng ngoan ngoãn xếp hàng và đợi chờ tới phần mình. Niềm hạnh phúc toát lên nơi khuôn mặt các em khiến cho màn mưa kia trở nên vô hình, chẳng có gì cho bằng tình thương các em nhận được. Có lẽ chính các em cũng khát khao được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được tung tăng đến trường học hỏi nhiều điều mới lạ, cùng bạn bè chơi nhiều trò chơi thú vị…Nhưng từ ánh mắt thơ ngây của các em, tôi thấy ước mơ ấy xa vời quá. Tôi chỉ thấy thương cảm khi ngoài kia tại sao còn quá nhiều mảnh đời bất hạnh và khốn khổ như thế, tại sao cũng là trẻ em, có người thì dư giả, có người lại thiếu thốn như thế, đến một manh áo tử tế còn không có, một bộ đồ đẹp chắc có lẽ các em chưa từng được mặc bao giờ và một bữa ăn ngon có lẽ chỉ nằm mãi trong trí óc non nớt ấy của các em mà thôi. Tuy nhiên các em đã mang trong mình một sức sống mãnh liệt, một niềm hạnh phúc thật bao la, và điều ấy làm cháy lên nơi con tim tôi tình yêu dành cho các em. Tôi yêu các em và tôi nghĩ mình cần phải làm gì đó…

Tạm biệt các em tôi mang theo hình ảnh thân thương ấy, lưu giữ lại bên mình những khoảnh khắc hạnh phúc của các em và cả của chính tôi. Nụ cười rạng rỡ ấy như xé tan bầu trời đen nghịt đang đổ mưa trên làng nhỏ Pouthum, chúng tôi tuy ướt dưới mưa nhưng ai ai cũng mang về cho mình niềm hạnh phúc lớn lao được cảm nhận một chút về cuộc sống khó nghèo của các em, được cho đi tình thương và sự trân trọng. Cảm ơn các em đã cho tôi thấy thế nào là hạnh phúc đơn sơ, sự hồn nhiên và trong sáng, sự đáng yêu và lịch lãm. Nếu ai đó hỏi tôi thế nào là hạnh phúc, tôi sẽ kể về các em.

Thời gian êm ả trôi, ngày trở về Việt Nam cũng đến. Một kỳ nghỉ tưởng chừng dài thế mà hóa ra lại ngắn thật. Tuy nhiên cũng kịp để tôi ghi lại trong tim những kí ức đẹp về con người nơi đây, về đất nước nơi đây. Từng dấu ấn in đậm lại trên trang nhật ký, trong cả ký ức của tuổi trẻ tôi, một lời cảm ơn thôi cũng chẳng đủ để nói lên lòng tôi vào lúc này.

Nếu có cơ hội được đi đây đó, đừng chỉ có mải mê chụp cho mình những bức hình thật đẹp để đăng lên mạng hay khoe khoang với ai đó. Hãy ghi lại những tuyệt tác thật kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm nên qua thiên nhiên hùng vĩ bạn trông thấy. Hãy cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa qua những gì làm bạn cuốn hút, trầm trồ hay đơn giản là những điều bé nhỏ làm rung động trái tim bạn. Hãy mang Chúa đến cho những ai bạn gặp gỡ và ở đó bạn sẽ thấy ấm áp biết bao. Bạn sẽ thấy Thiên Chúa yêu bạn nhường nào khi cùng bạn nếm trải những điều thú vị ấy.

 Hãy tạ ơn Chúa vì tất cả là hồng ân của Ngài.

                                                                               --Hèn Mọn, LS.S --

Đánh giá & chia sẽ bài viết

Hiển thị Bình luận

  1. Đang tải bình luận...

Để lại một bình luận

Mục lục
Copyright © Dòng Nữ La San Miền Việt Nam 2024. All right reserved. Thiết kế bởi IT Express
Điều khoản sử dụng & Chính sách bảo mật